Số trận đấu, giải đấu chuyên nghiệp còn khiêm tốn
Gần 1 tuần trở lại đây, bóng đá Việt Nam đứng trước hai luồng quan điểm mâu thuẫn lẫn nhau. Trên phương diện quyền lợi cho ĐTQG, HLV Park Hang Seo mong mỏi các CLB sử dụng nhiều tiền đạo nội. Nhưng ngược lại, với tâm thế của những đội bóng luôn phải đua tranh vô địch hoặc trụ hạng, đại diện các CLB - đặc biệt là ở V.League, không thể gạt đi các tiền đạo ngoại vốn hơn hẳn trên nhiều khía cạnh so với các nội binh.
Thống kê riêng ở V.League 2020, chỉ 12 tiền đạo nội có số trận được xem là xấp xỉ đến ngang ngửa các ngoại binh cùng đội. Đó là: Việt Phong (14 trận/Viettel), Tuấn Tài (17 trận/SLNA), Công Phượng (12 trận/TP.HCM), Văn Toàn (20 trận/HAGL), Tiến Linh (18 trận/B.BD), Văn Quyết (20 trận/Hà Nội FC), Tuấn Hải (20 trận/HL Hà Tĩnh), Đức Chinh (14 trận/SHB.ĐN), Văn Thắng, Đình Tùng (15 trận/Thanh Hoá), Minh Tuấn (16 trận/DNH.NĐ), Minh Tuấn (15 trận/Quảng Nam).
Nhưng mấy ai trong số đó đủ khả năng lên đội tuyển Việt Nam? Và mấy ai trong số đủ sức lên đội tuyển quốc gia có thể chơi ở vị trí trung phong mà HLV Park Hang Seo mong mỏi? Chưa nói đến tiêu chí tiền đạo giỏi mà nhà cầm quân Hàn Quốc nhắc đến thì chỉ xét về số lượng thôi, việc tìm ra những chân sút nội được xem là chủ lực của các đội bóng tại V.League thôi cũng đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả trong số 12 cầu thủ kể trên, may ra chỉ có Văn Quyết, Công Phượng, Văn Toàn, Tiến Linh còn được xem là nổi trội và được đá chính nhiều.
Hoạ chăng, những tiền đạo nội thuộc diện dự bị chỉ có thể được ra sân ở Cúp Quốc gia. Nhưng với tính chất đấu loại trực tiếp và đội vào sâu nhất cũng chỉ được đá tối đa 4 trận, Cúp Quốc gia cũng chẳng thể là phương án khả dĩ hơn để tiền đạo nội tìm cho mình một đất diễn.
Cần thêm ít nhất một giải đấu nữa
Đương nhiên, các CLB ở V.League cũng muốn phát triển các tiền đạo “gà nhà”. Bởi đương nhiên, số tiền lót tay, lương thưởng trả cho tiền đạo nội thấp hơn nhiều so với tiền đạo ngoại. Nhưng các CLB không dùng không được. Với lối chơi vẫn cứ theo truyền thống… phất dài cho “Tây” ở V.League tồn tại cả chục năm qua ở nhiều đội bóng, chuyện không có tiền đạo ngoại là một thiếu sót lớn trong quá trình chuyển nhượng trước và giữa mùa.
Mở rộng vấn đề, câu chuyện dùng ngoại binh hơn là nội binh không hẳn chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Mâu thuẫn giữa quyền lợi của ĐTQG và CLB cũng không chỉ hiện diện duy nhất giữa thầy Park và CLB tại V.League. Bất cứ quốc gia nào, kể cả là giải Ngoại hạng Anh cũng từng trải qua câu chuyện tương tự như vậy. Nhưng họ có phương án để giảm thiểu điều đó. Đấy chính là sự xuất hiện của giải dự bị song hành với giải VĐQG.
Những cầu thủ không được xếp vào đội hình chính sẽ có thêm cơ hội cọ xát ở một mặt trận với số lượng trận đấu không thua kém giải VĐQG. Lấy ví dụ có thể kể đến trường hợp của Đoàn Văn Hậu khi anh chơi cho đội dự bị của Heerenveen ở Hà Lan. Hay với trường hợp của Xuân Trường, Công Phượng ở Hàn Quốc, các cầu thủ này vẫn được chơi trong một số trận đấu thuộc đội dự bị của Gangwon hay Incheon United.
Tất nhiên, việc sinh ra một giải đấu không hề đơn giản. Bởi nó còn là sự cổng hưởng của nhiều thành tố từ Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, nhà tài trợ đến sự đồng tình của các đội liên quan. Nhưng nếu như phương án đó trở thành hiện thực, các tiền đạo nội sẽ không còn phải đồng loạt bỏ xứ để tìm kiếm cơ hội ở những CLB hạng dưới như hiện nay nữa.
Bình Luận