Tuchel củng cố 'thương hiệu Đức'

Thomas Tuchel vừa trở thành HLV người Đức thứ ba liên tiếp vô địch Champions League. Đây cũng là mùa bóng thứ 4 liên tiếp, các HLV người Đức có mặt trong trận đấu danh giá nhất thế giới của bóng đá tầm CLB.
Tuchel củng cố 'thương hiệu Đức'

Chưa biết gương mặt kỳ cựu Joachim Loew sẽ dẫn dắt đội tuyển Đức tiến được đến đâu tại VCK EURO sắp tới. Chỉ biết chắc rằng ông sẽ chia tay đội Đức sau giải đấu này. Công việc của Loew ở đội tuyển Đức đã trải dài qua 3 thập kỷ khác nhau. Và sau EURO, HLV Flick sẽ tiếp quản những gì Loew để lại. Chẳng bí mật, kịch tính hay bất ngờ nào. Mọi chuyện trở nên rõ ràng từ trước khi Flick tận hưởng lần nữa niềm vui vô địch Bundesliga và chia tay Bayern Munich.

Thế còn Tuchel và Klopp? Chẳng những yên vị ở Liverpool qua mùa bóng đầy sóng gió (kết thúc trong kịch bản tiền hung hậu kiết), Klopp sẽ còn gắn bó với Liverpool đến năm 2024, và cũng chắc chắn sẽ chia tay - như chính ông từng nói - sau thời điểm ấy. Chỉ có Tuchel là chưa biết chắc tương lai sau năm 2022. Ông vẫn còn hợp đồng với Chelsea đến hết mùa tới. Ông muốn ký tiếp, nhưng đấy là việc của Chelsea. Họ nên ký tiếp.

Hiếm khi bóng đá đỉnh cao lập tức chia tay HLV hàng loạt ngay khi mùa bóng kết thúc, như những ngày này. Có cả hiệu ứng domino: HLV Zinedine Zidane ra đi thì tất nhiên Real Madrid trở thành địa chỉ đầy sức quyến rũ đối với các HLV danh tiếng. Hoặc khi Antonio Conte (Inter), Christophe Glatier (Lille) chia tay đội bóng mà họ vừa đưa lên ngôi vô địch, thì các đội khác dù đang có sẵn HLV, cũng không thể không “dòm ngó”.

Klopp, Flick và Tuchel là 3 HLV người Đức vô địch 3 mùa Champions League gần nhất

Và “thị trường HLV” sôi động hẳn. Có cả chuyện Tottenham cuống cuồng mời lại (vâng, có thể không chính thức như vậy, nhưng động thái này hoàn toàn có thật) HLV mà chính họ đã sa thải, cũng là HLV đã thất bại khi chuyển đến đội khác để thay một HLV khác đã bị sa thải.

Đang có một mớ hổ lốn, điên rồ, trong bức tranh tổng thể về bóng đá đỉnh cao ở châu Âu. Và giới trẻ, xin hãy làm ơn quên đi cái câu thuộc loại trào lưu vừa lố lăng, vừa phản giáo dục, đại khái là “người ta giàu thì làm gì/nói gì cũng đúng”. Xã hội nói chung, chứ chẳng riêng gì bóng đá, sẽ bị kéo lùi, xuống cấp với cái “triết lý” như vậy. Đâu thể là chuyện ngẫu nhiên, khi Man City của Pep Guardiola và Chelsea của Thomas Tuchel cùng đứng ngoài bức tranh hổ lốn kia.

Bài học từ thành công của các đội biết cách sử dụng Tuchel, Klopp, Flick: chọn đúng HLV giỏi, luôn hay hơn là rải tiền mua sắm ngôi sao. “Thương hiệu” HLV Đức đang là số 1 trong vài năm nay (chỗ này là để nhắc nhở Chelsea). Tất nhiên, đấy chỉ là một chi tiết. Man City chẳng bao giờ là một tấm gương về chuyện chi tiêu hợp lý. Họ cũng rải tiền rất mạnh tay, rất trọc phú. May cho họ: tiền ấy là để phục vụ HLV Pep Guardiola, nên không đến nỗi quá phí phạm.

    Bình Luận