Có 2 rào cản khiến V.League không thể diễn ra theo cách thông thường. Đầu tiên là dịch bệnh do Covid-19 đang hoành hành ở nhiều địa phương trong cả nước, khiến cho V.League phải tạm dừng trong thời gian dài tới dù ĐT Việt Nam đã kết thúc vòng đấu loại thứ hai. Vấn đề nữa là quỹ thời gian. Tất nhiên, việc VPF đưa ra dự kiến V.League trở lại vào ngày 31/7 cũng chỉ mang tính dự đoán về khả năng khống chế dịch bệnh ở nước ta cũng như thời hạn cách ly của Viettel sau khi tham dự AFC Champions League.
Nhưng nhìn cột mốc mà nhà tổ chức đưa ra cũng như phương án đá tập trung thì đó được coi là sự lựa chọn tối ưu trong bối cảnh hiện tại. Nếu tính từ cột mốc 31/7 đến hết năm 2021 thì vẫn còn dài nhưng thực chất, thời gian “rảnh rỗi” để V.League diễn ra là không nhiều. Như đã biết, ĐT Việt Nam đã giành quyền vào vòng loại thứ ba World Cup 2022. Theo lịch thi đấu dự kiến của FIFA trong trường hợp đá theo thể thức sân khách – sân nhà, ĐT Việt Nam sẽ chơi 6 trận trong 3 tháng 9, 10 và 11. Cụ thể, các lượt trận trong năm 2021 của vòng loại thứ ba World Cup 2022 diễn ra vào các ngày 2 và 7/9; 7 và 12/10; 11 và 16/11.
Thời gian diễn ra giữa 2 trận đấu là khoảng một tuần. Để chuẩn bị cho mỗi lượt trận này, ĐT Việt Nam cần ít nhất 1 tuần để tập trung. Trong trường hợp đi thi đấu ở nước ngoài, thầy trò ông Park Hang Seo còn phải thực hiện cách ly tập trung như quy định phòng chống dịch bệnh do Covid-19 gây ra sau khi về nước. Nói chung, V.League không thể tổ chức trong 3 tháng này. Đó là chưa kể đến vòng loại U23 châu Á 2022 dự kiến diễn ra vào tháng 10, SEA Games 2021 diễn ra vào tháng 11. V.League cũng không thể tổ chức vào tháng 12 khi AFF Suzuki Cup 2020 dự kiến được tổ chức trọn tháng này. Giả sử như V.League có thể “len” vào các tháng 9, 10 và 11 thì cũng sẽ để lại rất nhiều phiền phức cho các CLB. Đơn cử như công tác chuẩn bị chuyên môn của các đội sẽ gặp khó khi không đủ quân (do cầu thủ phải tham gia các ĐTQG), lại đau đầu với việc huấn luyện chuyên môn để làm sao cầu thủ có phong độ tốt nhất trong bối cảnh mỗi tháng chỉ có thể thi đấu 1-2 trận. Ngoài ra, việc kéo dài V.League sẽ khiến cho kinh phí ở các đội phình thêm.
Trong lúc đó, việc V.League thi đấu tập trung, chỉ diễn ra gói gọn trong vòng hơn 3 tuần sẽ giúp cho các đội bóng kết thúc mùa giải ngay trong tháng 8, qua đó, tiết kiệm được hầu bao do không phải tiêu tốn (nhiều) khoản phí di chuyển, ăn ở để duy trì đội bóng trong quãng thời gian sau tháng 8. Thi đấu liên tục cũng giúp cho các HLV dễ thở hơn trong việc rèn giũa chuyên môn, dù đối mặt với mật độ hơi dày… Việc thi đấu tập trung cũng giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh dễ dàng kiểm soát hơn, thay vì phải di chuyển sân khách – sân nhà vốn nhiều nguy cơ có thể lây nhiễm Covid-19 hơn.
Dịch bệnh luôn rình rập bùng phát, quỹ thời gian eo hẹp thì phương án đá tập trung vào tháng 8 được coi là sự lựa chọn tối ưu nếu như dịch bệnh được khống chế tốt trong thời gian tới.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bình Luận