Ở trận lượt đi, Atletico đã chơi hay hơn M.U rồi. Chẳng qua, kết quả 1-1 tại Madrid hoàn toàn không phản ánh đúng trận ấy. M.U “chịu trận” suốt 80 phút, rồi bất ngờ gỡ hòa nhờ công của cầu thủ vào sân từ ghế dự bị Anthony Elanga. Cầu thủ này thi đấu không nhiều, cũng chẳng có giá trị đáng kể gì. Nhưng tóm lại, anh đã cứu M.U thoát khỏi thất bại trên sân đối phương, nên anh phải có một chỗ trong đội hình chính. Một chỗ khác đương nhiên phải là vị trí trung phong của Cristiano Ronaldo, vừa lập hat-trick giúp M.U thắng Tottenham 3-2 ở Premier League. Đấy là các chi tiết coi như mặc nhiên. Còn lại, ai đứng ở đâu và M.U chơi theo kiểu gì, đều là ngẫu nhiên cả. M.U bây giờ là một đội bóng như vậy.
Nhìn chung, M.U - Atletico là một trận đấu tẻ nhạt. Vì sao như thế, lại hơi phức tạp. Một mặt, Atletico phải làm khách tại Old Trafford, và phải bảo vệ tỷ số khi bước vào hiệp hai với ưu thế tạm dẫn 1 bàn. Nếu Diego Simeone ưu tiên phòng thủ an toàn thì đấy chỉ là một lẽ dĩ nhiên. Owen Hargreaves chê Atletico “hoàn toàn tầm thường” vì anh cho rằng phải đá đẹp mắt, tích cực tấn công, thắng đậm, mới gọi là hay?
Renan Lodi ghi bàn duy nhất cho Atletico Madrid ở phút 41, từ một pha phối hợp “đúng chuẩn” với Antoine Griezmann, và từ đó trở đi, coi như Atletico không cần “chơi bóng” nữa. Huyền thoại Arrigo Sacchi từng giảng trong một giáo trình bóng đá: “Hễ Juventus mở tỷ số ở phút thứ 5, thì bóng đá bị bóp chết trong 85 phút còn lại. Làm được như thế, mới là chuẩn mực của Calcio. Giới hâm mộ Italia đến sân để xem, và sẽ được xem, nghệ thuật “bóp chết bóng đá” trong suốt trận đấu, của đội bóng ưu tú nhất Calcio”. Atletico dĩ nhiên không phải là Juventus, không thuộc về Calcio. Nhưng cũng chẳng khác: đây là Champions League, giải đấu số 1 thế giới về đẳng cấp chuyên môn. Nếu như Owen Hargreaves không hiểu Atletico Madrid hoặc Diego Simeone hay ho chỗ nào, thì đấy là vấn đề của anh ta!
Atletico phòng ngự kiên định đến nỗi, khi đưa tin về chuyện khán giả Old Trafford ném nước và đồ ăn về phía HLV Simeone, giới truyền thông gán luôn nguyên nhân: người ta nổi giận trước cách chơi của Atletico. Vâng, đấy hẳn nhiên là cách chơi khó chịu, đáng ghét, trong mắt người xem!
Thật ra, Simeone xuất sắc thế nào, thiên hạ đã biết hơn chục năm rồi. Thoạt nhìn, chiến thắng này là “đúng chuẩn Simeone” không chỉ vì cách phòng ngự chủ động của Atletico, mà còn vì họ đi tiếp với tỷ số 1-0 cực kỳ đặc trưng. Nhưng chính vì cả thế giới đã hiểu rõ Simeone suốt chục năm qua, nên phải nói thêm: chẳng có gì là khó khăn trong chiến thắng này. Phòng thủ “kiểu Simeone” luôn là cách chơi không khó. Thắng bằng con đường tấn công, sáng tạo, mới khó. Simeone quá may mắn khi đội Atletico “trong giai đoạn suy thoái” của ông chỉ phải tranh vé vào tứ kết Champions League với M.U - một đội bóng ô hợp, chẳng khác gì rắn mất đầu trong những ngày này.
Simeone đáng khen nhất ở chỗ ông quá kiên định. HLV khác sẽ không cưỡng được lời mời tràn lên tấn công để đè bẹp M.U, thắng “lấy tiếng”. Atletico thật ra chẳng cần làm gì, bởi M.U hoàn toàn không có khả năng sáng tạo, không biết nên tấn công kiểu gì, cũng không biết cách phòng thủ. Atletico thắng “đúng kiểu Simeone”, giữ nguyên mành lưới, trong một mùa bóng bết bát nhất từng thấy của thủ môn Jan Oblak!
Đấy chưa phải là Atletico “chuẩn”
Atletico Madrid mùa này không bao giờ là đội “chuẩn Simeone”. Chưa bao giờ Atletico của Simeone thủng lưới nhiều như hiện nay. Trong mùa đầu tiên Simeone cầm quân trọn vẹn (2012/13), Atletico thủng lưới 31 bàn ở La Liga. Từ đó đến hết mùa bóng vừa qua, số bàn thua của Atletico ở La Liga chỉ là 29, 18, 27, 22, 29, 27, 25. Mùa này, họ đã thủng lưới 36 bàn chỉ sau 28 trận ở La Liga.
Simeone phải… bỏ chạy
Báo giới có hơi phóng đại khi đưa tin HLV Diego Simeone của Atletico Madrid “bị tấn công” khi ông chạy vào đường hầm sau trận thắng M.U 1-0. Dù sao đi nữa, quả có chuyện giới hâm mộ M.U bực tức ném tung tóe vài chai nước về phía Simeone. Đi kèm theo đó là những lời lẽ miệt thị dành cho cả Simeone lẫn Atletico. Dứt trận, Simeone phải nhanh chóng chạy vào đường hầm, và ông tiếp tục bị ném nước hoặc thức ăn trên đường chạy.
0. Đây chỉ là lần thứ 3 trong sự nghiệp, Cristiano Ronaldo chơi đủ 90 phút mà không sút được quả nào ở trận địa Champions League (lần đầu là trận M.U - Panathinaikos năm 2003; trận còn lại là Real - Barcelona năm 2011).
Bình Luận