Hướng tới đại hội VFF khóa IX nhiệm kỳ 2022-2026: Dấu ấn lớn của tiếp thị và vận động tài trợ

Công tác tiếp thị và vận động tài trợ được xem là “bầu sữa” để phục vụ hoạt động của các ĐTQG cũng như công tác đào tạo trẻ. Trong nhiệm kỳ khóa VIII (2018-2022), việc tiếp thị và vận động tài trợ của VFF đã gặt hái khá nhiều thành tựu bất chấp phải đương đầu với nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19.
Hướng tới đại hội VFF khóa IX nhiệm kỳ 2022-2026: Dấu ấn lớn của tiếp thị và vận động tài trợ

Thành công nối tiếp thành công

4 năm qua, bóng đá Việt Nam đã thi đấu, gặt hái được khá nhiều thành tích nổi bật. Từ cấp độ U cho đến ĐTQG khi ra đấu trường quốc tế đã đem về rất nhiều chiến tích đáng tự hào. Việc các ĐTQG thi đấu thành công, gây tiếng vang và tạo hiệu ứng tốt trong xã hội đã kéo theo sức hút từ các Mạnh thường quân, nhãn hàng đến với bóng đá Việt Nam. Phải nói rằng, chưa bao giờ thương hiệu của các ĐTQG Việt Nam lại trở nên giá trị như vậy trong 4 năm qua. Gần như sau mỗi giải đấu lại có thêm các nhà tài trợ đến để củng cố và xây đắp nguồn thu, từ đó tái tạo dòng tiền, xây dựng bóng đá Việt Nam.

4 năm qua, công tác tiếp thị và vận động tài trợ đã đạt kết quả tốt với nguồn thu tăng hàng năm, trong đó nguồn thu từ thương hiệu các ĐTQG đã đem lại giá trị tài trợ tốt cho hoạt động của VFF. 

Ngoài việc duy trì tiếp hợp đồng với nhiều đối tác tài trợ hiện có, VFF đã ký mới nhiều hợp đồng tài trợ cho ĐTQG nam, nữ và U23. Trong đó, ký mới hợp tác với Công ty Dentsu khai thác tài trợ cho 3 ĐTQG trong các năm của nhiệm kỳ khóa VIII với giá trị tăng trưởng cao, duy trì hợp tác với Grand Sport tài trợ trang thiết bị cho các ĐTQG (10 đội tuyển) và ký mới nhiều hợp đồng tài trợ.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã tin tưởng vào hình ảnh thương hiệu ĐTQG và tham gia tài trợ (Vinamilk, Hưng Thịnh, TNI, Bamboo, Bia Sài Gòn…). Đây cũng là nhiệm kỳ VFF có số lượng đối tác trong nước tham gia tài trợ nhiều nhất trong tổng số 13 đối tác tài trợ cho các ĐTQG.

Thương hiệu Vinamilk đã tin tưởng và đồng hành cùng ĐTQG Việt Nam - ảnh: Đức Cường

Ông Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, cựu chủ tịch VFF, trong buổi lễ ký kết với Vinamilk - ảnh: Đức Cường

Buổi lễ ký kết hợp đồng tài trợ giữa LĐBĐ Việt Nam và tập đoàn Hưng Thịnh - ảnh: Đức Cường

Ngoài việc tiếp tục giao quyền quản lý, tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VĐQG, Cúp QG, Hạng nhất QG và Siêu Cúp QG) cho Công ty VPF, VFF cũng hợp tác dài hạn, giao quyền và phối hợp tổ chức giải U19 và U21 Quốc gia cùng Tập đoàn truyền thông Thanh Niên; giải U9, U11 và U13 cùng Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Bên cạnh đó, VFF chủ động khai thác nguồn thu thương mại/tài chính các giải đấu trong nước còn lại bằng hình thức ký kết tài trợ quảng cáo hoặc hợp tác tổ chức giải đấu (Giải nữ VĐQG, hạng Nhì QG, Futsal VĐQG & Cúp QG; U15 và U17 QG; bóng đá bãi biển….). Đa số các giải bóng đá ngoài chuyên nghiệp có tài trợ với mức độ khác nhau cho hoạt động chuyên môn.

Lễ ký kết hợp tác mới đây giữa VFF và Tập đoàn Động Lực	 Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Đại diện VFF và tập đoàn Honda trong buổi lễ ký kết tài trợ năm 2019 - ảnh: Đức Cường

Vượt qua thách thức

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động bóng đá thế giới và đương nhiên bóng đá Việt Nam cũng hứng chịu nhiều tổn thất. Đặc biệt khi áp dụng “quy trình bong bóng” theo khuyến cáo của AFC, các ĐTQG đã phải thay đổi kế hoạch sinh hoạt cũng như tập luyện, thi đấu. Hầu hết các ĐTQG trước khi bước vào giải chính thức đều phải thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, hiểu một cách dễ hiểu hơn đó là ăn, tập khép kín. Điều đó sẽ khiến chi phí ăn ở tại khách sạn, địa điểm đóng quân cũng như tập luyện bị “đội” lên. Như thế, VFF sẽ phải liên tục chi tiền để đáp ứng với tình hình mới về việc tập luyện, thi đấu của các ĐTQG. Và để có nguồn tiền thì đương nhiên công tác tiếp thị và vận động tài trợ được đẩy mạnh. Năm 2020 và 2021, dù chịu nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng VFF vẫn triển khai mua thương quyền các trận đấu của ĐTQG ở nước ngoài để kết nối hình ảnh quảng bá với các đối tác tài trợ, bản quyền truyền hình… nhằm duy trì nguồn thu từ các hợp đồng hợp tác.

Trong nhiệm kỳ khóa VIII (2018-2022), VFF đã ký kết thành công giá trị bản quyền truyền hình đạt mức tốt hơn, ổn định trong toàn khóa. Song song với kết quả đạt được, việc phối hợp với các đài truyền hình để tuyên truyền cho hoạt động bóng đá, đồng thời mở rộng tuyên truyền trên các kênh thông tin (YouTube, Facebook….) đã giúp xây dựng, quảng bá hình ảnh bóng đá Việt Nam sâu rộng hơn nữa trong xã hội và ra nước ngoài.

Giá trị thương mại các ĐTQG tăng cao
Sau những thành công ở đấu trường quốc tế, các ĐTQG Việt Nam đã khiến các Mạnh thường quân quan tâm đặc biệt và “rót” tiền tài trợ. Gần như mọi giải đấu từ cấp độ U đến ĐTQG đều được các nhà đài mua bản quyền sản xuất và phát sóng.  Đây là minh chứng rõ nét nhất cho sức mạnh giá trị thương mại mà các ĐTQG mang lại lớn như thế nào trong 4 năm qua.

Tăng trưởng mạnh mẽ
Nếu năm 2018, bóng đá Việt Nam mới có sức tăng trưởng 100% thì đến quý 3 năm 2022 đã tăng lên 199% về doanh thu vận động tài trợ. Đây là những con số rất đáng mừng cho thấy vai trò, mức độ đóng góp của việc tiếp thị và vận động tài trợ ghi dấu ấn lớn thế nào trong sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

    Bình Luận