De Laurentiis cứu giúp Bari: Tấm lòng cao cả của một "ông trùm" cáu bẳn

Chủ tịch Napoli, Aurelio De Laurentiis trở thành chủ sở hữu Bari, đội vừa bị rớt xuống hạng nghiệp dư. Dù bị xem là vị chủ tịch cứng đầu và cáu bẳn, nhưng De Laurentiis thêm một lần nữa có cơ hội lập công cho bóng đá Italia.
De Laurentiis cứu giúp Bari: Tấm lòng cao cả của một "ông trùm" cáu bẳn
Trục vớt Bari, như từng làm với Napoli
Người ta biết đến Napoli chủ yếu bởi 2 chiếc Scudetto có trong thời hoàng kim cùng Diego Maradona. Nhưng đội bóng này từng có giai đoạn bị dìm xuống bùn đen, bị tuyên phá sản vào nửa cuối năm 2004 và phải xuống chơi ở Serie C1 (nay là Lega Pro, hạng Ba của Italia). Một năm sau đó, De Laurentiis nhìn ra những tiềm năng rồi mua lại đội bóng giàu tính lịch sử này, đưa Napoli liên tiếp thăng hạng Serie B và Serie A trong 2 mùa giải. Từ đó tới nay, Napoli từ một đội hạng thấp đã trở thành quyền lực lớn nhất nhì Serie A, không ít lần tranh tài ở Champions League, thậm chí dám thách thức vị thế độc tôn của Juventus. 

Bây giờ, De Laurentiis được đặt vào tay một nhiệm vụ tương tự, đó là trục vớt con tàu đắm Bari. Đội bóng cũ của các danh thủ như Leonardo Bonucci, Kamil Glik, Antonio Cassano hay David Platt đã bị tuyên bố phá sản. Sau khi thất bại ở loạt đấu play-off thăng hạng Serie A 2018/19, Bari nhận thêm tin dữ khi họ không thể giải được bài toán tài chính và phá sản, bị đánh tụt xuống Serie D (hạng Tư).  

Ông trùm điện ảnh Aurelio De Laurentiis đã bước vào một cuộc phiêu lưu mới, sau lễ công bố trở thành chủ mới của CLB Bari
Ông trùm điện ảnh Aurelio De Laurentiis đã bước vào một cuộc phiêu lưu mới, sau lễ công bố trở thành chủ mới của CLB Bari

Theo luật thể thao Italia, khi một CLB thể thao phá sản, thị trưởng thành phố nơi CLB đó đặt trụ sở có quyền chỉ định chủ sở hữu mới (dĩ nhiên với sự đồng ý của đương sự). De Laurentiis đã bước vào cuộc đua giành quyền sở hữu Bari với chủ tịch Lazio, Claudio Lotito. Và rốt cuộc, ông đã chiến thắng sau khi thuyết phục được thị trưởng Bari, Antonio Decaro. 

Ngay sau khi trở thành ông chủ mới của Bari, De Laurentiis tuyên bố đặt mục tiêu đưa đội bóng miền Nam Italia này trở lại Serie A trong vòng 3 năm, dù CLB này đã mất sạch cầu thủ và HLV Fabio Grosso (chuyển sang dẫn Verona). Viễn cảnh đó vẫn còn xa, nhưng hãy nhìn một loạt CLB từng phá sản như Fiorentina, Napoli hay mới nhất là Parma, cũng dần dần tìm lại được vị thế xứng đáng của họ ở Serie A

Vị chủ tịch cáu bẳn… đáng yêu
Dù là ông trùm điện ảnh, nhưng De Laurentiis không thuộc mẫu chủ tịch lịch lãm, thích hợp để ngoại giao với giới truyền thông như Massimo Moratti, gia đình Agnelli và nhất là Silvio Berlusconi. De Laurentiis là vị chủ tịch khó chịu và cáu bẳn bậc nhất Italia với giới truyền thông và CĐV.  

Cuối mùa 2013/14, sau thất bại 0-1 của Napoli trước Parma, De Laurentiis đã nhảy khỏi xe của ông để ăn thua đủ với một CĐV đang chửi ông bên ngoài. Trước đó, khi phóng viên Gazzetta dello Sport hỏi liệu Napoli có bán Marek Hamsik, Ezequiel Lavezzi và Edinson Cavani hay không, De Laurentiis đáp lại: “Nếu những ngôi sao của tôi ra đi thì đó là vì sự thúc đẩy của Gazzetta dello Sport đấy. Câu hỏi của cậu giống như cầm dao… thiến tôi vậy”. Một lần khác, khi được phóng viên hỏi về tin đồn Jorginho sang Premier League, De Laurentiis đáp: “Các cậu toàn bịa đặt chuyện để bán báo, các cậu phải bỏ thói vô đạo đức ấy đi. Tôi không có hơi sức trả lời những câu hỏi như vậy”… 


Đại thể, rất nhiều lần ông trùm điện ảnh luôn ăn mặc rất đẹp và thời trang này trả lời theo kiểu chợ búa với thái độ cáu bẳn trước NHM và giới truyền thông, gây khó chịu cho các phóng viên và ngay cả các CĐV Napoli. Với những CLB khác, De Laurentiis cũng rất cứng đầu, ông giữ nguyên tắc chỉ “nhả” người nếu CLB đối tác tỏ ra… biết điều. Juventus mua Gonzalo Higuain, Chelsea chiêu nạp HLV Maurizio Sarri hay PSG chiêu mộ Cavani trước đây đều gặp không ít khó khăn vì sự “làm cao” của De Laurentiis. 

Lập dị nhưng giàu công trạng
Bóng đá Italia không thiếu những ông chủ tịch đầy lập dị như De Laurentiis, điển hình là Luciano Gaucci (cựu chủ tịch Perugia), Lotito (chủ tịch Lazio), Maurizio Zamparini (ông chủ Palermo). Họ đều đạt những thành tựu nhất định, nhưng rốt cuộc không ai có được chiến tích và sự ổn định dài lâu như đế chế Napoli do De Laurentiis gây dựng. 

Một ông trùm điện ảnh khác là Vittorio Cecchi Gori, từng được CĐV Fiorentina xem là người hùng khi đưa La Viola từ vũng lầy Serie B lên chơi tại Champions League. Nhưng trong nhiều năm, Cecchi Gori chỉ đặt mục tiêu giữ chân Gabriel Batistuta, dẫn đến việc nhiều trụ cột và chính Batigol bỏ đi. Fiorentina phá sản vào năm 2002, còn Cecchi Gori bị CĐV La Viola căm ghét và thậm chí nhiều lần dọa giết. 

Nói vậy để thấy những công trạng mà De Laurentiis làm được cho bóng đá Italia lớn thế nào. Biết đâu dưới sự chèo lái của De Laurentiis, mấy năm nữa Serie A lại “khai quật” được một quyền lực nữa giống như Napoli ngày nay, mang tên Bari?

De Laurentiis vẫn chưa có danh hiệu lớn
Bất chấp bản thành tích đầy ấn tượng trên cương vị chủ tịch Napoli, trục vớt CLB này từ hạng thấp lên đến vị trí gần như cao nhất làng bóng đá Italia, De Laurentiis vẫn chưa từng giành được danh hiệu lớn nào như Scudetto hay Cúp châu Âu. Trong kỷ nguyên của De Laurentiis, Napoli từng giành 2 chức vô địch Coppa Italia (2011/12 và 2013/14) và 1 Siêu Cúp Italia (2014). 
    Bình Luận