CÁC TINH HOA CHÂU ÂU RUN RẨY VÌ PREMIER LEAGUE
Chung kết Champions League năm nay giữa Man City và Chelsea khiến các quyền lực truyền thống của lục địa già thêm lo sợ về cái gọi là quyền lực tối cao của Premier League và giải thích lý do tại sao họ vẫn cứ bám vào giấc mơ Super League đã chết.
HLV Pep Guardiola ngày càng càng tỏ ra cáu kỉnh khi cho rằng thành công của Man City là nhờ tất cả vào số tiền gần 2 tỷ bảng mà Tập đoàn Abu Dhabi United đã rót vào CLB trong 13 năm qua. “Đó không chỉ là vấn đề tiền bạc. Nếu muốn nghĩ như vậy, thì các người đã sai”, Pep khẳng định cách đây chưa lâu.
Chưa hết, trong trận chung kết Champions League đã diễn ra vào rạng sáng 30/5 tại Porto ấy, Man City đã thua đội bóng duy nhất chi nhiều tiền hơn họ trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm ngoái - Chelsea, đội bóng của tỷ phú người Nga gốc Israel Roman Abramovich.
Nếu Villarreal không đánh bại Arsenal để bước vào trận chung kết Europa League với Man United tại Gdansk vào đêm thứ Tư vừa qua, hai trận chung kết giải đấu lớn của châu Âu sẽ được gán định danh “Toàn Anh” lần thứ hai trong 3 mùa giải. Đây là điều mà các quyền lực già cỗi của châu Âu từ lâu đã lo sợ: Premier League với cơ bắp tài chính linh hoạt sẽ chiếm đoạt thế giới sân cỏ và gặt hái thành quả từ nó.
“Real Madrid và Juventus nhận ra điều gì đang xảy ra. Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất trở thành hiện thực”, Josh Robinson của tờ Wall Street Journal nhận xét.
Đồng tác giả của cuốn sách “The Club: How the Premier League Became the Richest, Most Disruptive Business in Sport” phân tích: “Họ biết rằng các CLB hàng đầu của Premier League có thể tạo ra nhiều tiền hơn hàng năm, đặc biệt là từ hợp đồng bản quyền truyền hình, và sau đó làm loạn thị trường chuyển nhượng cầu thủ và HLV.
Các CLB châu Âu khác đang xem xét thành tựu của các CLB Anh và họ nghĩ rằng, đó chính là những thứ họ đã có vào cuối những năm 2000, khi còn thống trị châu Âu. Bây giờ họ đang tự hỏi: Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách đó? Làm thế nào để biến giải đấu của mình thành Premier League? Làm thế nào để lấy lại quyền thống trị?
Nhưng họ không thể lấp đầy hố sâu tài chính đã được đào sâu hơn trong những năm gần đây. Serie A không thể đẻ ra tiền từ truyền hình như Premier League và La Liga cũng vậy. Đó là lý do tại sao Juve, Madrid và Barcelona rất quan tâm đến Super League”.
Thật vậy, dù đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến giới tinh hoa của Premier League, nhưng nó còn tàn phá nhiều đối thủ của họ ở châu lục nặng nề hơn, phơi bày một cách tàn nhẫn mô hình tài chính mong manh mà thành công của những CLB đó được đặt lên.
Inter đã vô địch Serie A vào đầu tháng này nhưng các chủ sở hữu người Trung Quốc đang bị buộc phải cắt giảm chi phí, trong khi Juve có một quyết định lớn trong mùa hè này liên quan đến Cristiano Ronaldo, người vẫn còn một năm trong hợp đồng và mức lương 32 triệu bảng Anh/năm.
Real Madrid đã không chi một xu nào trong 2 kỳ chuyển nhượng vừa qua, nhưng những lo ngại về kinh tế của họ chẳng là gì so với Barca, đội đang mắc nợ hơn 1 tỷ euro. Vì vậy, trong thời kỳ bất ổn lớn về tài chính, không có gì ngạc nhiên khi các siêu cường già cỗi của châu Âu tìm kiếm sự đảm bảo bền vững.
CANH BẠC EUROPEAN SUPER LEAGUE CHẾT TỪ TRỨNG NƯỚC
Vào thứ Sáu, ngày 16/4, UEFA và Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA) đã đồng ý một thể thức mới cho Champions League được cải tiến từ năm 2024 trở đi, đảm bảo các CLB ưu tú sẽ có nhiều trận đấu hơn với các đối thủ khác trong một vòng bảng mở rộng. Nhưng điều đó dường như vẫn không đủ để làm hài lòng chủ tịch Andrea Agnelli của Juventus và người đồng cấp Florentino Perez tại Real Madrid.
Vì vậy, trong lúc tuyệt vọng, họ đã quay lưng lại với UEFA và vội vàng khởi động European Super League (ESL) ngay trước nửa đêm ngày 18/4/2021, với sự hỗ trợ của 10 CLB châu Âu khác. Giải đấu sụp đổ chỉ 48 giờ sau đó trong bối cảnh phản ứng gay gắt từ những người ủng hộ, chủ yếu là ở nước Anh.
“Khi nói chuyện với những người tham gia ESL, tôi biết rằng họ đã tính toán đến sự phản đối của NHM nhưng vẫn tự tin sẽ vượt qua nó. Tuy nhiên, những gì họ không mong đợi là sự ủng hộ chính trị. Một khi những người như Thủ tướng Anh Boris Johnson phản đối, ESL sẽ bị tiêu diệt”, Robinson tiết lộ.
Và hiệu ứng áp đảo của việc ra mắt ESL cũng không giúp được gì. “Không ai ngạc nhiên khi Super League cuối cùng cũng ra đời, nhưng điều đáng ngạc nhiên là họ đã thực hiện nó thật tồi tệ. Juve và Real đã mất nhiều năm để chuẩn bị song những gì họ trình bày lại là một thông cáo báo chí quá tệ trên một website rẻ tiền.
Mức độ nghiệp dư tương phản hoàn toàn với số tiền liên quan. Như thể động cơ của vụ này là quá gấp gáp, không thể trì hoãn được hoặc là họ cho mình là bố đời, ý tưởng tuyệt vời rồi thì chẳng cần mất công tiếp thị ra trò làm gì. Tôi nghĩ điều đó cho thấy nhiều CLB không được điều hành bởi những người đặc biệt thông minh.
Có cả những giả thuyết cho rằng đó là một động thái nắn gân kỳ công của các CLB lớn nhằm giành quyền kiểm soát nhiều hơn tại các giải đấu của UEFA. Nhưng điều đó không đúng: họ thực sự đã cố gắng rời UEFA”, nhà báo Ronan Evain của Football Supporters Europe phân tích.
Và động thái đó đã phản tác dụng. Vị trí của Perez tại Madrid có thể được đảm bảo, nhưng nhiệm kỳ chủ tịch của Agnelli vẫn đang gặp nguy hiểm ở Turin. Người Ý cảm thấy mất thể diện, uy tín và bạn bè ở UEFA và châu Âu sau vụ đảo chính bất thành này.
Tuy nhiên, cái giá lớn nhất của vụ này lại nằm ở tình tiết: đám quyền lực thủ cựu ở châu Âu đã lật con át chủ bài của mình trong canh bạc với UEFA, thứ vốn từ lâu được coi là mối đe doạ lâu dài về một liên minh ly khai, nhưng vẫn thua cuộc.
Ý tưởng về Super League từ lâu đã chứng minh tính hữu ích khi dùng để gây sức ép với BTC các giải đấu trong nước hay ở châu lục nhằm có nhiều quyền lực hơn, được chia các miếng bánh to hơn. Tuy nhiên, giờ đây các giải đấu như Premier League đang có kế hoạch thực hiện những thay đổi đối với luật lệ của họ để ngăn cản bất kỳ thành viên nào khác tham gia vào một thứ tương tự.
Nhà báo bóng đá Andy West nói: “Thật khó để biết Real và Barca sẽ làm gì tiếp theo bởi vì họ đã chơi tất tay, và điều đó thật tồi tệ. Dự án ESL rõ ràng là chưa sẵn sàng khởi động bởi Bayern Munich và PSG vẫn chưa gật đầu, mà đây là 2 trong số những thị trường lớn nhất châu Âu.
Việc họ không có mặt trong hội đồng quản trị đã phá hoại dự án ngay từ đầu, và sau đó khiến các CLB bóng đá Anh rút lui dễ dàng hơn nhiều khi phải đối mặt với áp lực từ các chính trị gia và NHM. Đáng lẽ ra, Hội 12 đã có thể đưa ra một màn thể hiện tốt hơn, với những lập luận mạnh mẽ hơn.
Nhưng phát ngôn đầu tiên lại là của Perez trong chương trình truyền hình lá cải bị thổi phồng hài hước nhất ở Tây Ban Nha là El Chiringuito. Không ai xem chương trình này là nghiêm túc và Perez đã chọn nó làm diễn đàn để trình bày kế hoạch về ESL. Đó là một trò đùa.
Nếu bạn muốn thu hút sự ủng hộ cho một dự án động trời chắc chắn sẽ gây nhiều tranh cãi như vậy, bạn phải lên sóng cùng Wall Street Journal. Và Perez không thể xuất hiện tại đó một cách bất thình lình vào lúc nửa đêm của ngày thứ Hai để cố gắng bảo vệ ý tưởng này. Điều đó thật nực cười”.
Tuy nhiên, đối với UEFA, đó lại là một món quà vô cùng quý khi đối thủ tự tay bắn súng vào chân mình.
XUỐNG HẠNG PREMIER LEAGUE KIẾM TỐT HƠN Á QUÂN SERIE A
Champions League bản cải tiến đã được phê chuẩn vào thứ Sáu trước khi ESL ra mắt nhưng nó đã không được mọi người đón nhận nồng nhiệt vì thể thức mới chẳng có gì để khắc phục tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng đang diễn ra tại châu Âu ngày nay.
Việc tăng số lượng các trận đấu sẽ chỉ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trừ khi có động thái thay đổi việc phân phối không đồng đều doanh thu của UEFA Club Competition (UCC) - tổ chức gây ra sự bất bình đẳng về thu nhập lớn nhất và duy nhất trong bóng đá hiện nay - và sửa đổi các khoản hỗ trợ tài chính dành cho những đội không được tham gia vào giải đấu.
Ngoài ra, bằng cách mở rộng giải đấu và đề xuất ít nhất hai suất tham dự dựa trên hệ số đánh giá của UEFA, cơ quan điều hành bóng đá châu Âu đang mang lại cho các CLB lớn chính xác những gì họ muốn. Agnelli đã mô tả “Mô hình Thụy Sĩ” của Champions League mới rất gần với định dạng lý tưởng của ông ta.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều bối rối trước việc thiết lập vòng bảng của mô hình mới. Và như Robinson nói: “Giải pháp của UEFA cho vấn đề có quá nhiều trận đấu ở vòng bảng là tăng thêm nhiều hơn số lượng trận đấu ở vòng bảng”.
Evain đồng ý: “UEFA đã đúng khi cải tổ Champions League nhưng đây không phải là thể thức phù hợp. Super League về cơ bản là một nỗ lực của một số CLB nhằm kéo dài một mô hình tài chính mà chúng ta đã biết là không bền vững. UEFA đã phản ứng tốt với lời đe dọa: bạn không thể thương lượng với bọn khủng bố”.
UEFA sẽ bị đánh giá về những gì họ làm tiếp theo. Bạn không thể ủng hộ một hệ thống cho phép những người sáng lập Super League được tiếp tục củng cố quyền lực của họ. Có một cam kết từ chủ tịch Aleksander Ceferin rằng UEFA sẽ xem xét đề xuất cải cách Champions League vào cuối năm. Song, điều mà mọi người cần: loại bỏ các vị trí được tham dự Champions League dựa trên hệ số của UEFA.
Tất cả vẫn chờ xem liệu UEFA có xem xét quan điểm của NHM thay không hay liệu họ có thực hiện theo lời hứa trừng phạt Madrid, Barca và Juvetus, những CLB vẫn chưa chính thức rút khỏi ESL hay không. Sự kiên quyết không chịu lùi bước của 3 CLB quyền lực này này chắc chắn có vẻ lố bịch bởi vì thứ mà họ bám víu không thể tiếp tục diễn ra nếu như không có sự đồng hành của những CLB tinh hoa của Premier League.
Điều đó cho thấy, thực sự, những CLB mạnh nhất hiện nay chính là của người Anh.
Super League cần các CLB ở Premier League hơn các CLB ở Premier League cần Super League. Các CLB Premier League đã có Super League và nó được gọi là Champions League, điển hình như trận chung kết Champions League giữa Man City và Chelsea vào cuối tuần qua.
Các CLB Anh chắc chắn đang ở một vị trí thuận lợi ở đây. Họ vẫn đang thi đấu ở giải quốc nội hấp dẫn và thành công nhất thế giới. Thực tế là họ có 6 CLB lớn cạnh tranh 5 suất tham dự Champions League, trong khi Leicester City đang nổi lên như một thế lực lớn.
Và các CLB thượng lưu của Premier League vẫn sở hữu lợi thế tài chính rõ ràng so với các đối thủ châu lục của họ. Quả thực, không có gì đáng bàn khi có tới 12 CLB Anh lọt vào Top 30 của BXH Money League do hãng kiểm toán Deloitte tổ chức vừa công bố mới đây.
Ví dụ, ngay cả đội xuống hạng Sheffield United cũng đã kiếm tiền tốt hơn trong mùa giải 2019/20 so với đội 7 lần vô địch Cúp C1 châu Âu/Champions League là AC Milan.
NHỮNG CLB VÀNG LỎNG SẼ THAY THẾ TẦNG LỚP TINH HOA
Rõ ràng là những quyền lực xưa cũ sẽ phải lo lắng về tiền bạc hơn các đối thủ ở Premier League ngay cả trong một thế giới hậu đại dịch. Ngay cả Barca và Madrid vẫn đang khao khát tiền mặt. Tân chủ tịch Barcelona là Joan Laporta đã đảm bảo sẽ vay được 100 triệu euro (86 triệu bảng/120 triệu USD) từ một ngân hàng Mỹ nhưng cơ bản chỉ để trả lương và trả nợ cũ.
Đối với Madrid, có lẽ chúng ta sẽ lại thấy một cái gì đó giống như thỏa thuận mà họ đã ký với hội đồng thành phố nhiều năm trước về việc bán sân tập của CLB. Họ chắc chắn sẽ phải thay đổi vì cả Real và Barca đều không chấp nhận rằng mình không còn là những CLB lớn nhất trên thế giới nữa.
Hai gã khổng lồ TBN sẽ không muốn sống đúng với khả năng của mình bởi vì làm điều đó có nghĩa là chấp nhận rằng họ không còn đứng trong đội ngũ tinh hoa, rằng sẽ không thể cạnh tranh để ký hợp đồng với những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Vì vậy, họ vẫn sẽ cố gắng thay đổi mọi thứ khi đã mất quân bài Super League. Con đường duy nhất của họ là phải cải thiện vị trí của mình tại UEFA.
Đây là một mối quan tâm chính đáng. Ngày càng có nhiều niềm tin rằng các siêu CLB đã công khai tạo phản sẽ được tiếp tục hưởng lợi từ UEFA. Tất cả xuất phát từ một báo cáo của tổ chức này về việc đồng ý với gói tài trợ lớn cho Champions League với một nhà đầu tư bên ngoài.
UEFA, sau tất cả, đã lo lắng trước cáo buộc ngầm rằng FIFA ủng hộ việc ra mắt Super League, cũng như việc FIFA đang thúc đẩy việc trình làng giải đấu FIFA Club World Cup ở quy mô lớn và được tổ chức 2 năm một lần.
Ceferin và Gianni Infantino (chủ tịch FIFA) có thể đã bắt tay để diệt Super League và tự xưng là người tốt trong cuộc chiến bảo vệ linh hồn của bóng đá này. Nhưng trên thực tế, họ vẫn bị mâu thuẫn lợi ích và vẫn ở trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát các giải đấu cấp CLB. Nhưng phe nào thắng thì chỉ có NHM là bại.
Evain chỉ ra: “Nếu các CLB hàng đầu được phép tiếp tục hoạt động một cách thiếu thận trọng, NHM sẽ phải gánh chịu hậu quả. Ai sẽ tài trợ cho việc này vào cuối ngày? NHM. Và ai sẽ trả tiền nếu mô hình sụp đổ? NHM. Bởi vì NHM sẽ mất CLB của mình.
Vì vậy, ngay bây giờ, chúng ta đang nói về những gì cần được cải tổ ở Champions League, nhưng toàn bộ ngành công nghiệp cần phải được cải cách. Nó không hoạt động tốt. Chúng ta đang thấy điều đó rõ ràng vì đại dịch. Những CLB giàu có này có quá ít vốn dự trữ. Một số đã phải ngửa tay xin trợ cấp vào năm ngoái!
Tin tốt là ngày càng có nhiều lời kêu gọi áp dụng một cơ quan quản lý độc lập ở Anh và Robinson có thể thấy trước những thay đổi. “Tôi chưa biết chính xác nó sẽ như thế nào nhưng chúng ta có thể thấy tiêu chuẩn về CLB được đánh giá lại. CLB sẽ không còn được coi như một doanh nghiệp và được đối xử như một nhà sản xuất bán lẻ nữa.
Chúng có thể được phân loại CLB theo thể chế văn hóa và các quy tắc có thể được đưa ra để đảm bảo sự tồn tại của CLB và bảo vệ các CLB bóng khỏi những người chủ tham lam, giỏi bóc lột. Tất nhiên, có rất ít cơ hội bình đẳng trên diện rộng nếu chỉ một quốc gia chấp nhận sự thay đổi”.
Điều gì sẽ xảy ra ở phần còn lại của châu Âu? Một cơ quan quản lý độc lập sẽ chỉ có ảnh hưởng đến toàn bộ trận đấu nếu ý tưởng đó được tất cả các giải VĐQG lớn nhất châu lục đồng ý. Tuy nhiên, đây là nơi luôn có quá nhiều tư lợi và mục đích chính trị đang diễn ra.
Đã có những vấn đề địa chính trị đang diễn ra liên quan đến quyền sở hữu CLB, với các ông chủ mới đến từ Nga, Trung Quốc hoặc Trung Đông. Đây chính là nơi chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để minh bạch hoá về các động lực đằng sau Super League.
Real và Barca ghen tị với các thương vụ bản quyền truyền hình ở Premier League, nhưng với tất cả sự tôn trọng, họ không thực sự quan tâm đến Arsenal và Spurs. Những đội khiến họ lo lắng là hai đội vừa đá trận chung kết Champions League là Man City, Chelsea và PSG.
Tại sao lại thế? Bởi vì tất cả 3 CLB đều được tài trợ bởi những đại gia có túi tiền vô biên. Man City, Chelsea và PSG là những “CLB vàng lỏng” và không có giới hạn chi tiêu nào có thể làm khó họ. Họ mắc nợ bao nhiêu không quan trọng bởi chủ của họ có nhiều tiền đến mức có thể mua mọi cầu thủ trên thế giới. Vì vậy, đây là những đội bóng mà những quyền lực cũ không thể cạnh tranh được.
Trong thập kỷ qua, kể từ khi Man City và PSG được Abu Dhabi và Qatar tiếp quản, những quyền lực như Barca và Real đã thách thức họ trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng khi cố gắng duy trì, những quyền lực cũ đã phải gánh những khoản nợ không thể bền vững. Vì vậy, ngoài trận chung kết Champions League giữa 2 CLB vàng lỏng, PSG - CLB vàng lỏng thứ ba cũng đã góp mặt tới vòng bán kết. Và ở mùa trước là chung kết.
Barca, Real và Juve biết rằng sẽ rất khó khăn để họ có thể ngăn những CLB siêu giàu này giành vé vào bán kết trong nhiều năm tới. Vì vậy, trừ khi có sự thúc đẩy bền vững và thống nhất từ NHM, các LĐBĐ và chính phủ trên khắp châu Âu để thực hiện những thay đổi đáng kể đối với cách vận hành trận đấu, tài chính sẽ vẫn là yếu tố quyết định trong bóng đá.
Do đó, Pep Guardiola có thể muốn tin rằng trận đấu không chỉ có tiền nhưng thực tế hoàn toàn khác.
Bình Luận