Phương án đưa V.League sớm trở lại

V.League 2021 không hẳn là không còn phương án cứu vãn. Dựa trên sự học hỏi đến từ các giải đấu lớn trên thế giới, trong đó có Nhật bản, tia hy vọng dành cho V.League mùa giải năm nay vẫn hiện diện.
Phương án đưa V.League sớm trở lại

- Lịch thi đấu V.League 2020/2021

Mô hình bong bóng và giả thiết không xuống hạng

Vào lúc 12h00 trưa nay (23/7), VPF sẽ nhận đầy đủ 14 ý kiến đến từ các CLB V.League, xoay quanh việc đồng tình hay không đồng tình với phương án đưa phần còn lại của mùa giải sang tháng 2/2022. Nếu không đồng ý, các CLB có quyền đưa ra những đề xuất hay phương án cho V.League 2021.

Bên cạnh quan điểm không đồng tình và muốn dừng V.League 2021 ngay tại đây, một số đội bóng cũng loé lên những ý tưởng khác đáng để VPF tham khảo. Đó là áp dụng mô hình bong bóng trong thời gian tới của V.League, hoặc đó có thể là đề xuất không có đội V.League xuống hạng ở mùa giải năm nay.

Mô hình bong bóng khép kín đương nhiên là xương sống quan trọng để đưa các giải đấu thể thao nói chung và bóng đá nói riêng có thể vận hành đúng lộ trình và kế hoạch đặt ra, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành như hiện tại. Lấy đơn cử như ở EURO 2020 vừa kết thúc rất thành công ở châu Âu vừa rồi, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 đã có thời điểm xuất hiện ngay trong nội bộ của một vài đội tuyển, giải đấu vẫn có thể diễn ra bình thường thay vì trì hoãn. Hay ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á hoặc AFC Champions League, chính mô hình bong bóng đã cứu bóng đá châu Á những bàn thua trông thấy, sau những lần phải bất lực trì hoãn vì sự tấn công của dịch bệnh.

V.League 2021 có thể tiếp tục  thi đấu mà không có đội xuống hạng - Ảnh: Đức Cường

Học hỏi từ Nhật Bản

Nhật Bản là một trong số những quốc gia vận hành thành công mô hình bong bóng trên các hệ thống giải đấu từ bán chuyên đến chuyên nghiệp của họ. Khai mạc vào cuối tháng 2/2020 nhưng phải đến tận tháng 6, J.League nói riêng và bóng đá Nhật Bản nói chung mới có thể vào guồng. Kể từ thời điểm đó trở về sau, Nhật Bản đã làm nên điều bất ngờ khi tổ chức 1.042 trận trên tất cả hạng đấu. Và bất ngờ hơn, chỉ có 61 trận trong số đó là điễn ra trong điều kiện không khán giả. Con số 3,6 triệu CĐV vào sân theo dõi bóng đá một cách an toàn là minh chứng cho sự thành công mà mô hình bong bóng khép kín, với quy mô lớn ở xứ sở hoa anh đào.

Với riêng J.League 2020, sự hiện diện của Uỷ ban phòng chống Covid-19, tổ chức xét nghiệm PCR với mật độ thường xuyên cùng bài toán tài chính với việc tăng tiền thưởng, trả trước tiền phân chia cho đại diện CLB, đảm bảo ngân sách khẩn cấp và chấp nhận không có đội bóng nào rớt hạng cũng là cách để các đội bóng có thêm sự an tâm thi đấu.

Quay lại với Việt Nam hiện tại, các đội bóng cũng đã sẵn lòng cho việc xác định nhà vô địch hay không có CLB nào xuống hạng. Nhiều đội chấp thuận cho khả năng V.League năm sau đón thêm 2 đội hạng Nhất để nâng tổng số lên 16. Việc không có CLB nào xuống hạng cũng sẽ giúp cho các đội không phải quá lo lắng trong việc chú trọng chiêu mộ ngoại binh, tạo điều kiện cho nguồn cầu thủ trẻ, qua đó có một sự cân bằng hơn về nền tảng tài chính. Lúc đó, ngay cả khi V.League có dời sang tháng 2 năm sau thì bản thân các CLB cũng không rơi vào cảnh quá đau đầu thuyết phục ngoại binh ở lại hay phải chi ra một khoản tiền quá lớn để giữ chân nòng cốt lực lượng trước áp lực thành tích phải trụ hạng V.League nữa.

Kỳ nghỉ dài kỷ lục

Việc V.League hoãn đến tháng 2/2022, hủy giữa chừng hay đá “xuyên” vòng loại World Cup 2022 vẫn chưa có lựa chọn cuối cùng khi 12h00 trưa nay (23/7), VPF mới “khóa sổ” các ý kiến đóng góp của các CLB. Nhưng nếu V.League 2021 hoãn đến tháng 2/2022 thì bóng đá Việt Nam ở tầm CLB có khoảng trống dài kỷ lục khi các cầu thủ không phải thi đấu kéo dài đến hơn 9 tháng.

Bởi tính từ thời điểm V.League 2021 phải hoãn vòng 13 (do một số cầu thủ của SLNA trong diện F2 phải cách ly) từ đầu tháng 5 vừa qua cho đến giữa tháng 2/2022, V.League trải qua “khoảng lặng” đến hơn 9 tháng. Ngoài các tuyển thủ Quốc gia được tập luyện và thi đấu ở vòng loại World Cup 2022 thì phong độ của những cầu thủ phải “ngồi chơi xơi nước” trong thời gian dài ấy sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Đây là quãng thời gian nghỉ dài chưa từng có kể từ khi V.League ra đời.
Tuy nhiên, đây là chuyện không một ai mong muốn khi dịch bệnh đang bủa vây, khiến cho mọi hoạt động của đời sống bị ngừng trệ.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

    Bình Luận