Trận chung kết hoàn hảo
Chứng kiến thời khắc Kevin De Bruyne bật khóc sau khi nhận ra bản thân không thể tiếp tục thi đấu mới thấy Chelsea đã chơi trận chung kết Champions League vào rạng sáng qua tốt đến nhường nào. De Bruyne hiểu rằng, nếu không có anh trên sân thì cơ hội để Man xanh khoan thủng tấm lá chắn thép mà Thomas Tuchel tạo ra là bất khả thi. Và thực tế đã chứng minh, De Bruyne khóc cho bản thân, khóc luôn cho cả đội.
The Blues đã giăng ra một hệ thống phòng ngự chặt chẽ và khoa học tới mức khiến đội bóng ghi bàn nhiều thứ nhì Champions League mùa này thậm chí còn không có nổi tư thế dứt điểm thoải mái nhất mỗi khi có cơ hội. Mọi nỗ lực, từ cá nhân đến tập thể, của Man City nếu có may mắn vượt qua chốt chặn N’Golo Kante, thì cũng không thể phát triển thành một tình huống bóng tạo ra nguồn cảm hứng cho toàn đội. Rõ ràng là Chelsea đã xây dựng được một hệ thống phòng ngự hoàn hảo và chuẩn bị tất cả các phương án tối ưu nhất để ngay cả khi Thiago Silva bất ngờ phải rời sân, mọi thứ vẫn trơn tru, chặt chẽ.
Chúng ta có một thống kê: Với chỉ 0,31 bàn thua/trận tại Champions League mùa này, Chelsea chính là nhà vô địch với tỉ lệ bàn thua/trận thấp thứ 3 lịch sử cúp châu Âu. 2 CLB lên ngôi mà thua ít hơn Chelsea là Milan (0,17 bàn/trận, mùa 1993/94) và Aston Villa (0,2 bàn/trận, 1981/82).
Chắn chắn trong phòng ngự là nền tảng mấu chốt để Chelsea chuyển trạng thái mượt đến mức ngay cả những người đã hình dung ra cách The Blues thi đấu cũng vẫn phải ngỡ ngàng. Nhìn cách các cầu thủ Chelsea dâng lên theo hàng lối chuẩn chỉnh, cách mà Timo Werner chạy chỗ hút người, Kai Havertz ra dấu trước khi chạy chỗ, có cảm giác The Blues là một cỗ máy vận hành ăn khớp từng bánh răng, với tỉ lệ sai số cực thấp.
Có một cột mốc lịch sử được lập ra sau khi Kai Havertz ghi bàn: Havertz 21 tuổi, nhận đường chuyền từ Mason Mount 22 tuổi để ghi bàn, và đây chính là pha kết hợp tạo thành bàn thắng trẻ nhất trong lịch sử Champions League ở một trận chung kết. Nếu tính toàn bộ lịch sử cúp châu Âu thì lần gần nhất có một sự kết hợp tạo thành bàn thắng trẻ hơn cặp Havertz-Mount là vào ngày 27/5/1964, khi Giacinto Facchetti (Inter Milan, 21 tuổi) chuyền cho Sandro Mazzola (21) ghi bàn vào lưới Real Madrid.
Hành trình đáng tự hào
Và tất nhiên, chức vô địch Champions League không thể trao chỉ sau một trận đấu hay. Nó là thành quả của cả một quá trình, và với Chelsea, đó là một hành trình đầy tự hào.
Tại vòng bảng, Chelsea thắng CLB 3 lần vô địch Europa League, Sevilla với tổng tỉ số 4-0 sau 2 lượt trận, đi tiếp trên tư cách đội nhất bảng. Vòng 1/8, họ chạm trán cựu á quân Champions League, nhà tân vô địch La Liga Atletico Madrid. The Blues cũng đi tiếp bằng 2 thắng lợi, không thủng lưới bàn nào.
Ở tứ kết, Chelsea đụng độ CLB năm xưa từng được Jose Mourinho đưa lên ngai vàng Champions League, Porto. Một chút bối rối đã khiến The Blues thua trận đầu tiên và cũng là duy nhất ở Champions League mùa này, nhưng họ vẫn đi tiếp. Thách thức được đẩy lên tới cực đại khi ở vòng bán kết, Chelsea phải chạm trán CLB từng 3 lần liên tiếp vô địch Champions League, Real Madrid.
Real có thể coi là bài test trình độ để kiểm chứng Chelsea đã thật sự vươn tầm châu Âu hay vẫn chỉ là một ông lớn Premier League. Và bằng trận hòa có bàn thắng tại Alfredo Di Stefano rồi sau đó thắng tuyệt đối ở Stamford Bridge, The Blues chứng minh cho cả thế giới thấy việc họ có mặt ở chung kết Champions League là tuyệt đối xứng đáng.
Hành trình kiểm chứng năng lực với độ khó tăng dần của Chelsea khép lại bằng trận đấu xuất sắc bậc nhất mùa này vào rạng sáng qua. Trong lịch sử Champions League, không ít nhà vô địch chơi hay cả quá trình, nhưng đuối rõ rệt ở bài kiểm tra cuối cùng. Chelsea thì khác, họ giữ được sự ổn định cả về lối chơi, tinh thần, tâm lý xuyên suốt giải đấu, bất chấp từng trải qua biến động lớn trên băng ghế huấn luyện. Cách mà Chelsea leo lên ngai vàng Champions League xứng đáng được coi là mẫu mực trong lịch sử.
Quý ngài chung kết
Chelsea xứng đáng được gọi là quý ngài của những trận chung kết cúp châu Âu, với thành tích vô địch tới 6 lần trong… 7 trận chung kết từng góp mặt. 4 trong 6 lần Chelsea vô địch cúp châu Âu đến trong kỷ nguyên của ông chủ Roman Abramovich, gồm Champions League 2020/21, 2011/12, Europa League 2012/13, 2018/19.
1. Christian Pulisic vừa trở thành cầu thủ người Mỹ đầu tiên trong lịch sử bước lên ngai vàng Champions League. Trong khi đó, Edouard Mendy trở thành thủ môn đầu tiên trong lịch sử ngay mùa ra mắt Champions League đã có 9 trận sạch lưới.
Bình Luận