Cỏ lá gừng và cỏ lá kim
Tại V.League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung, đa số các sân vận động vẫn chứng kiến sự hiện diện của cỏ lá gừng. Chỉ một bộ phận nhỏ các đội bóng phát triển mặt sân của mình với loại cỏ lá kim. Ví dụ như trường hợp của sân Hàng Đẫy (Hà Nội FC và Viettel) sử dụng chủng loại cỏ kim Bermuda. Ở sân Hà Tĩnh (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), chủng loại cỏ kim Paspalum hiện diện. Trong khi đó, chủng loại cỏ kim Zoysia được sử dụng ở sân của Trung tâm PVF.
Trao đổi với phóng viên Bóng đá, ông Lê Minh Dũng – Giám đốc điều hành của CLB Phố Hiến, một người nghiên cứu rất kỹ về các loại cỏ sử dụng trên sân bóng đá cho hay: “Những chủng loại cỏ này mềm và thường sử dụng phổ biến ở sân golf. Việc các CLB sử dụng các chủng cỏ lá kim là bởi cỏ này mềm hơn.
Cỏ lá gừng có bản lá to, có đặc tính rễ cứng, chịu lực cao, thời tiết nóng. Vì thế khi chăm sóc cỏ lá gừng người ta chỉ cần dùng xe lu làm phẳng mặt sân. Chi phí và cách chăm sóc không phức tạp như cỏ lá kim. Vì thế nhiều CLB tại Việt Nam vẫn sử dụng các sân cỏ loại cỏ lá gừng. Còn với cỏ lá kim thì mềm, bản lá nhỏ, bộ rễ cũng khác so với cỏ lá gừng. Vì vậy, thay vì dùng xe lu, người ta cần dùng máy Verticut, cắt cỏ theo phương thẳng đứng với kỹ thuật khó hơn nhằm đảm bảo cỏ đan vào nhau. Về việc bón phân thì cỏ lá gừng ít phải bón phân hơn so với cỏ lá kim.
Tất nhiên, mặt cỏ lá gừng thường cứng hơn so với mặt cỏ lá kim. Nến nhớ khi thi đấu trên sân, chân của các cầu thủ thường xuyên tiếp xúc với mặt đất, qua đó vô tình tạo nên một lực phản hồi từ mặt đất ảnh hưởng ngược lại lên khớp và lưng cầu thủ. Vì thế, thi đấu trên mặt cỏ lá kim sẽ có lợi hơn đối với các cầu thủ”.
Nói thêm về chủng loại cỏ, trong quãng thời gian đi công tác tại các nước Đông Nam Á, ông Lê Minh Dũng chia sẻ: “Ở nhiều giải tại Đông Nam Á, các CLB ưu tiên sử dụng cỏ lá nhỏ. Ở Malaysia, các CLB chuộng dùng chủng cỏ Zoyssia. Ở Thái Lan, các sân dùng chủng cỏ Bermuda. Điều quan trọng là họ thực hiện quá trình thiết kế, bảo dưỡng sân tốt. Như ở Việt Nam, sân Hàng Đẫy, sân Thống Nhất cũng làm tốt công việc này”.
Quan trọng ở cách chăm sóc mặt cỏ
Cũng theo ông Lê Minh Dũng, không phải cứ mặt cỏ lá gừng là mặt sân không đẹp như mặt cỏ lá kim, ngay cả khi cách chăm sóc mặt cỏ lá gừng đơn giản và dễ hơn. “Các sân vận động như Gò Đậu (Bình Dương), Tây Ninh và Long An đều dùng cỏ lá gừng nhưng mặt sân đều phẳng, mượt và đẹp. Theo tôi, mặt sân có đẹp hay không tuỳ vào sự cẩn thận trong khâu bảo dưỡng. Bởi nếu không biết cách tưới nước hoặc tưới không đủ tốt thì cỏ nào cũng hỏng cả.
Nhiều CLB ở Việt Nam vẫn chỉ sử dụng vòi ống để tưới nước, điều đó là không đảm bảo cỏ trên sân được tưới đầy đủ. Bên cạnh đó, một số đội vẫn phải dùng sân chính làm sân tập. Với cường độ sử dụng sân liên tục như vậy, mặt cỏ bị ảnh hưởng lớn. Tại châu Âu, chỉ vài trường hợp đơn lẻ tại Champions League, họ mới dùng sân chính để tập ở một vài thời điểm”.
Với CLB Nam Định, ông Trần Thái Toán – GĐĐH của đội chia sẻ: “Sân Thiên Trường sử dụng mặt cỏ lá gừng. Ở dưới nền mặt sân có hệ thống vòi để tưới đủ nước. Vào mùa hè, chúng tôi sẽ tưới nước cho mặt sân sau khi trời tắt nắng. Vào mùa Đông, đội sẽ tưới vào sáng sớm để loại bỏ sương muối làm hỏng cỏ. Đội cũng tiến hành bón phân, phun thuốc kích thích đều đặn 1-2 lần/tháng. Trước khi thi đấu, nhân viên chăm sóc cỏ sẽ lu sân phẳng, cắt cỏ ngắn lại theo tiêu chuẩn”.
Cũng liên quan đến điều kiện thời tiết, ông Lê Minh Dũng nói: “Khi các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam, họ có đưa ra một con số là 12 độ C. Khi nhiệt độ trong mặt đất dưới 12 độ C thì rễ không hoạt động được dẫn đến cỏ bị chết. Miền Bắc của mình có đặc tính trời lạnh sâu, rét đậm. Chúng ta có thể học theo kinh nghiệm của các nước châu Âu là dùng đèn công suất lớn để sưởi cho cỏ hay nếu hiện đại hơn là dùng hệ thống sưởi dưới mặt đất.
Tại PVF, sân cũng không tránh khỏi tính trạng cỏ chết khi mùa đông đến. Lúc đó, chúng tôi hạn chế sử dụng sân. Đây là thời gian rét đậm, rét hại. Cỏ chết trong thời gian 3-5 tuần. Sau thời gian đó, PVF sẽ tiến hành công tác chăm sóc cỏ để mọc lại”.
Cần sử dụng một loại cát phù hợp hơn
Đề cập đến tiêu chuẩn về thế nào là một mặt cỏ đẹp, ông Lê Minh Dũng cho biết: “Không có những tiêu chuẩn nào gọi là chuẩn mực cả. Đơn giản là khi chúng ta nhìn vào mắt thường ở thời điểm sân trước khi diễn ra tập luyện và thi đấu, lá cỏ có thể phủ kín, không có khoảng hở để chúng ta nhìn thấy đất. Về chiều dài của cỏ, các chuyên gia khuyến cáo cỏ dài từ 2-3 phân rưỡi. Nếu cỏ dài hơn 3 phân rưỡi hoặc lên tới 4 phân thì sẽ ảnh hưởng đến tiếp xúc chân và nền đất của cầu thủ. Ngoài ra, trái bóng lăn cũng bị ảnh hưởng nếu chiều dài cỏ như thế”.
Ngoài vấn đề về cỏ, loại đất cũng tác động nhiều đến chất lượng, đặc biệt là việc thoát nước. Ở vòng 1 V.League 2021, Hà Nội FC và Nam Định đã phải thi đấu trên mặt sân sũng nước, lầy lội. Trao đổi về câu chuyện này, ông Lê Minh Dũng phân tích: “Đất ở Việt Nam thường là đất phù sa, cát đen, màu mỡ và chắc chắn. Cát đen phù hợp cho việc trồng cây ăn cả. Các hạt cát đen đan xen chặt chẽ vào nhau và giữ nước tốt. Nhưng với sân vận động thì điều đó lại ảnh hưởng.
Tại PVF, bên thiết kế sân có tư vấn sử dụng loại cát vàng. Đây là một loại cát rất thô, phổ biến ở khu vực Khánh Hoà, Quảng Bình hay các tỉnh Nam Trung Bộ. Hạt cát vàng không đan vào nhau, ít chất dinh dưỡng, không giữ được nhiều nước như cát đen. Vì thế, khi sử dụng loại cát này thì người chăm sóc mặt sân phải bón phân nhiều hơn. Nhưng nước sẽ thấm thoát tốt hơn.
Ngoài ra khi làm hệ thống ngầm dưới sân, đường ống thoát nước phải bọc một loại vải địa kỹ thuật, với màn lọc loại bỏ được đất, cát nhằm tránh việc ứ đọng, khó thoát nước”.
Bình Luận