Fabrizio Romano, ông Hoàng của làng chuyển nhượng

Romano không phải người đại diện, không làm việc trong các CLB, chẳng có gốc gác hay nền tảng thể thao. Romano cũng không hẳn là một phóng viên thể thao. Romano, chỉ đơn giản, là sở hữu công việc độc nhất vô nhị thế giới do chính anh tạo ra: Dự báo, tiết lộ thông tin chuyển nhượng.
Fabrizio Romano, ông Hoàng của làng chuyển nhượng

Bước đi đầu tiên 

Fabrizio Romano sinh ngày 21/02/1993 tại Milan, Italia. Tất cả những gì có thể miêu tả về Romano là anh ta thích bóng đá và có tài viết lách. 17 tuổi, Romano, vốn theo học phổ thông ở trường quốc tế, bắt đầu tham gia viết bài bình luận bóng đá bằng tiếng Anh cho một trang web chuyên cập nhập tin tức Serie A

18 tuổi, khi chuẩn bị tốt nghiệp và đắn đo xem nên đăng ký trường đại học nào, Romano nhận một cuộc điện thoại. Phía bên kia đầu dây, một người tự xưng là người đại diện của Mauro Icardi và Gerard Deulofeu nói rằng liệu Romano có thể viết bài giới thiệu, đăng tải thông tin về “những cầu thủ trẻ ngày ấy” hay không. 

Đó là cuộc gọi thay đổi toàn bộ cuộc sống của Romano. Chàng trai trẻ mới chập chững bước chân vào xã hội bắt đầu xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhà môi giới bóng đá này và ai dám ngờ rằng, Icardi sau này lại trở thành ngôi sao. 3 ngày trước khi Sampdoria chính thức đạt thỏa thuận bán Icardi cho Inter, Romano đã biết tin. Thú vị ở chỗ, Sampdoria bán, nhưng Icardi chưa đi ngay. Tiền đạo người Argentina sẽ không ra đi ở kỳ chuyển nhượng mùa đông mà chỉ chuyển tới Inter vào tháng 6 khi mùa giải khép lại. 

“Bùm! Phi vụ đầu tiên của tôi đã bắt đầu như thế đấy”, Romano hào hứng kể lại trên Bleacher Report. Trên Twitter cá nhân, Romano tiết lộ thông tin ấy và sáng hôm sau, tài khoản của anh đã có thêm 20.000 người theo dõi. 

10 năm sau “phi vụ Icardi”, Romano đã nổi tiếng khắp toàn cầu. Anh có 1,9 triệu người theo dõi trên Twitter, một tài khoản Instagram cá nhân với 800.000 fan. Với những người yêu mến bóng đá quốc tế, Romano đơn giản là một vị thánh. Anh luôn đem tới những thông tin nóng, độc về các vụ chuyển nhượng sắp diễn ra và fan bóng đá như phát cuồng vì chúng. 

Romano có quan hệ ở mọi nơi. Anh là đối tác giao dịch của người đại diện, cầu thủ, HLV, GĐTT và thậm chí là những quan chức cấp cao. Anh có thể tùy tiện đi vào các khách sạn cao cấp mà giới bóng đá thường lui tới tại Milan. Sky Sports, đơn vị đang trả lương toàn thời gian cho Romano còn cung cấp căn hộ và một xe van 7 chỗ kèm tài xế để phục vụ việc di chuyển đi lại cho Romano. Những gì người khác có, Romano chắc chắn có. Những gì người khác không có, Romano luôn luôn có. 

Trong hai mùa chuyển nhượng mỗi năm, Romano có lịch làm việc dày đặc. Anh chỉ ngủ 5 tiếng mỗi ngày, từ 5h sáng tới 10h sáng và khi thức dậy lập tức ôm điện thoại. Anh có 2 điện thoại, sạc dự phòng kèm theo người và bắt đầu hành trình “săn tin”. Ngày nhiều nhất ghi nhận, Romano từng gọi tới… 118 cuộc điện thoại.

Chính xác là chìa khóa

Romano nói rằng, anh muốn được nhìn nhận như một người cung cấp các chi tiết chính xác về một vụ chuyển nhượng. Một công việc với ý niệm mơ hồ, nhưng hấp dẫn chẳng kém gì trận chung kết Champions League

Sự khác biệt của Romano không nằm ở tốc độ, mà nằm ở uy tín. Romano chỉ đăng tải thông tin khi mức độ chính xác của vụ chuyển nhượng đó là 100%. Dù là 0,001% sai số, Romano cũng bỏ qua.

Romano thành công khi chỉ đăng thông tin có mức độ chính xác 100% của vụ chuyển nhượng

Hãy tới ví dụ cụ thể này: Ngày 18/8/2020, Romano thông báo “David Silva tới Sociedad”. Đó là thông tin trái chiều dư luận vì trước đó, L’equipe, tờ báo thể thao lớn nhất châu Âu cũng khẳng định Silva tới Lazio, ký hợp đồng 3 năm và lương 10 triệu euro/năm. Nhưng người đại diện của Silva gọi cho Romano và thông báo, Silva đổi ý phút cuối, muốn về Sociedad để ở gần gia đình. Giá trị của Romano so với phần còn lại của thế giới tin chuyển nhượng nằm ở chỗ đó. Hoặc trước đó, Romano khẳng định Rabiot không thể sang Barca dù sớm đạt thỏa thuận cá nhân vì mẹ của tiền vệ này không hài lòng với mức đãi ngộ của Barca.

Có rất nhiều thông tin tuyệt mật được Romano cung cấp, chẳng hạn như chuyện Luis Suarez bể kèo sang Juve vì lý do ngôn ngữ, hay Bruno Fernandes tới M.U vào ngày nào, kiểm tra y tế mấy giờ và ra mắt báo chí thời điểm nào. 

“Mỗi ngày khi thức dậy, tôi đều biết thêm người mới, những nhân vật can dự trực tiếp vào một vụ chuyển nhượng. Ngày xưa, Real chỉ mất 1 tuần đàm phán đưa Beckham về Bernabeu nhưng bây giờ, nhanh nhất một giao dịch cần tới 1 tháng chuẩn bị”, Romano kết luận. 

Milan, điểm giao dịch lý tưởng

Theo Romano, 90% các giao dịch chuyển nhượng diễn ra tại Milan. Thành phố này có lợi thế địa lý, nằm giữa châu Âu và là nơi cung cấp các dịch vụ tổ chức gặp mặt bí mật. “Tôi từng ngồi với Ighalo ở Milan, biết rằng anh ấy chờ Tottenham nhưng cuối cùng, đại diện của M.U xuất hiện trước”, Romano kể lại trên Sportbible. 

“Không vì Covid-19, Pogba đã trở lại Juventus”

Romano xác nhận vào tháng 10 năm ngoái, lãnh đạo Juve đã chuẩn bị kế hoạch hỏi mua Paul Pogba từ M.U với giá 100 triệu euro. “Vào tháng 1 và tháng 2, GĐTT Fabio Paratici bay sang Manchester và về cơ bản nhận được cái gật đầu của M.U. Nhưng dịch Covid-19 khiến tình hình tài chính của Juve gặp khó khăn. Họ chỉ có thể trả 60 triệu euro, đính kèm thêm một tiền vệ trung tâm nhưng M.U không đồng ý. Nếu không vì Covid-19, Pogba giờ này đã ở Juve”, Romano chia sẻ.  

4. Trong 10 năm làm việc, quãng thời gian dài nhất đi làm mà không tìm được bất kỳ thông tin chuyển nhượng nào mới của Romano là 4 ngày, diễn ra hồi 2016. Tuy nhiên tới ngày thứ 5, Romano lại biết tin Pogba sẽ là người của M.U. 

XEM THÊM

Semedo & 10 bản hợp đồng bán đi đắt giá nhất của Barca

Suarez khóc nức nở chia tay Barca

SỰ KIỆN NÓNG TRONG NGÀY

    Bình Luận