Chuyện trọng tài ở sân Lạch Tray
Riêng ở lượt đi V.League 2022, chuyện trọng tài diễn ra trên sân Lạch Tray của Hải Phòng cũng đủ để tách riêng ra phản ánh. Đầu tháng 3/2022, CLB Hải Phòng bất ngờ chiếu trực tiếp trận đấu giữa họ và Nam Định trên bảng LED cỡ lớn của sân vận động. Cũng từ đây, một màn “kiểm tra VAR” chưa từng có trong tiền lệ V.League diễn ra đối với tổ trọng tài điều khiển trận đấu khi ấy.
Phút 67 của màn so tài đó, Triệu Việt Hưng bên phía Hải Phòng đệm bóng vào lưới trống. Trọng tài Trần Đình Thịnh ngay lập tức chỉ tay lên chấm giữa sân để công nhận bàn thắng nâng tỉ số lên 2-0 cho Hải Phòng. Tuy nhiên, các cầu thủ Nam Định nhanh chóng lao tới, chỉ tay lên phía màn hình LED cỡ lớn của sân Lạch Tray để báo cho trọng tài rằng Triệu Việt Hưng đã để bóng chạm tay trong tình huống tham gia tấn công. Ở thời điểm đó, trọng tài Trần Đình Thịnh đã chạy tới hội ý với trọng tài biên. Trợ lý Trần Duy Khánh đã xem lại tình huống quay chậm trước khi bàn bạc với trọng tài Trần Đình Thịnh về việc hủy bàn thắng ấy.
Vẫn là sân Lạch Tray nhưng là sau gần 5 tháng, trọng tài Hoàng Ngọc Hà cầm còi trận đấu mà Hải Phòng thắng 3-1 Bình Định. Ông xử lý một loạt tình huống đúng mực. Nhưng một CĐV Hải Phòng vẫn lao xuống sân, bóp gáy và nhổ nước bọt vào mặt trọng tài Ngọc Hà. Lý do mà CĐV này đưa ra là bởi trọng tài Hà đã rút thẻ vàng khiến Rimario bị treo giò ở trận kế tiếp. Hành vi ấy đã khiến CĐV quá khích này bị cấm đến xem các trận đấu do VFF quản lý trong vòng 3 năm!
Cần rút kinh nghiệm ở lượt về
Bên cạnh câu chuyện bi hài xen lẫn sự ủng hộ từ cảm xúc giới mộ điệu xoay quanh 2 câu chuyện liên quan đến các trọng tài ở sân Lạch Tray, một số quyết định ảnh hưởng đến kết quả trận đấu của các trọng tài cũng được thẳng thắn chỉ ra trong thời gian vừa rồi. Một số CLB như Thanh Hóa, Hải Phòng, HAGL cũng góp ý trực diện về công tác điều hành của những “vị vua áo đen”, trong bối cảnh họ chịu thiệt thòi về kết quả trận đấu tại lượt đi của giải. Lằn ranh yêu, ghét giữa người hâm mộ và CLB xoay quanh trọng tài cũng vì thế mà được hiện lên xoay quanh 13 vòng đã qua tại V.League 2022.
Một điểm cộng đáng được ghi nhận xoay quanh câu chuyện trọng tài ở V.League 2022 chính là việc Trưởng ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền sẵn sàng chia sẻ thông tin trên giới truyền thông mỗi khi có tranh cãi liên quan đến quyết định trọng tài. Trong đó, ông Dương Văn Hiền cũng thẳng thắn chỉ ra điểm đúng và chưa đúng liên quan đến những tình huống tranh cãi đó.
Theo quan điểm của một CLB tại V.League, ý kiến của Trưởng ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền sẽ càng thuyết phục hơn nếu như đội bóng có liên quan nhận được thêm tư liệu, băng hình kỹ thuật có đề cập đến tình huống tranh cãi. Khi đó, các CLB sẽ thêm tin tưởng vào quyết định của trọng tài và tính chất “phán xử” đến từ Ban Trọng tài VFF. Tính đến hiện tại, Trưởng Ban Trọng tài VFF - Dương Văn Hiền chưa hồi đáp về ý tưởng này.
Cái khó của trọng tài
Tại V.League 2022, số lượng trọng tài (TT) FIFA chỉ là 3 người. Đó là các ông Hoàng Ngọc Hà, Ngô Duy Lân và Nguyễn Mạnh Hải. Con số này chỉ hơn số lượng TT FIFA của Brunei, ngang bằng Campuchia, Lào, Philippines. Việc có ít trọng tài FIFA khiến số lượng TT Việt Nam điều hành ở các giải lớn cấp khu vực và châu lục cũng bị hạn chế, dẫn đến họ không có nhiều cơ hội học hỏi.
Thực tế, trong khoảng 5 năm trở lại đây, việc phát triển trọng tài ở Việt Nam về mặt số lượng đã khó chứ đừng nói đến chất lượng. Nguyên nhân do tính chất khắt khe trong công tác đào tạo cùng thời gian phát triển, thử thách kéo dài trong nhiều năm. Đơn cử, để được lên cầm còi ở giải U19 hay U21 QG, các trọng tài mới này cũng phải mất 1-2 năm. Tương tự là ở giải hạng Nhì, hạng Nhất rồi kế đến mới là V.League. Rồi trước mỗi giải, các trọng tài phải tiến hành sát hạch qua lý thuyết và thể lực. Nhiều trọng tài đẳng cấp FIFA vẫn có thể không được hành nghề ở V.League chỉ bởi trượt bài thi thể lực.
Như vậy phải mất 5-6 năm để một trọng tài có thể cầm còi ở hạng Nhất. Và có khi phải tới 10 năm, họ mới đủ điều kiện để điều hành ở V.League. Rồi biến số lại có thể xảy ra, khi trọng tài không thể đảm bảo sự đúng đắn tuyệt đối trong các quyết định. Vậy nên, việc kiếm lực lượng trọng tài kế cận ngày càng khó khăn, chứ chưa nói đến chuyện tìm ra trọng tài giỏi tầm cỡ FIFA.
Bình Luận