Nhiệm kỳ VIII của VFF: Hội tụ, đoàn kết & phát triển

Nhiệm kỳ VII của VFF cho thấy sự hội nhập một cách mạnh mẽ của bóng đá Việt Nam với đấu trường quốc tế. Rất nhiều những cột mốc lịch sử đã được xác lập. Bóng đá Việt Nam định vị một cách rõ ràng thế đứng trên đấu trường quốc tế.
Nhiệm kỳ VIII của VFF: Hội tụ, đoàn kết & phát triển
Và với bước đà mang tính bước ngoặt, nhiệm kỳ VIII được kỳ vọng sẽ phát huy tinh thần hội tụ, đoàn kết để tạo ra những giá trị bền vững cho nền bóng đá phát triển.

Bệ phóng được xác lập
Tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu của công cuộc 30 năm đổi mới, bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Đây chính là tiền đề, cơ sở để bóng đá Việt Nam cất cánh trong thời gian tới. Có thể nhận thấy sự ổn định về vĩ mô đã mang đến những tác động tích cực cho nền bóng đá trong nhiệm kỳ vừa qua của VFF. Bóng đá Việt Nam dần bước ra khỏi cuộc khủng hoảng một cách sâu rộng giai đoạn trước đó với hàng loạt đội bóng rút lui, các nhà tài trợ cắt giảm hoặc rời khỏi bóng đá. Đến thời điểm hiện tại, có thể nhận thấy sự quay trở lại của làn sóng đầu tư cho bóng đá. Nhiều đội bóng được xây dựng, đầu tư trở lại. Các đội bóng vốn đang hoạt động có những bước đi quan trọng và đột phá nhằm xây dựng một nền tảng bền vững, chuyên nghiệp.

Cũng từ những chuyển biến tầm vĩ mô, bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ VII đã đạt được những thành tựu rất khả quan khi các đội tuyển có nhiều thành tích đáng biểu dương, thậm chí, tạo ra những cột mốc lịch sử. Một số đội tuyển (bao gồm cả cấp độ đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ) đã đạt thành tích vượt bậc, để lại nhiều cảm hứng và dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ.

Thành công của nhiệm kỳ vừa qua tạo ra cảm hứng, khơi dậy niềm tin với nền bóng đá. Đặc biệt, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và NHM đang nhận thấy tiềm năng lớn lao cũng như giá trị của bóng đá. Có thể nói, bóng đá Việt Nam đang ở một bước ngoặt lịch sử. Thế và lực của nền bóng đá đã được nâng lên đáng kể. Và với những nền tảng hiện tại, nếu biết kiên định đầu tư, chúng ta sẽ xác lập cho mình con đường để phát triển.


Thách thức cần vượt qua
Bên cạnh những thuận lợi, bóng đá Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức cần phải xử lý và vượt qua. Có thể kể đến những vấn đề  như vấn đề hành vi thô bạo trên sân cỏ, những sai sót của trọng tài gây nhiều tranh cãi; việc đầu tư phát triển bóng đá còn chưa đồng bộ do nguồn kinh phí hạn hẹp, thiếu thốn về cơ sở vật chất, khoa học công nghệ và đầu tư cho con người để phát triển nguồn nhân lực, việc huy động và cân đối các nguồn lực để phát triển bóng đá phục vụ nhiều mục tiêu khác nhau đang là một thách thức cần được giải quyết ở nhiệm kỳ VIII.

Cùng với việc bám sát và tiếp tục triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030“ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, những thành tựu rất khả quan mà các đội tuyển đạt được trong nhiệm kỳ VII đã đặt bóng đá Việt Nam trước những thời cơ và thách thức mới; đòi hỏi bóng đá Việt Nam cần có những mục tiêu, nhiệm vụ nhằm đổi mới, cải tiến hệ thống quản lý, tổ chức hoạt động bóng đá để phù hợp với cơ chế thị trường; khuyến khích và tạo điều kiện đẩy mạnh tiến trình  xã hội hóa trong bóng đá tại Việt Nam.

Từ những lợi thế và khó khăn đã được nêu, bóng đá Việt Nam phải định hướng cho mình những mục tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ mới. Đầu tiên là việc nâng cao chất lượng các giải đấu theo hướng củng cố và cải tiến hệ thống thi đấu các giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp. Tiếp đến, phải tăng cường phối hợp với các cơ quan Nhà nước tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đến năm 2020, tiến hành tổng  kết, đánh giá thực hiện Chiến lược để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn, với mục tiêu đưa bóng đá nước ta phát triển, đến năm 2030 đứng trong nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á.


Mục tiêu thứ ba cần phải hoàn thành là nâng cao thành tích cho các đội tuyển bóng đá ở các cấp độ, tiếp tục đầu tư cho công tác đào tạo bóng đá trẻ, bóng đá nữ, đặc biệt là đầu tư cho các tài năng bóng đá trẻ để làm lực lượng kế cận, bổ sung cho các đội tuyển quốc gia. Tiếp đó, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hội nhập và tăng cường giao lưu, hợp tác với các tổ chức, liên đoàn bóng đá quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ, nâng cao vị thế cho bóng đá Việt Nam. Đồng thời, nền bóng đá phải đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, tổ chức và hoạt động bóng đá. Ngoài ra, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là phải xây dựng VFF và các tổ chức thành viên của VFF ngày càng vững mạnh.   

TIẾNG NÓI TỪ HỘI NGHỊ

ÔNG TRẦN ANH TÚ - ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC BCH VFF KHÓA VII: 
“Tự hào về chặng đường lịch sử”
“4 năm không quá dài, nhưng với BĐVN là một hành trình lịch sử. Chúng ta bắt đầu nhiệm kỳ với sự khủng hoảng về niềm tin khi thành tích của các đội tuyển chạm đáy, tài chính - tài trợ và nền tảng của nền bóng đá có nhiều khó khăn. Nhưng giờ đây, tất cả đều tự hào vì BĐVN đã có một hành trình lịch sử. Chúng ta có hai đội bóng giành quyền dự World Cup, ĐT U23 và Olympic Việt Nam gây địa chấn châu lục. Bóng đá trẻ, bóng đá nữ và futsal... cũng ghi nhận những thành tích đáng tự hào. Một nền tảng mới có ích cho sự phát triển sau này đã được xác lập”.

ÔNG LÊ VĂN THÀNH - ỦY VIÊN BCH VFF KHÓA VII:
“Cảm hứng thành công sẽ mang đến đột phá”
“Bóng đá trẻ Việt Nam đã mang đến cảm hứng thành công cho cả nền bóng đá. Từ chỗ gặp nhiều khó khăn về tài trợ, nhiệm kỳ VII đã ghi nhận thành công về mọi mặt, từ quản lý, chuyên môn đến khai thác giá trị gia tăng mà cụ thể là tài trợ. Có được điều này là nhờ sự cố gắng của VFF và sự đóng góp không biết mệt mỏi của các đội bóng. Tôi tin rằng, từ thành công hiện tại, bóng đá Việt Nam sẽ tiến những bước dài trong thời gian tới đây”.

Danh sách ứng cử viên tại Đại hội VFF khóa VIII 

CHỨC DANH CHỦ TỊCH: 
01 Ứng cử viên (ƯCV)
- Lê Khánh Hải - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng Ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

CHỨC DANH PHÓ CHỦ TỊCH PHỤ TRÁCH CHUYÊN MÔN: 03 ƯCV
- Dương Vũ Lâm - Ủy viên BCH VFF Khóa VII, Trưởng Văn phòng đại diện phía nam VFF.
- Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực VFF khóa VII.
- Phạm Ngọc Viễn - Ủy viên BCH, Trưởng Ban Chiến lược VFF khóa VII.

CHỨC DANH PHÓ CHỦ TỊCH PHỤ TRÁCH TÀI CHÍNH VÀ VẬN ĐỘNG TÀI TRỢ: 04 ƯCV
- Trần Văn Liêng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Vina Cacao
- Nguyễn Hoài Nam - TGĐ Tập đoàn Berjaya Việt Nam
- Cấn Văn Nghĩa - Nguyên Giám đốc Khu LHTTQG
- Lê Văn Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Động Lực; Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền VN; Ủy viên BCH VFF khóa VII

CHỨC DANH PHÓ CHỦ TỊCH PHỤ TRÁCH TRUYỀN THÔNG : 05 ƯCV
- Nguyễn Văn Phú - Tổng Biên Tập Báo Bóng đá
- Lương Hoàng Hưng - Tổng Biên Tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ & sáng tạo
- Cao Văn Chóng - Ủy viên BCH VFF khóa VII, GĐĐH phụ trách truyền thông Tổng Công ty Đầu tư & Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC
- Nguyễn Lân Trung - Ủy viên BCH VFF khóa VII
- Phan Anh Tú - Tổng Thư ký LĐBĐ Hà Nội; Ủy viên BCH, Trưởng Ban Bóng đá nữ VFF khóa VII

CHỨC DANH UỶ VIÊN BAN CHẤP HÀNH: 28 ƯCV
- Nguyễn Tân Anh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo VĐV Bóng đá Nam Định
- Nguyễn Tấn Anh - Giám đốc truyền thông, Trưởng đoàn Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai
- Lê Xuân Bình - Nguyên PGĐ Sở VH-TT Thừa Thiên Huế, PCT thường trực LĐBĐ Thừa Thiên Huế
- Dương Hữu Cường - PGĐ Trung tâm HL-ĐT&TĐ TDTT tỉnh Cà Mau; HLV trưởng đội tuyển bóng đá Cà Mau và các đội trẻ của tỉnh
- Võ Thành Danh - Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT Đắk Lắk; GĐĐH CLB Đắk Lắk
- Đỗ Mạnh Dũng - Giám đốc Trung tâm TT Viettel
- Dương Văn Hiền - Trưởng Bộ môn Giáo dục Thể chất, Giám đốc NTĐ đa năng Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM; Ủy viên BCH VFF khóa VII
- Bùi Xuân Hòa - Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng, Ủy viên BCH VFF khóa VII
- Nguyễn Quốc Hội - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Thể thao T&T - Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội; Ủy viên BCH VFF Khóa VII
- Trần Đình Huấn - Trưởng Bộ môn Bóng đá TP.HCM; Giám đốc Trung tâm TDTT Thống Nhất
- Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thể thao Hải Phòng; Chủ tịch CLB Bóng đá Hải Phòng
- Phạm Thanh Hùng - Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh
- Nguyễn Đức Hưng - Nguyên Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch LĐBĐ tỉnh Lâm Đồng
- Nguyễn Húp - GĐĐH CLB bóng đá Quảng Nam 
- Ngô Văn Hỷ - Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty CP Kim Toàn, Chủ tịch CLB Futsal Kim Toàn
- Nhan Thiện Nhân - Giám đốc Trung tâm bóng đá An Giang, Ủy viên BCH VFF khóa VII
- Đỗ Văn Nhật - Chủ nhiệm Bộ môn Bóng đá, Trung tâm HL&TĐ TDTT Hà Nội
- Đoàn Phùng - Trưởng đoàn Bóng đá Huế
- Lê Quý Phượng - Giảng viên cao cấp, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT Trường Đại học TDTT TP HCM; Ủy viên BCH, Trưởng Ban Y học VFF khóa VII
- Đoàn Phú Tấn - Giảng viên trọng tài VFF
- Nguyễn Hồng Thanh - TGĐ Công ty CP Sông Lam Nghệ An kiêm Chủ tịch CLB Bóng đá Sông Lam Nghệ An; Ủy viên BCH VFF khóa VII
- Trần Quang Thường - GĐ Trung tâm Huấn luyện KTTT tỉnh Khánh Hòa; GĐ điều hành CLB bóng đá Sanna Khánh Hòa - Biển VN
-  Lê Minh Trí - Công ty CP phát triển Bóng đá Long An; Trưởng đoàn CLB BĐ Long An
- Võ Minh Trí - Phó Ban Trọng tài LĐBĐ TP.HCM 
- Nguyễn Anh Tuấn - PGĐ Trung tâm HL&TĐTDTT tỉnh Bình Phước kiêm Chủ tịch CLB Bóng đá Bình Phước
- Phạm Ngọc Tuấn - TGĐ Công ty CP Bóng đá Việt
- Trần Anh Tú - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TM Thái Sơn Nam; Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM; Ủy viên thường trực BCH, Trưởng Ban Futsal VFF khóa VII; Chủ tịch kiêm TGĐ VPF
- Trần Lâm Vũ - TGĐ Công ty Cổ phần Phát triển Bóng đá Đồng Tháp - DFC.

Đối với các chức danh được đề cử và ứng cử vào các vị trí Phó chủ tịch, nếu bầu không trúng cử sẽ được chuyển sang danh sách bầu cử Ủy viên BCH.
    Bình Luận