Cần đẩy bóng đá Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp
Bóng đá, vốn dĩ được mệnh danh như môn thể thao “vua”, có sức hút vô cùng mãnh liệt và luôn nhận được sự yêu thích của hàng tỉ người trên thế giới. Bóng đá Việt Nam trong những năm qua đã có sự phát triển một cách vượt bậc, thần tốc. Những thành công liên tiếp với đỉnh cao mới được chinh phục và cột mốc lịch sử được tạo lập.
Chính điều đó đã và đang khẳng định sức mạnh, vị thế của bóng đá Việt Nam ở tầm khu vực và châu lục. Không chỉ đơn giản như một bộ môn thể thao hay món ăn tinh thần của người dân, bóng đá Việt Nam còn được xem như một “hiện tượng xã hội” thú vị. Quan trọng hơn, bóng đá đã góp phần lớn đối với sự phát triển của kinh tế, xã hội của Đất nước.
Với những thành tích ấn tượng này, bóng đá Việt Nam được nhiều người biết đến hơn, bạn bè trong khu vực và châu lục quan tâm, chú ý đến nhiều hơn. Đặc biệt, sự quan tâm, dõi theo, động viên, cổ vũ và ủng hộ của người hâm mộ trong nước hết sức cuồng nhiệt, lan tỏa hiệu ứng vô cùng tích cực.
Những sự kiện thể thao lớn như SEA Games 31 -2022 với bóng đá là tâm điểm đã cho thấy sự khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam với bạn bè quốc tế, qua đó góp sức quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, bóng đá giống như một công cụ hữu ích, để quảng bá thương hiệu một cách hiệu quả, mang lại những lợi ích về kinh tế rất rõ ràng. Thông qua bóng đá (đầu tư, tài trợ, kết nối, đồng hành, xây dựng…) các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã được biết đến nhiều hơn, sức lan tỏa mạnh hơn.
Bóng đá càng phát triển, giá trị của các cầu thủ càng cao, từ đó lợi nhuận sẽ được mang về thông qua các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cầu thủ rất lớn. Theo số liệu mới cập nhật từ Transfermarkt (tính đến tháng 8/2022), nhóm các cầu thủ hàng đầu tại Việt Nam được định giá lên đến 400.000 euro.
Xây dựng thương hiệu đội tuyển Việt Nam
Bóng đá là môn thể thao vua, đồng thời trở thành ngành công nghiệp dẫn đầu trong tốp các môn thể thao. Dù vậy, bóng đá Việt Nam vẫn chưa khai thác được hết lợi thế của mình. Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng thương hiệu đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam”, do Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức trung tuần tháng 6/2022 được kỳ vọng là một bước tiến về nhận thức, tư duy.
Đây là lần đầu tiên, các vấn đề liên quan đến thương hiệu đội tuyển bóng đá nam Việt Nam được thảo luận kỹ lưỡng, khẳng định tính cấp thiết và là một trong những nội dung quan trọng của “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong chiến lược phát triển lĩnh vực này, LĐBĐVN đang từng bước hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu đội tuyển Việt Nam và câu slogan “Những chiến binh sao vàng”.
Nếu lấy mốc từ SEA Games 1991, đánh dấu thời điểm bóng đá Việt Nam hòa nhập sâu rộng với thế giới, chúng ta đã có hơn 30 năm để phát triển bóng đá. Tuy nhiên, vấn đề thương hiệu các ĐTQG cần tiếp tục làm tốt hơn nữa, góp phần mang lại nguồn thu lớn để tiếp tục phát triển bóng đá.
Trong các mục tiêu đến năm 2030, bóng đá Việt Nam tiếp tục tự chủ về tài chính, phát triển thị trường kinh doanh, dịch vụ bóng đá, tạo thu nhập ngày càng cao và có đóng góp xứng đáng với nền kinh tế đất nước.
Để phát huy, khai thác hết tiềm năng, sức mạnh, sự ảnh hưởng môn thể thao “vua”, chúng ta cần có những phương hướng, chiến lược phát triển cả cấp bách cũng như lâu dài để biến bóng đá là một nguồn lực đặc biệt đối với sự phát triển của kinh tế nước nhà.
Bình Luận