Các máy quay có thể tập trung vào Thomas Tuchel và Zinedine Zidane tại Stamford Bridge vào đêm nay, nhưng quả bom European Super League đã hướng sự chú ý vào một số ít những người đàn ông thực sự nắm quyền kiểm soát các CLB lớn nhất châu Âu.
Real Madrid và Chelsea là hai trong số đó, và cả hai đều là thành viên sáng lập của Super League. Hai người đàn ông quyền lực là chủ tịch Florentino Perez của Real và chủ sở hữu Roman Abramovich của Chelsea, có những lý do rất khác nhau để tham gia vào giải đấu ly khai của những CLB ưu tú nhất.
Trong khi Perez được coi là một trong những kiến trúc sư quan trọng của cuộc đảo chính Super League, thì Chelsea của Abramovic là một trong số CLB đầu tiên tuyên bố ly khai, thứ đã kích hoạt các cuộc biểu tình của NHM bên ngoài SVĐ.
Sếp tốt và sếp xấu? Không hẳn. Abramovich thường không phải là một ông chủ luôn tìm kiếm mối quan hệ thân thiết với những CĐV của mình, bất chấp sự nổi tiếng của ông ta. Trong khi đó, Perez là một chủ tịch được bầu đầy quyền lực, nhưng lại không thực sự sở hữu CLB mà mình dẫn dắt.
Hai người đàn ông này có tầm nhìn rất khác nhau về bóng đá - ngay cả khi cả hai đều cùng đuổi theo một mục tiêu.
Perez và Abramovich khởi đầu khiêm tốn
Thật trùng hợp, cả hai tỷ phú này đều bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật. Là một kỹ sư xây dựng thương mại, Perez tham gia chính trị với tư cách là Ủy viên hội đồng thành phố Madrid và là ứng cử viên trong cuộc tổng tuyển cử ở Tây Ban Nha trước khi chuyển sang ngành xây dựng.
Ông hiện là chủ tịch kiêm chủ sở hữu của ACS, một trong những công ty xây dựng hàng đầu thế giới. Giá trị tài sản ròng của ông ta ước tính khoảng 2,2 tỷ đô la (1,8 tỷ euro).
Abramovich cũng là một kỹ sư và sau một thời gian ngắn làm việc trong quân đội Liên Xô, ông đã bắt đầu hành trình kinh doanh của mình bằng cách bán vịt cao su ở căn hộ ở Moscow của mình.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, ông mua lại một nửa công ty dầu khí Sibneft với giá 100 triệu USD, mặc dù nó được định giá hàng tỷ USD vào thời điểm đó. Giá trị tài sản ròng vốn đã đáng kể của ông sau đó còn tăng vọt vào năm 2005 khi bán cổ phần của mình cho Gazprom với giá 8,5 tỷ euro.
Cả Abramovich và Perez đều bị cáo buộc không phải lúc nào cũng tuân thủ các chính sách pháp luật, và các doanh nghiệp của cả hai đều dính chặt vào bộ máy chính trị ở Nga và Tây Ban Nha.
Abramovich có mối liên hệ mật thiết với cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin và nhanh chóng liên kết với Vladimir Putin để tránh một cuộc đàn áp nhằm vào các nhà tài phiệt sau khi Yeltsin từ chức vào năm 1999. Năm 2008, Abramovich thừa nhận đã trả hàng tỷ đô la để đổi lại các ưu đãi chính trị.
Trong khi đó, ACS của Perez thường xuyên trúng các hợp đồng xây dựng của chính phủ ở Tây Ban Nha, đặc biệt khi José María Aznar là thủ tướng. Với tư cách là chủ tịch Real Madrid, ông đã gây tranh cãi khi tiến hành việc bán 500 triệu euro sân tập của CLB, địa điểm sau đó trở thành khu tài chính mới của thành phố, nơi công ty của ông giành được đa số hợp đồng xây dựng lớn.
Động cơ của họ là gì?
Theo đó, động cơ của bộ đôi này trong việc điều hành 2 CLB bóng đá không hoàn toàn chỉ vì niềm đam mê cháy bỏng dành cho bóng đá. Thủ tướng Tây Ban Nha không phải là vị chính khác cấp cao duy nhất mà Perez thường mời đến xem các trận đấu ở Madrid.
Vào các ngày thi đấu, ông ta sử dụng Santiago Bernabeu làm căn cứ để thực hiện các giao dịch kinh doanh trong và ngoài thế giới bóng đá. Vị trí của Perez tại Real cho ông quyền miễn trừ gần như ngoại giao, và ông ta được cho là đã từng nói với chính trị gia Matilde Fernandez của Đảng Xã hội rằng: "Real Madrid là một thương hiệu Tây Ban Nha của chính phủ."
Về phía Abramovich, người ta suy đoán rằng việc ông mua Chelsea vào năm 2003 thậm chí có thể được thúc đẩy bởi sự buồn chán. Rốt cuộc, một người đàn ông với tài sản ròng 15 tỷ đô la không mua một thứ ngốn tiền hơn con nghiện như một CLB bóng đá nhằm để làm kinh tế.
Dan Silver, phát ngôn viên của hội CĐV Chelsea Supporters Trust nói: “Tôi không nghĩ việc tiếp quản này được thúc đẩy bởi động cơ kiếm tiền. Có thể ông ấy chỉ muốn mua cho mình một bộ đồ chơi đẹp, nhưng Roman rất kín tiếng, mọi thứ về ông ta đều là phỏng đoán".
Thật vậy, Abramovich có thể có một động cơ tinh vi hơn nhiều để mua một CLB bóng đá Premier League có trụ sở tại London, cụ thể là sự bảo vệ chính trị xã hội và địa vị mà vị trí đó đảm bảo. Và ông ta không phải là người duy nhất tính như thế.
Vào tháng 9 năm 2018, Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang của Nga phát hiện ra rằng các nhà đầu tư Nga kiểm soát khối tài sản trị giá 3,5 tỷ USD ở Vương quốc Anh. Văn phòng Thống kê Quốc gia của Vương quốc Anh đưa ra con số còn lớn hơn, lên đến 25 tỷ USD.
Theo các số liệu được báo cáo bởi tờ The Guardian vào năm 2018, lượng tiền của người Nga đã đem đến Vương quốc Anh thông qua các thiên đường rửa tiền ngoài khơi Thái Bình Dương như quần đảo Cayman là gần 70 tỷ đô la.
Trên thực tế, nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty đã ước tính rằng hơn một nửa tổng tài sản của những người Nga giàu nhất - khoảng 800 tỷ USD - được nắm giữ bên ngoài nước Nga.
Bản thân Abramovich đã có nhiều năm sống và làm việc tại Vương quốc Anh bằng thị thực nhà đầu tư, giống như các doanh nhân nước ngoài giàu có. Sau khi bán tài sản lớn cuối cùng ở Nga cho Gazprom ngay sau khi mua lại Chelsea, ông ta muốn biến London thành nơi định cư lâu dài của mình.
Nhưng thị thực của ông ta đã không được gia hạn sau căng thẳng giữa Nga và Anh vào năm 2018, và sau đó ông ta đã nhập quốc tịch Israel. Sự thay đổi này cũng chứng kiến nhà tài phiệt gật đầu trong việc xây dựng lại sân Stamford Bridge trị giá 575 triệu euro.
Sức mạnh tuyệt đối?
Thoạt nhìn, cơ cấu sở hữu của Real Madrid gần giống với mô hình 50+1 của bóng đá Đức. Họ vẫn là 1 trong 4 CLB ở Tây Ban Nha được miễn luật năm 1990, thứ yêu cầu tất cả các CLB thể thao phải trở thành PLC (công ty TNHH đại chúng) thuộc sở hữu tư nhân. Việc thuộc sở hữu của NHM (socio) cũng giúp Real được giảm thuế 5% so với các đối thủ cạnh tranh.
Real Madrid có hơn 9 vạn "socio", tức các thành viên đóng tiền hàng năm, và đây là đối tượng chính thức sở hữu toàn bộ CLB, có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử chức chủ tịch. Một "đại hội thành viên" gồm 2.000 người sẽ giải quyết những vấn đề phức tạp hơn như phê duyệt ngân sách CLB và có quyền kỷ luật chủ tịch.
Việc thực sự trở thành chủ tịch của Real không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Có một số giới hạn để hạn chế tranh cử, bao gồm việc cá nhân đảm bảo đem về 15% ngân sách của CLB.
Trong 18 năm nắm quyền, Perez đã thực hiện một số điều chỉnh đối với các quy định nhằm gây khó khăn cho những thế lực muốn thách thức quyền lực của ông. Ví dụ, một ứng cử viên chủ tịch hiện cần phải là một thành viên tích cực trong 20 năm, trái ngược với yêu cầu trước đó là 10 năm.
Mọi thứ đơn giản hơn một chút đối với Abramovich. Ông mua Chelsea vào năm 2003 với giá ước tính 160 triệu euro, vào thời điểm đó là giá bán kỷ lục ở Premier League. Kể từ khi được tiếp quản, giá trị của CLB đã tăng vọt lên ước tính 3,2 tỷ USD, theo Forbes.
CLB đã được niêm yết trên một thị trường phụ của Sở giao dịch chứng khoán London và Abramovich đã phải mua lại nhiều cổ đông để biến Chelsea thành sở hữu tư nhân. Hiện ông sở hữu toàn bộ CLB (bao gồm cả cơ sở hạ tầng và tên của CLB) và là cổ đông duy nhất.
Trong khi hai nhà tài phiệt này đều sẵn sàng chi lớn trên thị trường chuyển nhượng, Chelsea có xu hướng tập trung vào những tài năng mới nổi và những mục tiêu kỳ quặc.
Còn Perez là người chịu trách nhiệm mở ra kỷ nguyên "Galacticos" vào đầu những năm 2000, đưa những siêu sao như Luis Figo, Zidane, Ronaldo và David Beckham về sân Bernabeu. Chuyển nhanh đến năm 2021, Perez thừa nhận rằng ông đã để mắt đến Kylian Mbappe và Erling Haaland trong kỳ chuyển nhượng sắp tới.
Cái giá của sự nổi tiếng
Hai ông chủ này thậm chí còn có những cách tiếp cận tương phản hơn đối với việc làm hình ảnh trước công chúng.
Perez chưa bao giờ ngại ngần công bố kế hoạch của mình với báo giới hay sẵn lòng chụp ảnh chụp chung với những người giàu có và nổi tiếng. Ở Madrid, hiếm khi ông bị các nhà báo địa phương chỉ trích và Perez luôn có mặt khi Real ký hợp đồng với cầu thủ mới.
Ngược lại, Abramovich thường trốn tránh ánh đèn sân khấu. Trên thực tế, trong một cuộc phỏng vấn với Forbes, ông đã ám chỉ việc hối tiếc khi đã hơi nổi tiếng nhờ việc mua CLB Chelsea. Mặc dù Abramovich thường xuyên có mặt ở các trận đấu trên sân nhà trước khi có vấn đề về thị thực, song ông ta dường như không muốn thể hiện mình là bộ mặt của CLB.
Mặc dù ẩn dâtj, Abramovich vẫn cực kỳ nổi tiếng trong số các cổ động viên Chelsea. Silver nói: “Roman không lường trước được sự nổi tiếng của mình. Tôi đã từng bắt tay ông ấy trên sân cỏ và trông ông ta như một con thỏ lúng túng trong ánh đèn pha. Tôi cũng chỉ được nghe ông ta phát biểu một lần.
Ông ấy là một người chủ tuyệt vời đối với chúng tôi. Abramovich đã biến đổi CLB và là một trong những chủ sở hữu tốt nhất trong bóng đá. Ông ấy có vai trò rất lớn trong việc Chelsea giành chức vô địch Champions League ở Munich năm 2012. Ngoài ra, Abramovich là một NHM nhiệt thành và đã làm rất nhiều điều tốt cho cộng đồng, đặc biệt là trong thời điểm đại dịch".
Còn Perez cho thấy mình hoàn toàn không liên lạc với NHM trong giai đoạn Super League thất bại. Nếu như Chelsea, sau các cuộc biểu tình của NHM bên ngoài SVĐ, là một trong những CLB đầu tiên tuyên bố ý định từ bỏ Super League, thì Perez vẫn bất chấp.
Super League là đứa con tinh thần của ông ta, là giải pháp cho những vấn đề tài chính to lớn của CLB và là cách để ngăn Real tụt lại phía sau những gã khổng lồ châu Âu khác trên thị trường chuyển nhượng. Ông ta đã từ chối thừa nhận thất bại, hy vọng rằng dự án sẽ tiếp tục cho đến khi thành công.
Lập trường này khiến Perez bị những NHM Real chỉ trích trên mạng xã hội nhưng vẫn không có khả năng ông ta sẽ sẵn sàng rời bỏ vị trí của mình hoặc quyền lực của ông ta bị thách thức ở CLB.
Bất chấp việc cùng tham gia Super League, cả hai người luôn coi việc giành chức vô địch Champions League là ưu tiên hàng đầu của họ. Khi hai bên gặp nhau dưới ánh đèn pha ở London vào đêm thứ Tư, sẽ chỉ có một người chiến thắng trên sân.
Bình Luận