
Ai mang Jeferson đến Việt Nam?
“Này coach, tôi có thằng em này được lắm. Cậu ta có thể chơi tấn công tốt và rất phù hợp với tôi ở khu vực giữa sân. Coach có muốn xem chân chẳng cậu ta thế nào không? Tin tôi đi. Tôi bảo đảm cậu ta là một món quà tuyệt vời”, Rogerio Machado (hay tên nhập tịch sau này là Nguyễn Rogerio) thao thao bất tuyệt với vị trợ lý ngôn ngữ của HLV Lê Thụy Hải, lúc bấy giờ đang giữ cương vị “thuyền trưởng” của Đà Nẵng.
Người của đội bóng sông Hàn kể rằng, chẳng bao lâu sau, cầu thủ Brazil có cái tên dài loằng ngoằng Marcos Jeferson Farias Valentim “hạ cánh” ở Đà Nẵng và ngay lập tức được xỏ giày vào sân thử việc. Không mất nhiều thời gian, HLV Lê Thụy Hải nói “Ok” và Jeferson gia nhập Đà Nẵng với bản hợp đồng không được tiết lộ. Dĩ nhiên, thù lao của Jeferson không thể cao hơn “ông mối” Rogerio, cụ thể là khoản lót tay 4.000 USD cùng tiền lương 1.700 USD/tháng. Nói chung, như vậy cũng là quá tuyệt với anh chàng vô danh như Jeferson.
Jeferson chơi không quá hay, nhưng trình độ của anh cũng không đến mức kém cỏi. HLV Lê Thụy Hải nhận xét, “Tây” như Jeferson chỉ đá tròn vai chứ không có gì nổi bật. Rồi ông Hải rời đội bóng sông Hàn để nhường chỗ cho HLV Trần Vũ. Đà Nẵng vẫn lẹt đẹt, một hai đi đều bước. Jeferson dường như “bóng chim tăm cá” dù anh từng được kỳ vọng sẽ cùng Rogerio “gánh Team”.
Cuối mùa giải 2007, Đà Nẵng làm cuộc “cách mạng” khi đưa HLV Phan Thanh Hùng cùng lứa học trò từng làm mưa làm gió ở các giải trẻ toàn quốc như anh em nhà Thanh Phúc, Thanh Hưng, Quốc Anh, Nguyên Sa… lên đội 1. Đến lúc này, Jeferson đã không còn chỗ đứng, anh được đẩy đến đội bóng Quân khu 5 lúc bấy giờ đang chơi tại giải hạng Nhất, rồi sau đó trôi về Quảng Nam.
Ngày 19/5/2009, Jeferson chia tay đời độc thân khi nên duyên với cô vợ người Việt. Và rồi sau 5 năm kể từ ngày đặt chân đến Việt Nam, Jeferson nhận được lời đề nghị sẽ ký hợp đồng 2 năm từ Quảng Nam, nhưng phải nhập tịch. Đó còn hơn cả câu chuyện cổ tích của Nguyễn Trung Sơn, cái tên Việt mà anh lấy sau khi được Quảng Nam chuyển hóa thành nội binh.
“Hãy đưa tôi trở lại Việt Nam”
Ba mùa bóng ở Quảng Nam trong vai trò cầu thủ nhập tịch, Nguyễn Trung Sơn có những đóng góp nhất định. Như những cầu thủ được “Việt hóa” khác, Trung Sơn cũng muốn tranh thủ thời thanh xuân để kiếm tiền. B.Bình Dương vẫy gọi với những khoản tiền mơ ước và Trung Sơn chẳng thể từ chối. Nhưng cuộc tình ấy chỉ kéo dài được vài năm khi đội bóng đất Thủ vỡ mộng với chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch. Trung Sơn cũng phải khăn gói ra đi.
Trung Sơn quay lại Quảng Nam, nhưng lúc này “cái tuổi đã đuổi xuân đi”. Anh trở về Brazil một năm, trước khi đến Đồng Tháp (năm 2017) để… hốt cú chót. Bản hợp đồng 1 năm có giá trị lót tay 5.000 USD cùng mức lương 1.000 USD/tháng khiến người ta ngạc nhiên. Nhưng với Trung Sơn, như vậy là quá đỗi hạnh phúc. Đấy cũng là lần cuối, Trung Sơn xuất hiện trên sân cỏ Việt Nam. Không việc làm, Trung Sơn phải “quy cố hương” và công việc bây giờ của anh là nhân viên trong một khách sạn tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil).
“Sau khi rời Đồng Tháp, tôi trở về Brazil làm nhân viên trong một khách sạn lớn. Công việc ở đây không quá vất vả, nhưng tôi không cảm thấy hạnh phúc. Tôi thích bóng đá và làm những công việc liên quan đến nó. Ở Brazil tôi không thể. Nếu có thể, anh hãy đưa tôi trở lại Việt Nam. Tôi không quên ơn anh đâu. Dĩ nhiên, tôi biết ở V.League không ai muốn sử dụng một cầu thủ lớn tuổi như tôi. Tôi muốn trở lại Việt Nam vì cuộc sống ở đó dễ thở. Chỉ cần có công việc liên quan đến bóng đá và được sống như bao người khác là tốt rồi. Tôi không đòi hỏi gì nhiều cả”, Trung Sơn nói tiếng Việt rất gãy gọn.
Câu chuyện còn rất dài và Trung Sơn cũng gửi gắm rất nhiều ước vọng khác. Tôi chỉ biết lặng thinh và cầu mong anh sẽ tìm được một công việc “sống khỏe” như những đồng nghiệp Đặng Amaobi, Đoàn Marcelo, Phan Văn Santos… nếu có ngày trở lại Việt Nam.
Góp mặt trong đội hình “vô tiền khoáng hậu” VÀI NÉT VỀ NGUYỄN TRUNG SƠN Các CLB đã qua |
XEM THÊM
Thái Lan dùng đội hình lạ để tranh vô địch AFF Cup với Việt Nam
Bình Luận