Không chỉ bầu Hiển, mọi doanh nhân đến với bóng đá đều có sự hào phóng và khát vọng nâng tầm. Họ muốn đồng tiền của mình sinh sôi nảy nở. Hay thực tế nhất chính là việc, bóng đá phải thay da đổi thịt, chuyển mình trở thành một ngành công nghiệp thực sự thay vì dựa hoàn toàn vào bầu sữa bao cấp. Bởi nói cho cùng, tiềm lực của các doanh nhân dù lớn đến đâu thì họ cũng mệt mỏi khi khoản đầu tư của mình vẫn chưa đem lại kết quả tương xứng. Cái đích lớn nhất của việc doanh nghiệp hóa bóng đá chính là sự chuyên nghiệp. Hoạt động đá bóng phải tạo ra dòng tiền để nuôi bóng đá.
Con đường lên chuyên nghiệp đã bước qua năm thứ 20. Đã có nhiều đổi thay từ sân chơi này. Chúng ta đã định hình được những hệ giá trị mới. Những điều tưởng chừng xa lạ nay đã thành quen thuộc. Bóng đá Việt Nam hội nhập ngày càng mạnh mẽ hơn với quốc tế và chúng ta đã chứng kiến sự lột xác ở nhiều lĩnh vực. Thế nhưng, so với cái đích như mong muốn là bóng đá phải sống được nhờ khai thác các giá trị gia tăng từ hoạt động của mình thì vẫn còn rất xa.
Bóng đá Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài chính mang tên bao cấp. Và một khi các doanh nghiệp bóng đá chưa thể đại chúng hóa, chưa đá dạng được dòng tiền thì rủi ro trong hoạt động là vô cùng lớn. Một khi ông bầu gặp chuyện. Một khi doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh. Và một khi lãnh đạo địa phương không còn mặn mà với bóng đá thì lúc đó, những hệ lụy tiêu cực sẽ đến với bất cứ đội bóng nào.
Vậy mới nói, cái đích thiết thực nhất với bóng đá Việt Nam trong giai đoạn trước mắt chính việc trở thành một doanh nghiệp có nhiều đối tác, có nhiều nguồn thu thay vì dựa vào duy nhất một dòng tiền. Bước chuyển ấy không dễ, nhưng bắt buộc phải làm bởi nó quyết định đến tư duy quản lý, tư duy kinh doanh của từng đội bóng.
Bình Luận