Ngoại binh lấn sân cầu thủ nội
355 cầu thủ ngoại ở Serie A đến từ 67 quốc gia khác nhau. Nếu xét về khía cạnh quốc tịch và ngôn ngữ, đó quả là sự đa dạng lớn lao. Nhưng trong số này có cả những cầu thủ đến từ những nước thuộc vùng trũng về bóng đá như Gambia, Guinea, Guinea Xích Đạo, Angola, Libya, Estonia, Canada… Thậm chí hòn đảo nhỏ xíu ở Thái Bình Dương, nằm ở phía Bắc Venezuela là Martinica cũng góp tới hai đại diện ở Serie A 2020/21.
Các CLB Serie A đã nhập khẩu khá nhiều cầu thủ mà không lựa chọn kỹ, hay nói cách khác là số cầu thủ ngoại tuy đông nhưng chưa có gì nổi trội, trong khi cơ hội của cầu thủ trong nước bị hạn chế.
Cách đây gần 2 thập kỷ, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng Serie A sính cầu thủ ngoại, đến mức độ nhiều đội bóng Italia phải nhập khẩu hậu vệ, vốn là thế mạnh của nền bóng đá này. Người ta đã sớm nhìn ra chính sách ấy sẽ đưa bóng đá Italia đi vào khủng hoảng với tình trạng ngoại binh tràn ngập.
Điều ấy rốt cuộc đã trở thành sự thực, sau chức vô địch thế giới năm 2006, bóng đá Italia bước vào giai đoạn khủng hoảng tài năng trầm trọng, dẫn tới sự suy sụp tại nhiều giải đấu lớn. Từ sau VCK World Cup 2006, Azzurri thường xuyên gặp khó khăn về lực lượng ở các giải lớn, kể cả tại VCK EURO 2012 mà đội quân áo thiên thanh xuất sắc tiến vào tới chung kết. Đỉnh điểm của nỗi thất vọng là việc ĐT Italia trượt ngã ở vòng loại World Cup 2018.
Xuất khẩu cầu thủ yếu
Ở mùa giải 2020/21, chỉ có 14 cầu thủ Italia thi đấu ở 4 giải đấu lớn còn lại của châu Âu. Trong số này có tới 3 người khoác áo PSG (Moise Kean, Alessandro Florenzi và Marco Verratti), tức phần còn lại của châu Âu chỉ có 11 cầu thủ nói tiếng Italia. Đây là con số rất thấp nếu so với hai nền bóng đá láng giềng, 67 cầu thủ Tây Ban Nha đang thi đấu ở 4 giải hàng đầu (không tính La Liga), con số này với người Pháp là 107 người.
Không có người Italia chơi bóng ở La Liga. Trong số 4 cầu thủ Italia tại Premier League, chỉ Jorginho (người gốc Brazil) là có vị trí nhất định tại Chelsea. Ở Bundesliga mang tiếng là có 2 cầu thủ Italia (Daniel Caligiuri và Vincenzo Grifo), nhưng thực chất họ đều sinh ra và lớn lên tại Đức.
Thập niên 1980 và 1990, cầu thủ Italia có thể không cần xuất ngoại (mà vẫn hay) do Serie A lúc ấy là giải đấu số một thế giới. Nhưng danh hiệu ấy giờ thuộc về Premier League, nên người Italia không thể đóng cửa xuất khẩu cầu thủ. Việc xuất khẩu tài năng sang những giải đấu hàng đầu cũng là chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh chất lượng của một nền bóng đá.
Hiện tại, nhờ sự vun đắp của HLV Roberto Mancini và các cộng sự, ĐT Italia đang sở hữu một thế hệ đầy tài năng, giàu chất lượng và vẫn giữ được những thế mạnh truyền thống của bóng đá Italia. Nhưng không ai có thể khẳng định trong 5-10 năm nữa, người Italia không trở lại vết xe đổ của chính họ như giai đoạn sau VCK World Cup 2006, nếu tình trạng sử dụng ngoại binh bừa bãi hiện nay không được chấn chỉnh nghiêm túc.
Đứng đầu là ngoại binh Brazil
Trong cộng đồng 355 cầu thủ ngoại chơi bóng ở Serie A, người Brazil đông nhất với 33 cầu thủ. Trong phạm vi 5 giải đấu lớn tại châu Âu, Brazil cũng là nước cung cấp nhiều cầu thủ nhất. Số cầu thủ Brazil ở các giải đấu khác cũng rất đông: Premier League (25), Ligue 1 (23), La Liga (20) và Bundesliga (12).
3 - Trong 355 cầu thủ ngoại ở Serie A 2020/21, chỉ có 3 cầu thủ đến từ châu Á. Đó là hai hậu vệ người Nhật Bản Maya Yoshida (Sampdoria) và Takehiro Tomiyasu (Bologna) cùng tiền đạo người Uzbekistan - Eldor Shomurodov (Genoa).
XEM THÊM
Bóng ma Covid-19 đe dọa Serie A & derby Milan
Bình Luận