Trước đông đảo các trọng tài, trợ lý, giám sát trọng tài, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh đã đề cập đến một số biểu hiện tiêu cực trong bóng đá.
Ông Lê Hoài Anh cho biết: “Tất nhiên việc theo dõi thông tin liên quan đến một trận đấu bất thường có thể dựa vào công nghệ, phương tiện hiện đại nhưng bản thân trọng tài cũng cần phải có ý thức, trách nhiệm hơn, giúp cho các giải bóng đá từ trẻ đến chuyên nghiệp được đảm bảo sự liêm chính. Hiện tại, nhiều yếu tố lôi kéo, cám dỗ dẫn đến tiêu cực trong bóng đá. Bản thân các trọng tài cần cảnh giác, hiểu biết pháp luật để đảm bảo sự uy tín, danh tiếng cho bản thân”.
Ông Lê Hoài Anh nói thêm: “Trong thời gian qua, VFF cũng đã phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an. Tại các giải bóng đá chuyên nghiệp, cảnh sát hình sự cũng tham gia để giúp BTC phòng chống tiêu cực, tránh sự việc đáng tiếc”.
Trong buổi trao đổi với các trọng tài Việt Nam, đại diện Cục Cảnh sát hình sự liên quan đến phòng ngừa đấu tranh chống tệ nạn xã hội có nhấn mạnh: “Công tác phòng chống tiêu cực trong bóng đá ngày càng phức tạp và tinh vi, từ đơn giản đến nhường điểm, cho điểm đến nặng hơn là tham gia mua bán cá độ, gian lận. Các hành vi có thể cấu thành tội phạm có thể kể đến như cầu thủ nhận tiền từ 5 triệu đồng trở lên có thể phạm tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc nếu đứng ra móc nối, dàn xếp trận đấu. Bản thân các trọng tài, giám sát nếu nhận từ 2 triệu đồng trở lên cũng phạm tội nhận hối lộ…”.
Bình Luận