Hôm đó là ngày 24/4/2012, bán kết lượt về Champions League giữa Barca và Chelsea. Barca đã thua 0-1 tại Stamford Bridge ở trận lượt đi, nhưng họ đầy tự tin sẽ dạy cho Chelsea một bài học khi được trở về Nou Camp. Quyết tâm càng lớn hơn gấp bội khi trước trận đấu này chỉ 3 ngày, Barca thua Real Madrid 1-2 trong trận El Clasico và bị đẩy rất xa khỏi cơ hội lần thứ 4 liên tiếp vô địch La Liga.
Tại Nou Camp hôm đó, mành lưới Chelsea rung lên chỉ sau 35 phút bóng lăn. Không lâu sau khi chịu bàn thua, John Terry thúc đầu gối vào lưng Alexis Sanchez và nhận thẻ đỏ rời sân. Trong thế chỉ còn 10 người trên sân, Chelsea dễ dàng thua thêm 1 bàn nữa vào phút 43.
Về mặt lý thuyết: đá với Barca tại Nou Camp, trong thời điểm tiqui-taca của Pep Guardiola đang ở đỉnh cao, thua trước 0-2, chỉ còn 10 người trên sân - mọi yếu tố đều dẫn Chelsea tới một thất bại thê thảm.
Nhưng cũng trong chính thời khắc 1 phần sống 9 phần chết đó, Ramires gỡ được 1 bàn cho Chelsea. Kịch tính được đẩy lên tới ngạt thở khi Didier Drogba đốn ngã Cesc Fabregas trong vòng cấm, biếu Barca quả penalty. Trên chấm 11 m, Lionel Messi bước lên. Thế nhưng, cầu thủ có thể đá trúng một cái lon nước từ cự ly 90 m lại không sút trúng mành lưới từ cự ly chỉ 11 m, oan nghiệt.
Và rồi những diễn biến kinh điển còn lại hẳn vẫn còn hằn sâu trong tâm trí nhiều CĐV Chelsea: Phút 90+2, Fernando Torres ghi bàn kết liễu Barca. Giống như một sự trêu người của số phận, chính chủ nhân của phát biểu “Đội bóng giỏi nhất không phải luôn luôn là đội chiến thắng” lại biến câu nói của mình trở thành một sự thật kinh điển.
“Trong phòng thay đồ, lần đầu tiên tôi thấy Messi khóc”, Alexis Sanchez tiết lộ với tờ Marca sau trận hòa (mà thật ra là thua) trước Chelsea.
90 phút tại Nou Camp hôm đó sẽ mãi mãi là những nét vẽ tạo nên vẻ đẹp thật sự của bóng đá: đội mạnh nhất không phải luôn chiến thắng.
Cách đây 2 năm, thời điểm MU đang sa sút khủng khiếp sau sự ra đi của Sir Alex Ferguson, tờ Telegraph từng cho đăng tải thông tin: “Đại diện MU bắt tay cùng một số đại gia khác ở Premier League kiến nghị lên ban tổ chức trao cố định 4 vé dự Champions League cho 4 CLB thuộc nhóm Big Four”.
Phía MU lý giải rằng, nếu 4 tấm vé dự Champions League thuộc về 4 đội mạnh nhất, người Anh sẽ không phải chứng kiến những thất bại xấu mặt như của Tottenham hay Blackburn trong quá khứ.
Ý kiến này bị ném đá dữ dội, bởi nó làm mất đi vẻ đẹp cạnh tranh của bóng đá. Nếu ai cũng suy nghĩ đơn giản và ích kỷ như MU, các giải vô địch quốc gia chẳng cần phải diễn ra nữa.
Leicester có thể vô địch Premier League, Hy Lạp vô địch EURO, U23 Việt Nam vào tới chung kết AFC U23 Championship, một đội bóng chỉ còn 10 người, đang thua trước 2 bàn có thể khiến ngôi sao vĩ đại bậc nhất lịch sử bóng đá Lionel Messi phải bật khóc. Sau cùng, những gì đáng nhớ nhất của dòng chảy bóng đá đa phần thuộc về những bất ngờ như vậy.
Rất ít người nhớ MU đã từng thua Barca 1-3 ở trận chung kết Champions League năm nào, nhưng sẽ chẳng ai quên nổi "Quỷ đỏ" từng hạ Bayern trong những phút cuối thần thánh năm 1999 ra sao.
Ngay ở trận lượt đi mới đây, Chelsea lăn lộn trong cuộc khủng hoảng, Barca thì hùng bá cả La Liga. Nhưng "The Blues" mới là đội chơi hay hơn và xứng đáng với chiến thắng (thay vì chỉ một trận hòa).
Như một định mệnh, cứ lần nào Barca và Chelsea gặp nhau, họ dường như gánh thêm số mệnh làm tươi sáng lại bức tranh túc cầu giáo.
Dựa trên niềm tin như vậy, những người hâm mộ bóng đá đích thực hoàn toàn có quyền chờ đợi vào những kịch bản không tưởng tại Nou Camp đêm nay. Trận đấu giữa Barca và Chelsea vì lẽ đó xứng đáng được xem bằng mọi giá.
Bình Luận