Khi cả V.League dịch chuyển

Một thời gian dài, các đội bóng của V.League chỉ nghĩ đến việc tiêu tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Đến giờ việc này vẫn thế, nhưng các CLB đã biết xây dựng hình ảnh và làm truyền thông để thu hút nhà tài trợ, qua đó mang tiền về cho đội nhà…
Khi cả V.League dịch chuyển

Thực tế đến thời điểm này, các đội bóng ở sân chơi chuyên nghiệp của ta vẫn đang tiêu rất nhiều tiền. Một đội bóng muốn có mặt ở V.League, mỗi năm phải tiêu ít nhất cỡ 35 tỷ đồng cho các hoạt động và đó được xem là con số tối thiểu. Nhiều đội khác, đặc biệt là các tân binh vừa có mặt ở sân chơi chuyên nghiệp hoặc mua nhiều ngôi sao, thực tế còn bỏ ra số kinh phí cao hơn nhiều so với mức kể trên.

Nói đâu xa, tân binh Bình Định vừa có mặt ở sân chơi chuyên nghiệp mùa giải 2021, lãnh đạo kiêm nhà tài trợ đã bỏ ra khoảng 300 tỷ đồng cho 3 mùa để đầu tư cho đội bóng. Cần nói thêm, lực lượng của Bình Định thực tế vẫn sử dụng nhiều cầu thủ của địa phương và không tốn quá nhiều tiền để mua về những hảo thủ từ khắp nơi, nhưng vẫn tiêu một số tiền lớn như thế. Vì vậy, có thể suy luận những CLB như HAGL, Đồng Tâm Long An, Hà Nội, B.Bình Dương… trước đây đã phải bỏ ra kinh phí cao ra sao cho lực lượng toàn ngôi sao từ khắp nơi được mời về của mình.

Tuy nhiên, thời điểm này các đội bóng không chỉ biết xài tiền, họ cũng đã bắt đầu nghĩ đến việc kiếm tiền cho đội nhà. Nói đâu xa, chính các đội bóng từng một thời tiêu tiền nhiều nhất như Hà Nội, HAGL, B.Bình Dương, TP.HCM… lại là những người tập trung xây dựng hình ảnh, thông qua đó đã mang về những nhà tài trợ cho đội nhà.

Tiền đạo Junior (phải) nỗ lực đi bóng trong màu áo TP.HCM 	Ảnh: Đức Cường

CLB Hà Nội là một ví dụ. Sau thời gian dài tốn rất nhiều tiền mua về những ngôi sao từ khắp nơi, những mùa giải gần đây họ gần như không cần phải tốn tiền để mua nội binh nữa. Bên cạnh đó, những cầu thủ trẻ được đào tạo bởi chính “lò” Hà Nội FC đang ngày càng trưởng thành và trở thành những gương mặt không thể thiếu ở các ĐTQG. Sự thành danh của những Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng, Hùng Dũng, Đức Huy, Việt Anh, Văn Xuân… đã giúp cho đội bóng thủ đô luôn là ứng viên ở cuộc đua vô địch V.League.

Đồng thời, chính họ đang là những người làm hình ảnh cho đội nhà khi kêu gọi người hâm mộ đến sân và tạo ra một lượng khán giả trẻ mới cho đội bóng Hà Nội trong thời gian qua. Từ việc khán giả đến sân sẽ giúp BTC bán được nhiều vé, trong lúc nhà tài trợ trang phục thi đấu cũng thu được một số kinh phí không nhỏ từ áo và trang phục cổ động của đội nhà. Bên cạnh đó, nhiều nhà tài trợ đã tìm đến với đội và điều đó thể hiện qua các bảng quảng cáo đặt trên sân đấu.

Không chỉ CLB Hà Nội, các đội bóng như HAGL, TP.HCM, B.Bình Dương… cũng đang có những động thái tương tự để có thể tìm thêm nhà tài trợ, qua đó mang tiền về cho đội nhà, giúp giảm tải rất nhiều áp lực cho đơn vị tài trợ chính. 

Cần phải nói rõ, thực tế số tiền các đội mang về nhờ những hoạt động khác vẫn chưa là bao so với số kinh phí bỏ ra để nuôi đội bóng, nhưng như ông bà ta thường nói “năng nhặt chặt bị” và nó cho thấy các CLB đang dần ý thức hơn trong công tác xây dựng hình ảnh để đội nhà ngày càng đẹp hơn, giúp giá trị đội bóng tăng lên. Qua đó, giá trị của V.League cũng ngày càng chuyên nghiệp và tăng cao hơn.

    Bình Luận