"Không có gì" là cảm giác Zinedine Zidane đem đến cho người xem. Tuy nhiên, đã đến lúc phải xem xét rằng Zidane là một nhà cầm quân đại tài.
1. Thực dụng là gì? Là chơi phòng ngự đổ bê-tông? Nghe chừng hợp lý. Song lật ngược vấn đề, chơi đổ bê-tông trước đối thủ dưới cơ có gọi là thực dụng? Thực dụng để mang đến hiệu quả tối đa, đạt lấy mục đích tối thượng, nhưng chơi phòng ngự trước đối thủ dưới cơ hoàn toàn sai sách, dễ bế tắc và gây tốn sức.
Thế nên tấn công trước đối thủ dưới cơ, phòng ngự trước đối thủ trên cơ, tùy thời điểm mà sử dụng đấu pháp để khai thác triệt để điểm yếu của đối phương mới đáng gọi là thực dụng. Theo cách hiểu này, cả Jose Mourinho lẫn Pep Guardiola đều đáng được xem là mẫu huấn luyện viên thực dụng chứ không hề đại diện cho hai trường phái tấn công tận hiến và phòng ngự cực đoan như nhiều người vẫn quan niệm.
Mourinho phòng ngự cực đoan mà lại nắm giữ kỷ lục ghi bàn trong một của giải ở La Liga, và mùa đó có sự hiện diện của Pep?! Pep tấn công tận hiến kiểu gì lại cầm hết bóng trên sân? Đơn giản, mục đích đầu tiên của việc cầm bóng trong lối chơi Pep tổ chức là để hạn chế bị đối phương tấn công. Ai lại tấn công khi chưa có bóng?! Và đừng quên, kỷ lục ghi bàn trong một mùa giải tại La Liga đang thuộc về Mou chứ không phải Pep.
Tuy nhiên, Mou và Pep tuy thực dụng nhưng thực dụng chưa tới. Sự thực dụng của họ vẫn phải dựa trên một nền tảng nhất định. Cụ thể, Mourinho là tổ chức phòng ngự chặt chẽ bên phần sân nhà, hạn chế điểm mạnh của đối phương (bóng dài, ban bật...) và phát động tấn công chớp nhoáng chỉ với vài pha chạm bóng.
Mourinho hay Pep Guardiola đều triển khai lối chơi dựa trên nền tảng nhất định
Trong khi đó, Pep hòa trộn hai công thức căn bản là kiểm soát bóng và định hướng vị trí. Yêu cầu Pep thi triển phòng ngự phản công hay Mou kiểm soát bóng đều là điều bất khả. Thế nên Pep tại Bayern hay Mou tại Real đều không đạt thành công như kỳ vọng vì phạm phải một sai lầm căn bản, đó là đi ngược truyền thống đội bóng.
Đưa thêm một dẫn chứng khác, là Diego Simeone. Nhà cầm quân người Argentina rất thành công với Atletico Madrid và thuộc hàng quái kiệt về cầm quân. Tuy nhiên, đưa trái bóng cho Atletico của Simeone và yêu cầu họ tổ chức một đợt tấn công bài bản từ sân nhà đến sân đối phương mà không để mất bóng là điều không thể. Atletico phải mất bóng mới có thể ghi bàn vì họ cực giỏi tranh chấp bóng hai và chuyển đổi trạng thái.
2. Real của Zidane hoàn toàn khác. Đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha đủ khả năng thiết lập nhiều dạng thế trận khác nhau. Họ có thể kiểm soát bóng và tấn công dồn dập, có thể tổ chức phòng ngự đổ bê-tông và cũng có thể khai thác bóng hai nếu cần thiết. Đơn cử là trận tranh Siêu cúp Tây Ban Nha hồi đầu mùa, Real mới là đội kiểm soát thế trận với khả năng ban bật thoát pressing ngoạn mục chứ không phải bậc thầy cầm bóng Barca.
Màn trình diễn của Real lúc đó đã khiến tất cả phải nể phục và tạo ra cảm giác họ thừa sức nuốt chửng cả châu Âu. Trở lại với mùa giải 2015/16, mùa giải đầu tiên Zidane dẫn dắt Real. 6 trận trong hành trình từ 1/8 vào chung kết Champions League, đội bóng Hoàng gia thiết lập hàng phòng ngự kín kẽ hiệu quả đến mức có tới 5 trận giữ sạch lưới.
Dưới sự dẫn dắt của Zidane, Real hết sức đa dạng
Về mặt lối chơi là vậy, về mặt sơ đồ, Zidane cũng không hề thụ động trong một sơ đồ nhất định. Tại Real, ông đã áp dụng rất nhiều sơ đồ khác nhau, từ 4-3-3, 4-2-3-1, 4-4-2, 4-3-1-2 cho đến 3-5-2. Riêng 4-4-2 cũng đã có nhiều biến thể, từ đánh biên với 2 tiền vệ cánh tốc độ Vazquez-Asensio cho đến hàng tiền vệ hình kim cương với Isco là đỉnh.
Và dĩ nhiên, khi đã đưa ra nhiều biến thể sơ đồ, Zidane cũng xoay tua hết sức hiệu quả. Dưới thời vị chiến lược gia người Pháp, hội chứng phụ thuộc BBC hoàn toàn biến mất. Ngoại trừ Ronaldo, hai cái tên còn lại có thể ngồi ngoài bất kỳ lúc nào, kể cả những trận cầu đinh. Bằng chứng là việc Bale ngồi ngoài ở tất cả các trận đấu loại trực tiếp Champions League mùa này cho đến này, không loại trừ trận bán kết lượt về với Bayern trước mắt.
Nhưng, công việc của các HLV không chỉ dừng ở vấn đề kỹ chiến thuật. Một nhiệm vụ khác quan trọng không kém là quản quân. Ở khía cạnh này không ai bằng Zizou. Tại đội bóng sở hữu phòng thay đồ phức tạp nhất hành tinh, với hàng chục cá tính mạnh va chạm, Zidane vẫn giữ được sự yên bình đến lạ kỳ.
Rồi chuyện xoay tua, Asensio, Bale hay Isco dù ngồi ngoài nhưng không hề phản ứng bất mãn. Ronaldo chấp nhận lắng nghe chỉ bảo, thay đổi vị trí thi đấu và sẵn sàng ngồi ngoài ở những trận đấu kém quan trọng. Trừ Zidane ra, không ai thực hiện được điều đó. Và kết quả đang phản ánh tài năng của Zizou. Ông đang hướng đến cú hattrick vô địch châu Âu, thành tích mà xuyên suốt lịch sử chỉ có Bob Paisley và Carlo Ancelotti đạt được, chỉ sau hơn 2 năm dẫn dắt Real.
3. Trẻ con Giang Nam có hát: "Mặt bộ cầm quân tài Tử Kính, ra sông đánh thủy có Chu Du". Xét như vậy, Lỗ Túc chỉ tài trên bộ, chẹn đường giữ ải còn Chu Du chỉ biết đánh thủy chứ đánh bộ thì kém. Trong khi đó, Gia Cát Lượng đánh thủy, đánh bộ, đánh mã, đánh xe, môn nào cũng giỏi. Thế nên, vốn dĩ Khổng Minh đã trên tài Công Cẩn chứ không chỉ vài ba chiêu trò khích tướng.
Bình Luận