Không có gì phải bàn cãi, Ronaldo chắc chắn là một cầu thủ vĩ đại. Nhưng, như sợ mọi người chưa tin tưởng điều đó, rất nhiều lần siêu sao người Bồ Đào Nha nhấn mạnh, rằng anh là cầu thủ hay nhất thế giới, và nếu ai nghi ngờ, hãy nhìn vào các con số.
Bây giờ, Ronaldo đã có 647 bàn thắng trong cả sự nghiệp, bao gồm 443 bàn - nhiều nhất lịch sử Real, 81 bàn - nhiều nhất lịch sử ĐT Bồ Đào Nha và 119 bàn - nhiều nhất lịch sử Champions League. Anh cũng sở hữu số lượng đồ sộ 25 danh hiệu, với 4 Champions League – bằng Lionel Messi, và 1 vô địch châu lục (Euro 2016) - hơn hẳn Messi. Ngoài ra còn vô số các kỷ lục khác.
Thế nhưng, bóng đá là môn thể thao rất phức tạp trong đánh giá. Johan Cruyff, Ferenc Puskas, Zinedine Zidane hay Diego Maradona, tất cả đều nhận được sự sùng bái hơn hẳn Ronaldo, dù về mặt con số đều không bằng, thậm chí kém xa. Tại sao vậy?
Những người hâm mộ vốn không xem bóng đá dưới góc độ của các kế toán để bắt buộc phải lưu ý tới các con số thống kê. Khi thời gian trôi đi, họ sẽ chỉ nhớ về những khoảnh-khắc-vĩ-đại, sau đó định nghĩa huyền thoại dựa trên điều đó.
Ronaldinho sẽ được nhớ mãi về cú hat-trick vào lưới Real Madrid tại Bernabeu, khiến các CĐV chủ nhà cũng phải vỗ tay tán thưởng, cùng bàn thắng trước tuyển Anh tại World Cup 2002. Về Puskas, người ta nghĩ ngay tới cú giật gót và dứt điểm siêu hạng tung lưới tuyển Anh trong chiến thắng 4-3 của Hungary năm 1953.
Diego Maradona thì khỏi nói, ngay sau pha lập công “Bàn tay của Chúa” là pha solo ảo diệu qua 5 hậu vệ Anh rồi ghi bàn tại World Cup 1986 - một bàn thắng luôn được ca tụng là đẹp nhất mọi thời đại, hay còn gọi là “bàn thắng thế kỷ”.
Còn Zidane, huyền thoại người Pháp không chắc sẽ vĩ đại như vậy nếu không có cú volley thần sầu trong trận chung kết Champions League 2002 trước Leverkusen. Không cần nhắc đến cú đúp ở chung kết World Cup 1998, chỉ riêng pha làm bàn này cũng đủ phong thánh cho Zizou.
Và Messi, một trong những nguyên nhân khiến người ta luôn đánh giá cầu thủ này nhỉnh hơn Ronaldo, vì để lại quá nhiều dấu ấn đặc biệt, từ cú đột phá trận gặp Real tại bán kết Champions League năm 2011 đến pha solo qua 4 cầu thủ Bilbao ở Cúp nhà Vua 2015, hoặc màn tái hiện bàn thắng của Maradona trước Getafe năm 2007.
Riêng với Cruyff, thậm chí Thánh Johan không cần ghi bàn vẫn trở thành bất tử với cú quay bóng “Cruyff turn” do chính ông sáng tạo nên, đánh lừa hậu vệ Jan Olsson trận gặp Thụy Điển.
Vậy Ronaldo có gì? Trong kho tàng đồ sộ các bàn thắng của anh, không nhiều khoảnh khắc thực sự đặc biệt, hoặc có tính thẩm mỹ cao, để có thể khắc sâu trong tâm trí người hâm mộ. Chung kết Champions League 2016/17, cả hai pha lập công đều là những pha đệm bóng không quá bắt mắt. Các trận chung kết 2015/16 và 2013/14, người hùng là Sergio Ramos, không phải Ronaldo. Ngay cả đêm đăng quang cùng tuyển Bồ Đào Nha, chủ nhân của bàn thắng lịch sử là cầu thủ vô danh Eder.
Trong những năm gần đây, khi chuyển đổi thành tiền đạo cắm, những siêu phẩm của Ronaldo ngày càng ít. Thay vì đi bóng qua vài cầu thủ hoặc sút xa, nó thường là các cú đánh đầu, đá phạt đền hoặc dứt điểm cận thành.
Là một người luôn khao khát trở thành giỏi nhất, Ronaldo tất nhiên không cam chịu điều này. Và đêm thứ ba trước Juventus, khoảnh khắc vĩ đại đã được sản sinh.
Anh tung mình lên không, dừng lại đôi chút như thể muốn nói với tất cả, hãy chú ý giây phút này, rồi thực hiện cú ngả bàn đèn ngoạn mục vào lưới siêu thủ môn Gianluigi Buffon. Một bàn thắng phi thường, không thể tin nổi và hoản hảo về mọi mặt. Bạn rất khó có cơ hội chứng kiến điều gì tương tự trong nhiều năm sau nữa.
Chính thời khắc ấy, sự vĩ đại tuyệt đối của Ronaldo đã được minh định. Giờ thì không còn bất cứ tranh cãi nào nữa, siêu sao người Bồ Đào Nha đã tìm được một vị trí trang trọng trong ngôi đền thiêng dành riêng cho nhóm nhỏ các huyền thoại.
Bình Luận