Phương án nào cho V.League trở lại?

Gần 50 ngày kể từ khi phải tạm dừng do đại dịch Covid-19, V.League 2020 đứng trước cơ hội chuẩn bị trở lại. Nhưng với quỹ thời gian bị thu hẹp tương đối, câu hỏi về phương án tổ chức giải như thế nào đang rất được các CLB và người hâm mộ quan tâm. 
Phương án nào cho V.League trở lại?

Đá dồn vào giữa tuần 
Mỗi CLB V.League cần đảm bảo 26 trận ở giải VĐQG và tối đa là 5 trận tại Cúp Quốc gia (nếu vào đến chung kết) tại mùa bóng 2020. Trong khi đó, mỗi CLB hạng Nhất phải chơi 22 vòng, cũng như tối đa 5 trận ở Cúp Quốc gia. Đấy là chưa kể, mùa bóng còn có thêm 1 trận play-off tranh vé dự V.League 2021. 

Làm một phép tính đơn giản, nếu mỗi lượt đấu tại hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam diễn ra đều đặn vào cuối tuần, thì các CLB cần thi đấu trong 31 tuần (chưa tính thời gian tập trung cho ĐTQG). Nếu đại dịch Covid-19 không xuất hiện, khoảng thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 10 là đủ để các trận đấu diễn ra hàng tuần. Tuy nhiên, thực tế không cho phép V.League có thể tổ chức một cách thoải mái như thế nữa. 

Trong trường hợp lý tưởng nhất là các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trở lại cuối tháng này thì từ đó cho đến cuối tháng 10, các đội bóng V.League chỉ có 24 tuần để thi đấu 24 vòng còn lại của mùa giải và tối đa 5 trận ở Cúp Quốc gia; các đội hạng Nhất phải thi đấu 22 trận và tối đa 5 trận ở Cúp Quốc gia. Ngoài ra, theo kế hoạch của AFC, trong tháng 10, ĐT Việt Nam có thể sẽ thi đấu ít nhất 1 trận thuộc vòng loại thứ hai World Cup 2022. Cũng có nghĩa, các CLB tiếp tục phải nhường sân chơi cho ĐTQG ước chừng từ 7-10 ngày. Rõ ràng, nếu muốn đảm bảo trọn vẹn mùa giải như kế hoạch đề ra ban đầu, việc các CLB phải đá cả giữa tuần trong một giai đoạn nhất định là điều bắt buộc phải xảy ra. 

Nếu V.League trở lại cuối tháng này, các đội bóng chỉ có 24 tuần để đá 24 vòng còn lại của mùa giải và tối đa 5 trận ở Cúp Quốc gia - Ảnh: MINH TUẤN

Tất nhiên, những CLB tham dự AFC Cup 2020 như Than.QN hay TP.HCM sẽ phải đau đầu nghĩ về bài toán thể lực cho các cầu thủ, khi hai đại diện của Việt Nam còn ít nhất 3 trận nữa tại đấu trường châu Á. Với những trận đấu ở V.League hay Cúp Quốc gia có sự góp mặt của 2 đội bóng này, hẳn nhiên BTC cũng phải tính một lịch thi đấu tránh trùng với AFC Cup. 

Giảm bớt vòng đấu 
Việc đá “dồn toa” như tính toán trên tất nhiên chỉ là một phương án mà BTC V.League nghĩ đến. Phương án 2 cũng là điều đáng được cân nhắc trong một năm mà bóng đá thế giới loạn nhịp vì Covid-19. Đó là giảm bớt số vòng đấu tại mùa giải chuyên nghiệp Việt Nam năm nay. 

Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến giữa VPF và đại diện các CLB tham dự V.League 2020, một số ý kiến đã nêu ra những khó khăn có thể xảy đến nếu cầu thủ phải đá với mật độ dày đặc. Nổi bật trong đó là nguy cơ chấn thương. Khi ấy, một vài quan điểm cho rằng V.League năm nay chỉ nên thi đấu một lượt (tương đương 14 vòng). Khi ấy, mùa giải sẽ có thêm khoảng thở. Các đội bóng cũng tránh được việc phải đối diện lịch di chuyển, thi đấu liên tục. 

Tất nhiên nếu giản lược một nửa mùa giải, VPF sẽ phải nghĩ đến quyền lợi từ phía các nhà tài trợ và đơn vị truyền hình. Bản thân các đội bóng cũng cần tính đến tác động từ những đơn vị “rót” kinh phí hoạt động cho họ cả mùa giải và đổi lại là lợi ích thương hiệu, tài chính vốn được hiện diện thông qua các trận đấu. Vì vậy, giản lược bao nhiêu trận, giản lược thế nào cũng là một bài toán mà VPF nếu nghĩ đến sẽ phải tính toán sao cho phù hợp, nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ lớn nhất có thể cho các CLB tại V.League và giải hạng Nhất. 

Bớt dần cảnh giảm lương nếu V.League và hạng Nhất trở lại 
Nhiều CLB tại V.League và hạng Nhất đã và đang tiến hành giảm lương cầu thủ trong giai đoạn mùa giải chưa thể tiếp diễn vì đại dịch Covid-19. Nhưng đó chỉ là phương án mang tính tạm thời để đối phó trong thời điểm này. Được biết, một số CLB, điển hình là Phố Hiến sẽ tăng lương trở lại cho các cầu thủ sau khi mùa giải chuyên nghiệp Việt Nam tiếp tục diễn ra.

Các giải VĐQG trong khu vực như “ngồi trên lửa”
Nếu V.League đang phát đi những tín hiệu tích cực và có thể trở lại từ cuối tháng 5 này thì các giải VĐQG khác trong khu vực ĐNÁ đứng trước nhiều nguy cơ phải hủy bỏ hoặc lùi thời điểm tiếp tục khởi tranh. 

Cụ thể, căn cứ theo tình hình thực tế của dịch Covid-19, LĐBĐ Indonesia đã ra quyết định Liga 1 sẽ trở lại vào tháng 7. Đây được xem là mốc thời gian “sáng  sủa” nhất với bóng đá xứ Vạn đảo, bởi hiện tại dịch bệnh ở đây đã có dấu hiệu thuyên giảm. Trong khi đó, giải VĐQG Malaysia và Philippines còn căng hơn. Mới nhất, LĐBĐ Malaysia đã nhận được thông tin phải đến tháng 10 tới, các hoạt động thể thao tại nước này mới được phép tổ chức trở lại. Còn Philippines cũng đang náo loạn vì dịch bệnh nên giải VĐQG bị “cấm cửa” ít nhất đến tháng 12/2020. Từ nay đến đó, giới quần đùi áo số tại Philippines sẽ ngồi chơi xơi nước và nếu đến tháng 12 giải VĐQG mới trở lại thì sẽ trùng với thời điểm diễn ra AFF Suzuki Cup 2020. Ở Thái Lan, truyền thông nước này đã có nhiều phản ứng trái chiều khi Thái League chỉ có thể trở lại từ tháng 9/2020 và kết thúc vào tháng 5/2021. Mùa giải bị lùi lại khá sâu chắc chắn sẽ tạo nên hệ lụy khó lường với bóng đá các nước ĐNÁ.

XEM THÊM 

Giá của Công Phượng là bao nhiêu?

Công thần Jurgen Gede kết thúc hành trình với bóng đá Việt Nam

Sân Vinh vừa báo tin vui, sân Hà Tĩnh lại báo tin buồn

    Bình Luận