V.League lại tăng giá giữa dịch Covid-19: Củng cố vị thế ở Đông nam á

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 không khiến V.League “giảm giá”. Trái lại, giá trị của V.League trên trang chuyển nhượng quốc tế Transfermarkt còn tăng lên, qua đó củng cố vị trí trong Top 3 giải đấu trong khu vực Đông Nam Á.
V.League lại tăng giá giữa dịch Covid-19: Củng cố vị thế ở Đông nam á

Vì sao V.League tăng giá? 

Ở đây, giá trị của V.League là tổng giá trị của tất cả các cầu thủ đang thi đấu tại 14 CLB ở mùa giải năm nay theo trang định giá chuyển nhượng uy tín Transfermarkt. Nên nhớ, kỳ chuyển nhượng trước mùa bóng chứng kiến hàng loạt những thương vụ đình đám. Lee Nguyễn, cầu thủ Việt kiều danh tiếng được định giá 400.000 euro cập bến TP.HCM. Ba ngoại binh khác mà đội bóng phía Nam này thực hiện ở thị trường chuyển nhượng gồm Junior Barros, Joao Paulo, Dario Da Silva có tổng giá trị lên tới gần 1 triệu euro. Tương tự, Sài Gòn FC kéo về cựu tuyển thủ Nhật Bản – Daisuke Matsui, hậu vệ Woo Sang Ho và tiền đạo Takasaki, với tổng giá trị trên Transfermarkt là hơn nửa triệu euro. 

Hai đội bóng Sài thành tăng cường “nhập khẩu” cầu thủ  nước ngoài. Những đội bóng lớn khác thì tích cực lấy những ngoại binh giỏi từ chính đối phương. Pedro Paulo từ Sài Gòn FC sang Viettel. Bruno Cunha và Geovane Magno lần lượt chia tay Sài Gòn FC lẫn Viettel để cập bến Hà Nội FC. SLNA cũng có được Bruno Henrique từ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tạo nên trở ngại trong việc di chuyển giữa các nước trong khu vực vô hình trung cũng khiến các ngoại binh có giá trị cao trên Transfermarkt có xu hướng ở lại Việt Nam chơi bóng.

Nhờ vậy, tổng hoà trong cả hai chiều đến và ở lại Việt Nam, các ngoại binh có mức giá từ 350.000 euro đến 450.000 euro giúp V.League nâng tầm giá trị. Cụ thể, chỉ trong vòng nửa năm, V.League đã hai lần tăng giá trên Transfermarkt, lên mức 31,48 triệu euro so với 24,86 triệu euro so với thời điểm tháng 6 năm ngoái. 

Giá trị chuyển nhượng của Quang Hải và nhiều cầu thủ Hà Nội FC tăng mạnh thời gian qua 	Ảnh: Đức Cường

Nâng tầm giá trị cho cầu thủ Việt Nam 

Với mức 31,48 triệu euro, V.League củng cố vị trí thứ 3 trong danh sách các giải VĐQG thuộc khu vực Đông Nam Á giá trị nhất, xếp sau Thái Lan và Indonesia. Khoảng cách giữa V.League và Liga 1 (giải VĐQG Indonesia) cũng dần thu hẹp đi. Bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho Liga 1 mất đi một loạt các ngôi sao ngoại, qua đó sụt giảm tới 15,33 triệu euro (chỉ còn 41 tiệu euro trong tổng giá trị). 

Tất nhiên, ngoài ngoại binh có giá trị cao, thương hiệu của cầu thủ Việt Nam cũng liên tục được Transfermarkt cập nhật và để mắt. Đây là điều không xảy ra thường xuyên  trước năm 2018. Tuy nhiên, thành tích ấn tượng của bóng đá Việt Nam ở đấu trường khu vực trong giai đoạn 3 năm trở lại đây, từ cấp độ các ĐTQG đến CLB tại các cúp châu Á giúp hàng loạt ngôi sao nội của Việt Nam được nâng lên giá trị.

Trong danh sách 25 cầu thủ  giá trị nhất V.League theo Transfermarkt, người hâm mộ đã thấy sự xuất hiện của Tiến Linh (B.Bình Dương/300.000 euro) ở vị trí thứ 8; Quang Hải (Hà Nội FC/300.000 euro) ở vị trí thứ 11; Ngọc Hải (Viettel/300.000 euro) ở vị trí thứ 14, Văn Toàn (HAGL/300.000 euro) ở vị trí thứ 15… 

Giá trị cầu thủ Việt Nam tăng lên không chỉ giúp cho giá trị của V.League hưởng lợi. Sự quan tâm ngày một sát sao của Transfermarkt cũng mở ra niềm hy vọng lớn cho những cầu thủ Việt Nam được các đội bóng nước ngoài để ý. 

Những cầu thủ giá trị nhất V.League

Theo Transfermarkt, Lee Nguyễn có giá 450.000 euro, khoảng 12 tỷ đồng. Hiện Lee Nguyễn là bản hợp đồng đáng chú ý nhất trước thềm V.League 2021. Đứng ngay sau anh là hai tiền đạo Brazil là Bruno (Hà Nội FC) và Pedro (Viettel) đều được Transfermarkt định giá 400.000 euro. 

Giá trị của các cầu thủ Việt Nam cũng ngày càng được tăng lên rất nhiều trong thời gian qua. Hiện tại, có 4 cầu thủ nội đang được Transfermarkt định giá 300.000 euro gồm Quế Ngọc Hải, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tiến Linh và Nguyễn Văn Toàn. Những ngôi sao đáng chú ý khác của bóng đá Việt Nam cũng góp mặt trong danh sách này là Văn Quyết, Mạc Hồng Quân, Hùng Dũng, Duy Mạnh, Công Phượng và Thành Chung đều được định giá 250.000 euro. Có thể trong thời gian tới, V.League sẽ tiếp tục còn xuất hiện thêm nhiều những ngôi sao đáng chú ý, được định giá cao trên thị trường chuyển nhượng quốc tế.

Thái Lan vẫn rất quan tâm tới cầu thủ Việt Nam

Văn Lâm trong màu áo Muangthong

Các CLB của Thái Lan vẫn đang rất quan tâm đến các cầu thủ Việt Nam. Trong thời gian qua, HAGL đã nhận được nhiều lời đề nghị từ các đội bóng xứ Chùa vàng nhưng họ đã nói “không” với việc cho cầu thủ xuất ngoại. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi đội bóng phố Núi đang dốc toàn lực cho V.League ở mùa giải năm nay. Giá trị của các cầu thủ HAGL vì thế cũng tăng lên đáng kể. Thực tế, Thai League từng là điểm đến hàng đầu của các cầu thủ trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, điều này đã không còn khi đại dịch Covid-19 khiến bóng đá nước này đứng trước nguy cơ huỷ giải đấu. Thủ môn Đặng Văn Lâm chẳng còn mặn mà với Muangthong United không chỉ vì chuyện tiền bạc mà vì chất lượng của Thai League cũng không còn như trước.

V.League hướng ra tầm châu lục 
Ở một khía cạnh khác, giá trị của V.League được lượng hoá không bởi đơn vị tiền tệ mà được khẳng định bằng những điểm số thành tích ở cấp độ khu vực Đông Á. Thành tích tốt của các CLB tại các cúp châu Á trong những năm gần đây đang giúp Việt Nam vào top 6 của khu vực Đông Á.  Nếu như 3 CLB Viettel (AFC Champions League), Hà Nội FC và Sài Gòn FC (AFC Cup) thi đấu thành công ở mùa giải năm nay, khả năng V.League vượt mặt Triều Tiên – giải đấu không có đại diện tham dự cúp châu Á năm nay để lấy được vị trí thứ 5 thuộc khu vực Đông Á là có cơ sở. 

    Bình Luận