Trong bóng đá, có những mẫu chuyện mê tín như kiểu Laurent Blanc thường hôn lên đầu thủ môn Barthez để tuyển Pháp gặp may mắn, Lampard chỉ đi ống đồng màu xanh ngọc bích khi đá chung kết hay Toni Kroos suốt năm suốt tháng chỉ đi mỗi một mẫu giày. Với các CĐV Anh, chiếc máy rửa bát lại là một trong những điều mê tín khiến họ ám ảnh nhất. Lý do vì sao?
Mỗi đội tuyển tham dự World Cup ít hay nhiều đều có vài thủ tục kỳ dị trước khi lên đường bước đến ngày hội lớn nhất thế giới. Đội tuyển Anh ở kỳ World Cup 1950 không ngoại lệ. Chuyện là HLV tuyển Anh lúc đó, Walter Winterbottom bảo rằng trong giấc mơ ông đã thấy Tam Sư mang cúp vàng World Cup về rửa trong một chiếc máy rửa bát. Do đó, ông bắt các cầu thủ Anh phải đứng cầu nguyện xung quanh chiếc máy rửa bát ở phòng bếp của khách sạn đóng quân trước trận đấu khai màn World Cup 1950 diễn ra ở Brazil.
Ở lượt đấu bảng năm đó, Tam Sư có trận ra quân thuyết phục khi giành chiến thắng 2-0 trước đội bóng Nam Mỹ, Chile. Nhuệ khí của họ lên cao hơn bao giờ hết khi người Anh luôn tự tôn là quê hương của môn bóng đá và ngay lần đầu tiên ra mắt World Cup, họ đã giành một chiến thắng vẻ vang. Báo chí ở quê nhà tung hô đội bóng, họ gọi chiến thắng của Tam Sư trước Chile là “sự khẳng định của dòng dõi nơi bóng đá khai sinh”.
Câu chuyện chưa hết phần thú vị khi trận đấu thứ 2 ở vòng bảng chứng kiến một trong những thất bại tủi hổ nhất của người Anh ở World Cup trước Mỹ - tập thể bị đánh giá lót đường thời điểm đó. Trong phần lớn thời gian thi đấu chính thức, đại diện đến từ châu Âu chính là những người nắm quyền kiếm soát trận đấu. Tấn công nhiều không ghi được bàn thắng sẽ phải trả giá. Người Anh thấm thía câu nói này hơn bao giờ hết.
Trong một tình huống diễn ra ở cuối hiệp 1, tận dụng sự hỗn loạn trước vòng cấm tuyển Anh, tiền đạo Joe Gaetjens, bằng cách nào đó, đã thực hiện một cú sút làm bó tay thủ thành Bert William bên phía tuyển Anh để giúp Mỹ giành chiến thắng tối thiểu.
Sau này khi kể lại, đội trưởng tuyển Anh thời bấy giờ là hậu vệ Billy Wright có nói rằng đó là một tình huống Joe ăn may, "anh ấy không chủ động sút bóng mà đơn giản chỉ là một tình huống chuyền bóng cầu âu và điềm rủi đã khiến tuyển Anh nhận bàn thua". Sau thất bại trước Mỹ, Tam Sư nhận thêm một trận thua tan tát trước Uruguay và phải về nước ngay từ vòng gửi xe.
Đáng buồn cho người Anh ở chỗ, người ghi bàn kết liễu họ không phải là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Nước Mỹ chưa bao giờ là vùng đất nơi bóng đá được chơi và phổ biến rộng rãi, thậm chí ở thời hiện đại. Do đó, thành phần đội tuyển Mỹ năm 1950 được lựa chọn sau một đơn ban bố tuyển người trên toàn quốc. Sau đợt đăng ký, những HLV có chuyên môn sẽ lựa ra đội hình tốt nhất để tham dự các giải đấu lớn.
Joe Gatjens là một trường hợp như vậy, anh vốn là một cậu sinh viên làm công việc ‘rửa bát’ ở một cửa hàng tạp vụ ngoại ô bang Texas. Niềm đam mê bóng đá khiến Joe đăng ký thi đấu cho đội tuyển Mỹ. Lý lịch của Joe ngay lập tức bay về Anh sau khi Tam Sư cay đắng rời World Cup. Truyền thông Ăng Lê lấy bức ảnh các cầu thủ Anh cầu nguyện bên cạnh ‘chiếc máy rửa bát’ và cái tựa ‘kẻ rửa bát giết chết Tam Sư” để sỉ vả thành tích đáng xấu hổ của bóng đá Anh.
Trong tiếng Anh, từ người rửa bát và máy rửa bát đều gọi là dishwasher. Xuất phát điểm như thế, cho đến bây giờ, lịch sử bóng đá Anh luôn coi dishwasher là một trong những điển tích đáng quên nhất.
Bình Luận