Trong bối cảnh hiện tại, sẽ khó có nguyên tắc chung cho tất cả các đội bóng. Đơn cử như việc, đến nay, ở Hải Phòng vẫn hạn chế tụ tập đông người. Điều đó đồng nghĩa với việc, Hải Phòng chưa thể có sự phê chuẩn về tổ chức trận đấu. Tất nhiên, từ nay đến ngày 13/3 vẫn còn đủ thời gian để Hải Phòng giành chiến thắng trọn vẹn trước đại dịch. Khi ấy, các hoạt động đông người sẽ được phép diễn ra trong những điều kiện phù hợp nhất. Và ngay cả khi Hải Phòng gặp khó khăn về thủ tục thi đội bóng này và Ban điều hành giải cũng phải tính đến một phương án phù hợp nhằm đảm bảo tiến độ của mùa giải.
Tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương mỗi khác. Thế nên, cách điều hành giải đấu cũng phải có độ linh hoạt nhằm phù hợp với tình hình thực tế. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của mỗi đội bóng, giải đấu và độ an toàn cho các thành viên tham gia sự kiện. Nói đâu xa, ở Nam Định lúc này, mọi việc được kiểm soát tốt và đội bóng hoàn toàn có thể nghĩ đến phương án bán vé. Với họ, khán giả là nguồn thu vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, sự hiện diện của khán giả trên sân là cách để họ đảm bảo quyền lợi cho nhà tài trợ và đặc biệt là duy trì lợi thế với đối thủ.
Chắc chắn, sẽ có nhiều cách tiếp cận vấn đề khi V.League trở lại. Câu chuyện của Nam Định không giống với Thanh Hóa và càng khác với Hải Phòng, Than Quảng Ninh. Quyền tự quyết thuộc về các CLB trong việc tổ chức sự kiện là phù hợp. Bởi, hơn ai hết, họ hiểu tình hình tại địa phương và có sự liên hệ trực tiếp với chính quyền, đặc biệt là cơ quan phòng chống dịch. Tất nhiên, với tư cách là cơ quan quản lý, điều phối giải, VPF hay VFF cần phải bám sát diễn biến, hỗ trợ mọi mặt các CLB trong việc làm việc với các chính quyền địa phương. Ngoài ra, những phương án dự phòng, những giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống thi đấu cũng cần được tính đến.
Bình Luận