Mùa giải vừa qua, trong cuộc đua nước rút về đích trước nỗi ám ảnh mang tên Covid-19 thì công tác trọng tài lại phát sinh rất nhiều vấn đề. Cũng đúng thôi, chúng ta vừa mới chia tay một loạt trọng tài kỳ cựu, lại phải điều hành sân chơi theo diện thần tốc thì áp lực với những ông vua sân cỏ là vô cùng lớn. Có lẽ vì điều này mà tỷ lệ sai sót của trọng tài ở mức đáng báo động và ngay cả những người cảm thông nhất với công tác trọng tài cũng phải sốt ruột.
Những trọng tài dạn dày kinh nghiệm trận mạc thì không có nhiều. Những trọng tài trẻ lại non kinh nghiệm mà giải đấu lại quá nhiều trận cầu quyết định. Đó là chưa kể đến việc, mùa giải 2020 chúng ta không thể cậy nhờ trọng tài ngoại ở những vòng đấu cuối cùng khiến áp lực với BTC giải là vô cùng lớn.
Nhìn lại những vấn đề mà đội ngũ trọng tài Việt Nam đang phải đối diện thời gian vừa qua sẽ thấy một vấn đề mang tính sống còn, đó là tạo nguồn nhân lực ở đội ngũ cầm còi. Hàng năm, VFF vẫn tổ chức các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao cho các trọng tài có tiềm năng. Các trọng tài trẻ cũng được tung vào thử nghiệm ở những sân chơi trẻ, bóng đá nữ, hạng Nhì, hạng Nhất để trui rèn trận mạc. Nhưng, giới chuyên môn cho rằng, để một tài trẻ đủ sức bắt chính ở V.League cần trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi các nhà quản lý phải có chiến lược đào tạo thật nghiêm túc, công bằng.
Chúng ta không thể dựa mãi vào trọng tài ngoại ở các trận cầu đinh, bởi điều đó ảnh hưởng đến vị thế của nền bóng đá. Nhưng, bóng đá Việt Nam không thể mãi cảm thông với tình trạng thiếu trọng tài giỏi. Công tác đào tạo phải được chuyên nghiệp hóa. Thậm chí, cần phải xét đến vai trò, trách nhiệm của những người thực thi chiến lược tạo nguồn nhân lực. Có công thì khen thưởng, hạn chế phải có chế tài để đảm bảo có nhiều trọng tài giỏi.
Bình Luận