Theo thông tin từ VFF, cho tới giờ do chưa nhận được trả lời từ một số ứng cử viên, nên việc gút danh sách cuối cùng tạm thời hoãn lại. Vì thế, Đại hội nhiệm kỳ VIII cũng chưa chắc có thể được tổ chức trong tháng 8 tới do VFF chưa thể tìm được người ứng cử cho chức danh vị trí chủ tịch.
Trong số các ứng cử viên cho chức danh chủ tịch VFF được các tổ chức thành viên VFF giới thiệu hiện nay, chưa thấy có ứng cử viên nào sáng giá. Ba ứng cử viên được các tổ chức thành viên VFF giới thiệu từ trước là ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, ông Lê Quý Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT TP.HCM.
Thông tin bên lề cho biết cả 3 ứng cử viên này nhận được số phiếu đề cử không cao của các tổ chức thành viên VFF, thậm chí có ứng cử viên chỉ nhận được duy nhất 1 đề cử từ một tổ chức thành viên không mạnh về bóng đá.
Ông Trần Duy Ly, Quyền Chủ tịch VFF khóa IV nhận định: “Trong số các ứng cử viên hiện nay, chưa có ai hội tụ đủ những yếu tố cần thiết để dẫn dắt VFF trong giai đoạn phát triển mới với những đòi hỏi ở mức cao hơn. Cũng chưa có ai đủ sức thuyết phục để tập hợp được mọi người trong giới bóng đá, chứ chưa nói đến việc tập hợp được các nguồn lực để đóng góp cho bóng đá".
Vì các ứng cử viên còn chưa đủ sức thuyết phục ấy, nên VFF phải tiến hành bổ sung đợt 3. Sau đợt bổ sung này, một số ứng cử viên cực sáng giá là Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, lại một lần nữa được các tổ chức thành viên VFF tiến cử.
Tuy nhiên, khi ngỏ ý mời 2 vị này, cả hai đều từ chối vì lý do bận rộn với công việc kinh doanh. Trong vài ngày qua, 2 ứng cử viên được đề cập đến nhiều nhất là Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và Thứ trưởng bộ này là ông Lê Khánh Hải.
Ở nhiệm kỳ trước, ông Hải cũng được đề cử và đã rút lui. Đến nhiệm kỳ này, sau khi được đề cử, trả lời trên một tờ báo gần đây, ông Hải cho biết ông cũng sẽ xin rút khỏi danh sách đề cử.
Như vậy, cho tới giờ ứng cử viên nặng ký nhất là Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Hiện Bộ trưởng Thiện cũng chưa khẳng định là ông sẽ đồng ý hoặc không đồng ý dù được các tổ chức thành viên VFF tín nhiệm.
Chủ tịch CLB bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh nhận định: “Nếu Bộ trưởng Thiện đồng ý tranh cử thì quá tốt cho Bóng đá Việt Nam. Nếu VFF có một vị Chủ tịch tầm cỡ như Bộ trưởng Thiện thì cũng sẽ có vị thế mới, phù hợp với giai đoạn đang phát triển cao hơn của Bóng đá Việt Nam như hiện nay”.
Cũng theo ông Thanh, việc Bộ trưởng Thiện nếu ra tranh cử là đã có tiền lệ khi ở nhiệm kỳ V, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Trọng Hỷ cũng phải đảm đương cương vị này khi VFF không tìm được ứng cử viên chủ tịch cho nhiệm kỳ mới.
“Chịu trách nhiệm cuối cùng với sự phát triển của bóng đá Việt Nam chính là Bộ VHTTDL, cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về TDTT. Trách nhiệm cuối cùng ấy cũng là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, người đảm đương nhiệm vụ Tư lệnh ngành trong các lĩnh vực mà Bộ được Chính phủ giao quản lý nhà nước. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam khó khăn như hiện nay, Bộ VHTTDL nên đảm đương, gánh lấy trọng trách nặng nề này. Đây rõ ràng là một nhiệm vụ chứ không phải là ham hố lợi lộc gì”, ông Thanh nói.
Vấn đề giờ đây là ngay sau khi tên tuổi của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện được xướng như một ứng cử viên sáng giá cho ngôi vị Chủ tịch VFF khóa VIII, ông liên tục bị một vài cá nhân công kích trên mạng xã hội, giống như trường hợp của Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng và Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPF Trần Anh Tú vừa qua.
Một vấn đề nữa với Bộ trưởng Thiện là dù nhận được sự tín nhiệm từ các tổ chức thành viên VFF nhưng với cương vị hiện tại, việc Bộ trưởng Thiện có đồng ý tranh cử hay không còn phụ thuộc vào quyết định của các cấp có thẩm quyền.
Trong trường hợp người đứng đầu Bộ VHTTDL rút lui, chiếc ghế nóng ở VFF sẽ tiếp tục phải chờ đợi thêm thời gian nữa.
Bình Luận