Vì sao Ronaldo là cơn đau đầu chiến thuật của Solsa?

Sử dụng Ronaldo là con dao hai lưỡi. Anh có thể mang lại những bàn thắng. Ngược lại, CR7 cũng sẽ khiến cách tổ chức đội hình pressing khi không có bóng của M.U bị xộc xệch. Ronaldo đang trở thành cơn đau đầu về chiến thuật của Solsa.
Vì sao Ronaldo là cơn đau đầu chiến thuật của Solsa?

Thất bại trước Leicester tuần trước chỉ ra một điều rất rõ ràng. Đó là việc khi không có bóng, cách tổ chức đội hình pressing của Leicester có tổ chức và định hướng rõ ràng hơn hẳn M.U. Không đổ lỗi thất bại của Quỷ đỏ cho Ronaldo, nhưng rõ ràng là sự xuất hiện của CR7 đã khiến M.U đánh mất đi sự đồng bộ trong pressing. 

Ronaldo năm nay đã 36 tuổi. Anh đơn giản là không đủ thể lực để theo đuổi những pha pressing quây bắt bên phần sân đối phương. Các số liệu cũng chỉ ra điều này. Trong số những tiền đạo chơi ít nhất 270 phút ở Premier League 2021/22, Ronaldo chính là người tạo ra ít pha pressing nhất với chỉ trung bình 2,7 lần/trận. Con số này thua xa những tiền đạo khác như Wilfried Zaha (Crystal Palace, 20 lần), Diogo Jota (Liverpool, 19,8), Lucas Moura (Tottenham, 18,8). 

M.U thực ra đã biết điều này khi quyết định chiêu mộ Ronaldo. Họ phải chấp nhận rằng với CR7 trên sân, các pha pressing khi không có bóng của họ sẽ giảm đi sự hiệu quả bởi Ronaldo gần như chỉ đi bộ ở những tình huống này. Nhưng bù lại, CR7 là sự đảm bảo cho những bàn thắng. Anh đã ghi rất nhiều bàn quan trọng cho M.U, mà mới nhất là bàn ấn định chiến thắng 2-1 trước Villarreal ở phút bù giờ cuối cùng. 

Những đội bóng trước đây của Ronaldo như M.U, Real Madrid, Juventus đã rất thành công trong việc khai thác CR7. Điểm chung là họ đều tạo ra những đặc quyền cho Ronaldo và những người chơi bên cạnh siêu sao người Bồ phải chấp nhận hy sinh làm nền cho anh. Đây là lý do vì sao khi Ronaldo ra đi, Wayne Rooney và Karim Benzema đều được nâng lên tầm cao mới. Đơn giản vì họ không còn phải phục vụ CR7 nữa. 

Nhưng M.U hiện tại đang không thành công trong việc khai thác Ronaldo. Một đội bóng được tổ chức tốt có thể che đậy các vấn đề liên quan đến CR7 khi pressing. Nhưng Quỷ đỏ không phải CLB như thế. Trái lại, sự thiếu tổ chức của M.U càng lộ rõ hơn khi Ronaldo hiện diện trên sân. Trận gặp Leicester, những pha pressing của Quỷ đỏ không đủ đồng bộ và đây là lý do hàng tiền vệ của họ thường xuyên bị vượt qua dễ dàng.

Pha bóng đầu tiên như vậy là ở phút thứ 10 (ảnh 1). Boubakary Soumare không bị ai gây sức ép đã thoải mái chuyền cho Kelechi Iheanacho. Tuyến giữa M.U đã bị loại bỏ. Tình huống rõ ràng hơn ở phút 38 (ảnh 2). Youri Tielemans tự do chuyền xuyên tuyến cho James Maddison trong pha bóng mà Ronaldo đi bộ, còn cặp tiền vệ trung tâm của M.U là Nemanja Matic – Paul Pogba cũng dễ dàng bị bỏ lại phía sau.  Phút 40 (ảnh 3), Tielemans cũng nhận bóng trong tư thế không người kèm. Anh thoải mái tăng tốc vào khoảng trống phía trước hàng thủ M.U. Trong pha bóng này, khoảng trống giữa tuyến phòng ngự và tiền vệ của Quỷ đỏ là quá lớn. 

Bây giờ, hãy phân tích các tình huống khi M.U pressing để thấy sự thiếu đồng bộ. Tình huống phút 62, Mason Greenwood chủ động dâng cao gây sức ép lên vị trí của Jonny Evans. Ronaldo ở pha bóng này lẽ ra phải áp sát Caglar Soyuncu để phong toả các khả năng chuyền bóng của Kasper Schmeichel. Nhưng anh lại đi bộ trên sân (ảnh 4). Điều này khiến Soyuncu thoải mái chuyền bóng cho Timothy Castagne. Ronaldo lúc này mới nhận ra vấn đề, lùi xuống để hạn chế không gian biên phía trước Castagne (ảnh 5). Nhưng khoảng trống lúc này là quá lớn và Leicester dễ dàng bẻ gẫy đợt pressing của M.U. 

Để so sánh, hãy xem sự khác biệt giữa Ronaldo và Jamie Vardy, đồng thời khác biệt giữa hệ thống của Leicester và M.U khi chủ động pressing. Pha bóng diễn ra ở phút 51. Khi Vardy áp sát trung vệ của Quỷ đỏ thì cả đội hình Leicester cũng dâng lên, bắt các đường chuyền hướng lên trên của Victor Lindelof (ảnh 6). Kết quả là chỉ vài giây sau, Soyuncu đã thu hồi được quả bóng khi Bruno Fernandes chuyền sai (ảnh 7). Đó là pha bóng cho thấy rõ sự khác biệt giữa Vardy và Ronaldo nói riêng và 2 đội nói chung khi tổ chức pressing. 

Một vấn đề nữa của M.U khi có Ronaldo trên sân là việc sự xuất hiện của CR7 khiến Paul Pogba bị kéo xuống đá tiền vệ phòng ngự. Nhưng ai cũng biết là Pogba không đủ kỷ luật chiến thuật, khả năng đảm bảo vị trí khi chơi trong vai trò này. Bởi anh là mẫu tiền vệ có xu hướng dâng cao. 
Thế mới nói, Ronaldo đang tạo ra cơn đau đầu về chiến thuật cho Solsa. Không dùng thì không được, mà dùng thì cả hệ thống phải chiều theo Ronaldo.

Greenwood cũng bị ảnh hưởng
Giai đoạn đầu mùa, Greenwood là người đá tiền đạo mũi chọn của M.U. Anh cũng toả sáng khi ghi bàn trong 3 vòng liên tiếp đầu mùa. Nhưng từ khi Ronaldo ra mắt trận gặp Newcastle, Greenwood chỉ ghi được 1 bàn/5 trận đá cặp cùng CR7. Đó cũng là pha lập công từ nỗ lực cá nhân vào lưới Leicester. 

Rio không hài lòng về phát ngôn của Pogba

Sau trận thua Leicester 2-4, Pogba khẳng định M.U cần sự thay đổi và “đội bóng để thua quá dễ dàng”. Trả lời phỏng vấn đề vấn đề này, cựu trung vệ Rio Ferdinand không hài lòng với cách hành xử của Pogba: “Thành thực mà nói nếu tôi trong phòng thay đồ và một đồng đội nói như thế thì tôi sẽ không thoải mái. Tôi sẽ gặp thẳng anh ta và hỏi xem ý anh ta là như nào? Nhưng tôi nghĩ Pogba là chàng trai tốt. Cậu ta nói vậy vì muốn chiến thắng mà thôi”. 

111 - Hiệu suất ghi bàn trung bình/trận của Ronaldo tại M.U là 111 phút và không bàn nào của anh được ghi từ chấm 11m. CR7 vẫn là chân sút có hiệu suất làm bàn cao nhất ở Old Trafford.

 

    Bình Luận