Những ký ức chưa phai
Cuộc trò chuyện giữa tôi Xuân Mạnh không phải bắt đầu bằng bóng đá mà nó xoay quanh chuyện anh mua đất, xây nhà, tậu xế hộp tặng vợ hay cho chính bản thân. Tôi đùa với Mạnh rằng, ở tuổi 28, anh là một “tỷ phú túc cầu” đúng nghĩa. Bao nhiêu đồng nghiệp nhìn vào phát thèm với cái cơ ngơi mà anh đang có. Tôi cũng không khỏi tò mò về những khoản thu nhập của người từng được gắn với biệt danh “Cầu thủ nghèo nhất Việt Nam”.
Mạnh nhoẻn miệng cười! Trước đó anh cúi người chào và bắt tay một người quen vốn dĩ từ lâu rồi và hay gặp trên những bình luận facebook. “Anh vẫn khoẻ chứ! Em cám ơn những lời khen của nhưng em vẫn là Xuân Mạnh, Mạnh “Kallou” của ngày xưa thôi. Em không chạy đi đâu cả, em vẫn là em thôi”, Xuân Mạnh mở lời bằng sự khiêm tốn. Cũng chính sự khiêm tốn ấy khiến tôi cảm thấy cái sự chân chất của anh chàng thanh niên quê lúa Yên Thành (Nghệ An) ngay cả khi đã trở thành “người hùng” Thường Châu cùng U23 Việt Nam.
Phạm Xuân Mạnh tiếp tục chia sẻ những hình ảnh cho đến nay vẫn hằn in trong tiềm thức. Hồi trước, nhà Mạnh là một trong hộ những nghèo nhất xã. Cậu bé ấy phải sớm vất vả, lam lũ phụ giúp bố mẹ chuyện đồng áng. Cũng nhờ đó Xuân Mạnh trở thành một người rắn rỏi, dẻo dai và cậu luôn là người chạy nhiều nhất từ đội bóng của thôn đến xã, đến huyện và ngay cả khi bước vào lò SLNA.
Trong mạch cảm xúc ấy, tự nhiên tôi lại nhớ đến câu chuyện ngày trước được cựu chủ tịch CLB SLNA - Nguyễn Hồng Thanh, kể lại. Vào mùa hè nắng như đổ lửa năm 2008, các cầu thủ nhí huyện Yên Thành được đưa đón trên chiếc công nông đi tham VCK giải nhi đồng Nghệ An. Đến Thành phố Vinh, do chỉ có 10.000 đồng nên bố mẹ Mạnh ăn cơm nắm, phần còn lại dành hết cho con mua chiếc bánh mì như chúng bạn...
Năm ấy, Phan Văn Đức giành Vua phá lưới, còn Phạm Xuân Mạnh giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất. Khi dắt con lên gia nhập lò SLNA, mẹ Mạnh nửa mừng nửa lo. Mãi cho đến khi nhận được sự động viên của ông Hồng Thanh, người phụ nữ khắc khổ ấy mới chịu dắt xe ra về.
“Bóng đá đã cho tôi tất cả”
Thành công của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018 đã tạo nên một cú hích với bóng đá Việt Nam. Bản thân các cầu thủ cũng đã đổi đời. Rất nhiều người trong số đó đã thoát nghèo. Phạm Xuân Mạnh là một ví dụ. Không chỉ giúp gia đình mình, bản thân hậu vệ sinh năm 1996 này giờ đã là một “tỷ phú” bóng đá sau những bản hợp đồng lớn. Hồi đầu năm nay, Xuân Mạnh được đồn đoán đã nhận 9 tỷ lót tay từ Hà Nội FC cho 3 năm tái ký hợp đồng. Trước đó, anh cũng đã nhận một khoản tiền lớn từ SLNA.
Tôi hỏi Xuân Mạnh có mặc cảm khi từng được xem là “Cầu thủ nghèo nhất Việt Nam”?. Ánh mắt ráo hoảnh, anh đặt lại câu hỏi cho chính tôi: “Số phận mình sinh ra như vậy, theo anh, mặc cảm có khiến mình tốt hơn, giàu hơn không?. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, không ai nói ai được. Như em phải cảm ơn tuổi thơ cơ cực, cám ơn những bữa cơm nuốt vội, kham khổ của bố mẹ bởi nó đã tạo ra động lực lớn cho bản thân. Nếu em không thay đổi, không vươn lên có lẽ bây giờ lại tiếp tục làm nông hay công nhân đâu đó.
Cho khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, lại có thêm chút tên tuổi mà bằng lòng với chính mình thì cũng chẳng đi đến đâu. Tuổi thọ nghề cầu thủ bọn em rất ngắn! Em được thấy được những bài học từ rất nhiều đàn anh đi trước nên luôn răn mình phải tự rèn luyện, chắt chiu từng cơ hội để tìm cho bản thân một chỗ đứng tốt. Phải nói thẳng, nếu em có chuyên môn tốt, có chỗ đứng tốt thì em mới có thu nhập tốt và cả mối quan hệ tốt nữa. Đừng có mơ đến những điều tốt đẹp khi bản thân em chỉ là một cầu thủ làng nhàng”.
Khép lại câu chuyện, tôi lái câu chuyện qua ĐTQG, nơi mà Xuân Mạnh trở lại và chiếm luôn vị trí số 1 trong sa bàn của HLV Troussier. Cũng là nụ cười ấy, Mạnh bảo: “Em biết mình không giỏi như nhiều đồng nghiệp. Em chỉ là người cần cù. Câu chuyện đầu tiên em nghĩ tới không phải là ĐTQG mà phải cho bản thân làm sao thật khoẻ để thi đấu thật tốt trong màu áo CLB. ĐTQG luôn là cái đích hướng tới. Để được chọn, chắn chắn em phải phù hợp, phải khoẻ và phải biết lắng nghe từ các HLV và đồng đội. Cho đến bây giờ, em vẫn luôn học hỏi để sự nghiệp của mình đi đến tận cùng của giấc mơ”.
Ngày trẻ cũng có lúc nản lắm, nhưng…
“Em đến với bóng đá để thoát khỏi cái nghèo. Đôi khi cảm thấy may mắn được đào tạo ở lò SLNA. Chính sự khắc nghiệt, chính áp lực cạnh tranh bản thân mới có thể vươn lên và vượt lên được. Cũng có lúc nản chí, tưởng không vượt qua được nhưng rồi cũng thích nghi. Bóng đá có thể lấy đi tất cả nhưng cũng cho ta tất cả. Bản thân mỗi cầu thủ tự quyết định số phận của mình trên sân tập và sân đấu”, Xuân Mạnh chia sẻ.
Bình Luận