Thẳng thắn nhìn lại
Nếu xem việc thua Thái Lan ở bán kết AFF Cup 2020 và chỉ nhận huy chương Đồng chung cuộc là thất bại với đội tuyển Việt Nam thì chúng ta phải nhìn vào tổng hoà những nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan cấu thành. Về mặt khách quan, Việt Nam không có lực lượng mạnh như AFF Cup 2018, khi các trụ cột như Văn Lâm, Hùng Dũng và đặc biệt là Văn Hậu, Trọng Hoàng chấn thương. Ngoài ra, Việt Nam trải qua tới 7 tháng tập trung liên tiếp mà không có những luồng gió mới hay sự đột phá từ nhân sự đến cách chơi. Chúng ta không có một điểm rơi phong độ đủ tốt sau khi đã dồn sức quá nhiều tâm trí và sức lực cho vòng loại World Cup 2022.
Về góc độ chủ quan, đây cũng không phải là một giải đấu mà những tính toán về mặt lực lượng, nhân sự của HLV Park Hang Seo hiệu quả. Chiến thắng đậm trước Campuchia với đội hình mạnh nhất trở nên vô nghĩa khi chúng ta vẫn phải đứng nhì bảng và gặp Thái Lan ở vòng bán kết. Trong bối cảnh đối thủ cất một loạt các trụ cột và có tới 1 tuần nghỉ ngơi thì những Quang Hải, Hoàng Đức, Ngọc Hải, Tiến Linh… phải căng mình đấu với Campuchia và chỉ có khoảng 3-4 ngày nghỉ ngơi trước khi bước vào trận đấu với người Thái. Quá trình thay người của ông Park giải này không tốt như kỳ vọng của chính chiến lược gia này.
Sau 30 lượt thay người tương đương với 6 trận đấu, Việt Nam không chứng kiến bàn thắng hay kiến tạo xuất hiện từ những cầu thủ dự bị vào sân. Tất nhiên, ông Park không phải là người chịu trách nhiệm tất cả cho thất bại của Việt Nam. Bởi phong độ đi xuống của nhiều cầu thủ, trong đó có những gương mặt của HAGL là một nguyên nhân khác kéo theo hành trình không thành công của Việt Nam ở giai đoạn 4 tháng cuối năm, bao gồm 6 trận thua tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và thất bại ở bán kết trước Thái Lan tại AFF Cup 2020.
Nghịch lý cầu thủ HAGL
Nhắc đến các cầu thủ HAGL, chúng ta có lẽ cũng nên tìm kiếm một sự lý giải. Về việc vì sao những Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Minh Vương, Văn Toàn và đặc biệt là Hồng Duy, Văn Thanh chơi hay như thế ở HAGL trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 song lại thi đấu thiếu thuyết phục tại 3 tháng cuối năm ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á và AFF Cup 2020 đến vậy?
Thực tế, nghịch lý cầu thủ HAGL vốn dĩ đã hiện diện trong nhiều năm trước đó. Chỉ khác một điều, những gương mặt này thường thi đấu tốt ở cấp độ U23 và ĐTQG Việt Nam. Tuy nhiên tại CLB, họ lại chơi nhợt nhạt và có thành tích không tốt. Sự ổn định từ cấp CLB cho đến ĐTQG trong một năm không bao giờ đến với các cầu thủ HAGL. Điều đó trái ngược với Hà Nội FC hay Viettel. Quang Hải, Đình Trọng, Hùng Dũng hay Văn Hậu thường chơi tốt và liên tục từ CLB cho đến ĐTQG. Tương tự, Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Hoàng Đức có thể vừa đua tranh danh hiệu V.League hay Cúp Quốc gia, vừa có thể là trụ cột ổn định tại cấp độ đội tuyển Việt Nam.
Trong khi đó, HAGL thường chỉ lựa chọn 1 trong 2. Và sau nhiều năm bết bát tại cấp CLB nhưng chơi tốt tại cấp độ các ĐTQG, HAGL đã đảo ngược tình thế trong năm 2021. Bằng chứng là dưới sự dẫn dắt của HLV Kiatisak Senamuang, HAGL đã thống trị ngôi đầu bảng xếp hạng. Đó là lần đầu tiên sau 17 năm, HAGL đứng vững ở vị trí số 1 sau khi V.League kết thúc. Dù giải đấu năm nay dừng giữa chừng và không có nhà vô địch, nhưng với những gì mà Văn Toàn, Công Phượng, Văn Thanh, Hồng Duy… thể hiện ở V.League, họ xứng đáng là đội mạnh nhất V.League năm nay.
Ở khâu tấn công, Văn Toàn thậm chí còn ngang ngửa với các ngoại binh khi cùng dẫn đầu danh sách ghi bàn giải đấu. Xếp ngay phía sau lần lượt là Công Phượng, Minh Vương với 5-6 pha lập công cho đội chủ sân Pleiku. Ở hàng thủ, Văn Thanh, Hồng Duy không chỉ đảm bảo nhiệm vụ phòng ngự mà còn hỗ trợ rất tốt ở khâu tấn công. Như cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng nói, Hồng Duy và Văn Thanh gợi lại trong anh hình ảnh của Dusit và Minh Đức thuở HAGL còn làm ông hoàng tại bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Công bằng mà nói, các cầu thủ HAGL đã chơi tốt ở 3 trận đấu cuối cùng của vòng loại thứ 2 World Cup 2022, vốn diễn ra ở UAE và thời điểm tháng 6. Xin được nhấn mạnh là tháng 6, khi V.League mới tạm dừng trước đó 1 tháng và cầu thủ HAGL vẫn duy trì được sự hưng phấn sau thành công liên tiếp ở V.League 2021. Minh chứng là Hồng Duy đem đến 2 đường kiến tạo cho Tiến Linh và Quang Hải ghi 2 bàn trước Indonesia. Xuân Trường thực hiện pha kiến tạo để Công Phượng lập công trong trận đấu đó. Đấy là chưa kể Văn Thanh thực hiện pha đặt lòng kỹ thuật bằng chân trái đánh bại thủ môn Indonesia lần thứ 4 trong trận. Phải rất lâu rồi, các cầu thủ HAGL mới in dấu giày trong tất cả các bàn thắng như thế của đội tuyển Việt Nam.
Kế đến, lần lượt trước Malaysia và UAE, các cầu thủ HAGL như Văn Toàn, Minh Vương đều đóng góp quan trọng thành tích của đội nhà. Không có Văn Toàn, Việt Nam khó có quả penalty quyết định để Ngọc Hải sút tung lưới, mang về thắng lợi 2-1 nghẹt thở trước Malaysia. Không có Minh Vương, Việt Nam đã không có 2 bàn thắng để thua sát nút 2-3 trước UAE ở lượt cuối cùng. Rõ ràng, dấu ấn của cầu thủ HAGL tại 3 trận cuối vòng loại World Cup 2022 là không nhỏ.
Vì sao cầu thủ HAGL xuống sức ở 4 tháng cuối năm?
Tuy nhiên, kể từ thời điểm tháng 9 cho đến hết tháng 12, với 6 trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và 6 trận đấu tại AFF Cup 2020, các cầu thủ HAGL lại thi đấu sa sút. Đỉnh điểm là tại AFF Cup 2020, họ đã chơi không tốt như kỳ vọng. Sai lầm dẫn đến bàn thua của Hồng Duy, những đường chuyền hỏng liên tục của Văn Thanh ở lượt đi bán kết trước Thái Lan và hình ảnh Văn Toàn, Công Phượng bất lực trước các trung vệ cao to bên phía đối thủ trong trận lượt về trở thành tâm điểm của chỉ trích.
Câu hỏi được đặt ra rằng, vì sao cầu thủ HAGL lại thể hiện 2 bộ mặt khác biệt như vậy cùng trong năm 2021, ở 2 màu áo HAGL của 3 tháng đầu năm và ĐTQG Việt Nam tại 4 tháng cuối năm? BLV Quang Huy trao đổi với Bongdaplus: “Đầu tiên chúng ta phải nói đến yếu tố khách quan là đối thủ. Những đối thủ của Việt Nam ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 như Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia, Oman, Trung Quốc đều mạnh hơn Việt Nam. Điều đó dẫn đến các cầu thủ HAGL không phát huy được.
Thêm vào đó, với việc phải tập trung liên miên suốt 8 tháng qua, các cầu thủ bắt đầu có biểu hiện chai sạn. Vơi những cầu thủ HAGL vốn thiên về đá dựa theo cảm xúc thì khi đã chai sạn, sự hứng khởi cũng sẽ mất đi. BLV Quang Huy cũng cho rằng, sự khác biệt giữa một HAGL thăng hoa với một đội tuyển Việt Nam trồi sụt ở năm nay cũng đến từ cách chơi của 2 HLV Kiatisak Senamuang và Park Hang Seo”.
BLV Quang Huy phân tích kỹ hơn: “Khi thi đấu ở HAGL, những Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường có thể chơi một lối đá xuyên suốt, áp đặt mang tính đồng bộ trước những đối thủ vốn dễ dàng hơn. Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam phải gặp những đối thủ mạnh, đòi hỏi tính đối phó và ứng biến đến từ cả tập thể thì HAGL đã không phát huy được”.
"Cầu thủ HAGL chơi không tốt cũng đến từ việc Việt Nam đã dồn hết tinh hoa vào vòng loại thứ 3 World Cup", chuyên gia Phan Anh Tú
Nói về vấn đề này, chuyên gia Phan Anh Tú nói: “Việc Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn thăng hoa ở HAGL nhưng chơi không tốt ở ĐTQG là bình thường, khi hai môi trường là khác nhau. Khi nhiệm vụ, mục tiêu, đồng đội đã khác nhau thì sự so sánh sẽ là khập khiễng. Bởi các cầu thủ HAGL chỉ gặp những đối thủ tương đồng hoặc yếu hơn ở V.League. Nhưng khi thi đấu cho ĐTQG Việt Nam, những đối thủ mà cầu thủ HAGL chạm trán đều thuộc diện sành sỏi như Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia…”.
Ông nói thêm: “Việc cầu thủ HAGL chơi không tốt cũng đến từ việc Việt Nam đã dồn hết tinh hoa vào vòng loại thứ 3 World Cup. Mục tiêu giành 1 điểm ở vòng loại này khiến các cầu thủ gồng mình lên, chơi bằng mọi giá. Để rồi những thất bại khiến cho sự hưng phấn của đội tuyển Việt Nam nói chung và các cầu thủ HAGL nói riêng tụt dốc. Hệ quả là mọi thứ đã không diễn ra được như mong đợi”.
Bình Luận