Bàng hoàng. Đó là cảm xúc của bất cứ ai khi hay tin Trần Anh Khoa qua đời vào sáng nay. Các đồng nghiệp, học trò tại CLB Đà Nẵng thất thần trước tin buồn. Bởi mới ngày hôm qua thôi, theo chia sẻ của một thành viên trong đội, Anh Khoa vẫn đến làm việc bình thường, trong một tâm trạng khá vui vẻ, lạc quan.
Anh Khoa có thể không phải là một tượng đài của bóng đá Đà Nẵng. Nhưng anh trung thành và dành trọn cả cuộc đời với đội bóng sông Hàn. Truân chuyên, duyên phận gắn liền với Anh Khoa và Đà Nẵng. Năm 2005, khi 14 tuổi, Anh Khoa tham gia giải U15 Quốc gia Đà Nẵng, như là vị trí dự bị. Đúng tại trận bán kết gặp Nghệ An, bạn đá cùng vị trí của Anh Khoa bị thuỷ đậu. Anh bước ra ánh sáng tại Đà Nẵng cũng từ thời điểm ấy. Anh Khoa được bình chọn là cẩu thủ xuất sắc của giải. Bởi 2 trận anh góp mặt, Đà Nẵng thẳng tiến lên ngôi vô địch giải trẻ quốc gia.
6 năm sau, Anh Khoa lên bàn mổ vì đứt dây chằng chéo trước. Ở tuổi 20, Anh Khoa rơi vào một cảm xúc hỗn loạn. Bởi nếu không thể hiện được mình, Khoa sẽ bị thanh lý. May mắn tạm thời ủng hộ anh. Khoa tái xuất VCK U21 Quốc gia lúc bấy giờ. Nào ngờ, đội bị loại sớm. HLV Đào Quang Hùng cũng vì thế mà không gọi Khoa lên đội 1. Phải nhờ tác động của HLV Phan Thanh Hùng, HLV Lê Huỳnh Đức mới đồng ý gọi Khoa lên thử chân. May mắn thay, Khoa tập tốt, hoà nhập nhanh và được đánh giá tích cực. Đầu năm 2013, Khoa được đăng ký thi đấu ở V-League và Cup Quốc gia. Trận chuyên nghiệp đầu tiên trong cuộc đời là Siêu Cúp giữa Đà Nẵng và Sài Gòn Xuân Thành. “Hôm ấy, tôi vào sân từ ghế dự bị. Cả lứa trẻ khi đó, chỉ một mình tôi được trao cơ hội như vậy”, Khoa từng kể với mình.
Khoa đá chuyên nghiệp được 3 năm. Theo kế hoạch vào cuối năm 2015, Khoa sẽ được ký hợp đồng chuyên nghiệp. Nhưng chấn thương trong 1 trận đấu tại V.League trở thành bước ngoặt chẳng mong muốn với Khoa. “Ông trời không cho tôi cái diễm phúc ấy. Tôi chỉ trách mình không may mắn được như các đồng đội, đồng nghiệp cùng thời”, Khoa cay đắng tâm sự cách đây vài năm về trước.
Mọi thứ diễn ra trên sân lúc bấy giờ hoá ra không phải là điều tồi tệ nhất. Bởi hành trình đối diện với nỗi cô độc, gồng mình chiến đấu với chấn thương của Anh Khoa mới là nỗi niềm mà có lẽ chỉ người bị đứt dây chằng chéo trước mới tỏ tường. Cảm giác một mình đối diện với 4 bức tường, sợ hãi mỗi lần thay đồ hay di chuyển không gian hẹp vì chẳng thể gập chân hay đối diện với bàn mổ lạnh toát, tiếng lộc cộc của bánh xe gường bệnh, tiếng xột xoạt của đồ dùng phẫu thuật hay ánh đèn chói loá rọi thẳng vào mắt cùng mùi thuốc sát trùng nồng nặc cũng đủ lạnh sống lưng.
Sau ca phẫu thuật, bác sỹ cố gắng trấn an Anh Khoa, bảo rằng anh có cơ hội trở lại thi đấu… 50%. Khi đó, Khoa xác định mình không còn nhiều hy vọng. Mà thực ra lúc đấy Khoa không vội nghĩ đến chuyện trở lại đá bóng. Khoa cũng không có cảm giác đau vì còn tác dụng của thuốc mê. Chỉ buồn và cô đơn, vì không có lấy một người thân thuộc ở bên cạnh.
Sau cùng, chi phí quá cao khiến anh ngần ngại việc đề xuất Đà Nẵng hỗ trợ để ở lại Singapore điều trị dứt điểm. Khoa trở về Đà Nẵng để tự tập phục hồi. Lúc bấy giờ, Việt Nam chưa có trung tâm vật lý trị liệu như hiện nay. Khoa tự tập bằng kinh nghiệm mà bản thân từng mổ gối hồi 20 tuổi.
13 tháng sau phẫu thuật, Khoa trở lại các buổi tập với Đà Nẵng. Nhưng điệp khúc nghỉ hai ngày – tập một ngày - nghỉ hai ngày,lặp đi lặp lại khiến Anh Khoa hiểu rằng mình không thể thi đấu đỉnh cao được nữa.
Buồn lắm nhưng anh đành xin HLV Lê Huỳnh Đức cho nghỉ hẳn. Anh xin thầy thêm một điều là học bằng C huấn luyện để về đào tạo trẻ vào năm 2017. Tiếc rằng, nghiệp cầm quân của Anh Khoa cũng dang dở sau 7 năm cầm sa bàn.
Dù sao với các học trò, Anh Khoa là một người thầy tâm huyết. Khi còn sống, anh tâm niệm rằng: “Không thể đá chuyên nghiệp là cú sốc, nhưng không phải dấu chấm hết. Cuộc sống còn nhiều thứ lớn lao hơn. Và dù làm nghề gì đi chăng nữa, bạn cũng phải là người tốt”
Bình Luận