Phương án nào để V.League trở lại?

Từ tháng 8 đến hết năm 2021, bóng đá Việt Nam đầy ắp lịch thi đấu của ĐTQG và U23 Việt Nam. Quả thực, V.League có rất ít kẽ hở về thời gian để có thể tổ chức trở lại. Vậy đâu là phương án phù hợp để giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam hoàn thành sứ mệnh ở mùa giải năm nay?
Phương án nào để V.League trở lại?

V.League 2021 cần phải được về đích 

Trong cuộc họp trực tuyến giữa đại diện lãnh đạo VFF, VPF và 14 CLB V.League sáng 2/7, VPF có nhấn mạnh lý do vì sao V.League phải được đảm bảo hoàn thành tiến độ. Thứ nhất, V.League phải đảm bảo quyền lợi cho nhà tài trợ giải đấu. Việc ngắt quãng giữa chừng đương nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích của đôi bên. 

Thứ hai, nếu V.League không thể về đích, số phận các CLB sẽ thế nào? HAGL liệu có thể giành chức vô địch sau 17 năm chờ đợi? TP.HCM sẽ chịu tổn thất thế nào khi đã chi mức lương khổng lồ cho Lee Nguyễn cùng các cầu thủ ngoại ở mùa giải năm nay? Kế đến, những đội bóng sẽ phải phản hồi thế nào với các nhà tài trợ của riêng họ, khi số trận đấu không được đảm bảo trọn vẹn như kế hoạch ban đầu đưa ra? 

Và cuối cùng, những cầu thủ Việt Nam sẽ ra sao khi V.League năm nay không thể tổ chức trọn vẹn? Nên nhớ, số lượng gương mặt lên U23 và ĐTQG Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ, trong tổng số hơn 350 cầu thủ đã và đang sống bằng nghề đá bóng chuyên nghiệp ở V.League hay giải hạng Nhất. 

NHM và các CLB đều mong muốn V.League sớm trở lại - Ảnh: MINH TUẤN

Có nên hy sinh AFF Suzuki Cup? 

Ngoài những vấn đề kể trên, V.League còn là bản lề để HLV Park Hang Seo phát hiện thêm những nhân tố có phong độ cao phục vụ ĐTQG và U23 Việt Nam. Khi V.League không thể thi đấu, thật khó để thầy Park làm mới đội tuyển như mong đợi. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây rằng, thời gian nào để V.League có thể được tổ chức trở lại? 

Tính đến hiện tại, xét trên lý thuyết, V.League có thể diễn ra vào khoảng thời gian từ ngày 1-23/8, 8/9 - 1/10; 13/10 - 23/10. Bởi phần còn lại, ĐTQG và U23 Việt Nam sẽ phải tập luyện (khoảng 1 tuần) và thi đấu 6 lượt trận ở vòng loại cuối World Cup 2022, AFF Suzuki Cup 2020 và vòng loại U23 châu Á 2022. Tuy nhiên, vấn đề thực tế chỉ ra rằng, do dịch Covid-19 vẫn chưa được đẩy lùi hoàn toàn trên thế giới, quy định về việc phải thực hiện nghĩa vụ cách ly từ 14-21 ngày khi nhập cảnh vào Việt Nam của Bộ Y tế vẫn còn hiệu lực. 

Điều đó có nghĩa, ĐT Việt Nam gần như sẽ mất 14-21 ngày cách ly, trong mỗi lần di chuyển về nước để chuẩn bị cho các lượt thi đấu tiếp theo ở vòng loại cuối World Cup 2022. Nói thế để thấy rằng, giả thiết ĐT Việt Nam “nhả” cầu thủ về đá V.League trong giữa những đợt nghỉ thi đấu vòng loại World Cup là không thể. 

Vậy phương án nào để V.League trở lại? Nếu giải đấu không thể trở lại trong tháng 8 thì sao? Thực tế, chúng ta vẫn còn một khả năng, trong diện chủ động. Đó là V.League sẽ diễn ra song song với AFF Suzuki Cup 2020, tức là từ ngày 5/12/2021 đến 1/1/2022. AFF Suzuki Cup vốn dĩ không phải giải đấu thuộc hệ thống của FIFA Days. Bản thân các CLB không có nghĩa vụ phải nhả quân chủ lực cho ĐTQG ở giải đấu này. 

Ý tưởng để giải VĐQG đá song song với AFF Suzuki Cup vốn đã manh nha ở Thái Lan 1 năm trước. Bóng đá xứ Chùa vàng cũng đã chấp nhận việc sẽ phải diễn ra hai giải cùng lúc, với lực lượng phụ cho ĐT Thái Lan chinh chiến ở giải Đông Nam Á. Bởi có làm như vậy, quyền lợi tài chính mà Thai League cũng như các CLB có được từ nhà tài trợ và nhà đài mới được đảm bảo. 

Với Việt Nam ở tình thế hiện tại, cũng đã đến lúc cán cân quyền lợi phải được kéo về với mức độ ngang bằng giữa V.League và ĐTQG. Bởi danh dự và niềm tự hào dân tộc của nền bóng đá Việt Nam không chỉ đến từ các ĐTQG. Đó còn là sự bền vững và phát triển của các giải đấu chuyên nghiệp trong nước. 

    Bình Luận