Đón đọc đặc san “30 năm Champions League”
Mùa giải 1992/93, Champions League ra đời từ dư chấn của một thảm hoạ bóng đá, để rồi lột xác trở thành một sân khấu vĩ đại, một đấu trường danh giá, một thương hiệu bóng đá thành công nhất trong lịch sử.
Nhân kỷ niệm 30 năm Champions League, Tạp chí Bóng đá gửi tới độc giả một ấn phẩm đặc biệt với nhiều bài viết đặc sắc, hấp dẫn và độc quyền.
Bóng đá châu Âu thường có xu hướng thống trị theo chu kỳ, và phần còn lại sẽ có kế hoạch chiếm lại thế thượng phong. Trong 5 trận chung kết Champions League từ năm 2018 đổ về trước, không có đội bóng Anh nào tham dự. Ngược lại, Tây Ban Nha hoàn toàn áp đảo.
Cụ thể, có 7/10 đội bóng đến từ La Liga xuất hiện trong các trận chung kết, và cả 5 lần đội vô địch đều thuộc nền bóng đá của xứ sở đấu bò: 4 chức vô địch của Real Madrid (3 lần liên tiếp dưới triều đại của Zinedine Zidane) và 1 của Barcelona.
Nhưng Real Madrid đã bị vượt qua. Và kẻ băng qua họ là Man City, đội bóng sắp bước vào trận chung kết thứ 2 sau 3 mùa gần nhất. The Citizens đụng độ Inter, đại diện Italia đầu tiên kể từ năm 2017 lọt vào trận chung kết của sân chơi mà Serie A từng thống trị trong quá khứ.
Trong 10 năm bắt đầu từ mùa giải 1988/89, có tới 9 lần các CLB Italia lọt vào chung kết và 4 lần đăng quang. Có rất nhiều nguyên nhân giải thích tại sao các đội bóng Anh lại đang thống trị trở lại ở sân chơi châu Âu.
Không phải ngẫu nhiên mà những đội bóng lớn nhất có thể thu hút các nhà cầm quân giỏi nhất. Pep Guardiola, Juergen Klopp và Thomas Tuchel đã đưa các đội bóng Anh tham dự Champions League, với kiến thức tích lũy được từ bên ngoài xứ sương mù về cách làm thế nào để đánh bại những CLB xuất sắc nhất lục địa già.
Họ tới Premier League kèm theo những trải nghiệm phong phú từ các giải đấu khác nhau. Và bản thân họ cũng học hỏi lẫn nhau. Mikel Arteta, Erik ten Hag từng làm việc với Pep Guardiola tại Man City và Bayern. Chính họ đang thúc đẩy lẫn nhau để đội bóng của mình đạt phong độ tốt nhất.
Pep đã liên tục phát triển và không ngừng thay đổi mọi thứ về chiến thuật qua mỗi mùa giải, để duy trì vị thế kẻ thách thức số 1 trong mọi cuộc đua tranh danh hiệu của Man City. Klopp đã mang lối chơi “gegenpressing” đến Liverpool, và giúp họ lọt vào tới 3 trận chung kết Champions League. Những phong cách và triết lý đó, được thể hiện trong vai trò của những cầu thủ xuất sắc, đã bổ sung vào văn hóa bóng đá của giới mộ điệu Anh.
Pep hiểu những gì từng thành công với ông trong quá khứ không nhất thiết sẽ lặp lại ở hiện tại. Khi còn dẫn dắt Barca, Pep đã phát minh ra vị trí "số 9 ảo” mà Lionel Messi đã vào vai một cách hoàn hảo. Tại Bayern, Pep tạo nên hậu vệ trái hoàn hảo Philipp Lahm. Mùa này, Pep biến hình John Stones thành “viên đá phù thủy” của Man City trong một vai trò mới.
Chiến thuật của các nhà cầm quân hàng đầu thế giới chỉ hiệu quả nếu họ sở hữu những cầu thủ phù hợp với triết lý bóng đá của họ. Và nhờ những Pep hay Klopp, giải Ngoại hạng Anh có thể thu hút những ngôi sao hàng đầu thế giới.
Hầu hết các đội bóng châu Âu đều muốn có Erling Haaland. Nhưng chỉ Man City may mắn sở hữu được “cỗ máy ghi bàn” người Na Uy, vì họ có một HLV mà cầu thủ nào cũng ước mơ được làm việc cùng. Các cầu thủ từng được Pep dẫn dắt luôn được nhiều đội bóng ham muốn, vì bộ kỹ năng của họ ngày một hoàn thiện khi làm học trò của nhà cầm quân người Tây Ban Nha.
Sự cạnh tranh tự nhiên của Premier League cũng giúp ích cho các đội bóng Anh tại các sân chơi châu Âu. Man City hiếm có cuối tuần nào được thảnh thơi, vì họ luôn phải chiến đấu hết mình để giành điểm số trong cuộc đua vô địch. Họ có sức mạnh ở mọi tuyến, sở hữu đội hình có chiều sâu khủng khếp mà mọi đội bóng xuất sắc nhất đều hướng tới.
Điều tạo nên sự khác biệt của Man City chính là thế mạnh về thể chất mà họ đang sở hữu, nhờ cường độ thi đấu cao qua mỗi trận đấu ở Premier League. Tại trận chung kết FA Cup, The Citizens của Pep không có được màn trình diễn hay nhất, nhưng họ vẫn ở đẳng cấp cao hơn MU về kỹ-chiến thuật cũng như nền thể lực sung mãn.
Sự đa dạng, biến ảo như một con tắc kè hoa của Man City cũng khiến đối thủ của họ phải chuyển mình. Các đội bóng Premier League học cách thay đổi để “bắt chết” Haaland, hạn chế tối đa không gian chơi bóng của tiền đạo người Na Uy, học cách phá vỡ sợi dây liên lạc giữa Kevin De Bruyne và Haaland, học cách kiếm điểm từ Man City…
Tất cả vô hình chung đã đẩy các đội bóng Anh tiến về phía trước, và tất nhiên họ cũng sẽ thêm tự tin khi bước ra sân khấu châu lục dưới dự dẫn dắt của “lá cờ đầu” Man City. Bayern Munich rồi Real Madrid đã phải trả giá trước lối chơi kiểm soát, gây sức ép và tấn công liên tục của The Citizens.
Những thất bại ấy sẽ giúp bộ đôi này rút ra những bài học đắt giá, và xem xét làm thể nào để thu hẹp khoảng cách, rồi từ đó tạo ra một chu kỳ thống trị mới cho bóng đá Đức hoặc Tây Ban Nha. Song trước mắt, họ sẽ phải chấp nhận chu kỳ hưng thịnh mới của người Anh.
Bình Luận