Truyền thông của nước Anh xuất sắc như thế nào có lẽ chúng ta cũng không cần phải phân tích quá sâu nữa. Cứ nhìn vô gói bản quyền truyền hình Premier League gần nhất được bán ra với cái giá 5,1 tỉ bảng cho 3 mùa giải, là đủ để thấy năng lực làm marketing của người Anh vượt trội như thế nào rồi.
Nhưng ở Anh, truyền thông lại giống như con dao hai lưỡi, chơi với nó bạn đứt tay bao giờ không hay. Cứ mỗi lần Tam sư bước vào một giải đấu quan trọng như World Cup hay EURO, phía sau họ không chỉ là người hâm mộ, mà truyền thông còn bám sát mọi thông tin của đội tuyển. Họ thậm chí còn lên cả những kế hoạch PR rầm rộ cho đội tuyển.
Nhưng ngay sau đó, khi tuyển Anh thất bại trở về thì họ lại bị truyền thông của chính mình đánh hội đồng! Và cũng không ở đâu mà báo chí có thể nâng tầm đẳng cấp cầu thủ hơn Anh cả. Wayne Rooney trước đây đã từng được liên tục so sánh với Cristino Ronaldo (thời còn ở M.U), rồi còn được phong cho biệt danh "Pele trắng". Nhưng sau tất cả thì ai cũng thấy, Ronaldo giờ đây đã có 5 Quả bóng Vàng và vẫn ngự trị ở đỉnh cao, còn Rooney mãi sẽ chẳng thế bắt kịp được CR7.
Suốt một thời gian dài ai cũng thấy được một điều rằng các cầu thủ người Anh đã bị thổi phồng quá mức so với giá trị thật của mình, từ Michael Owen, Wayne Rooney, Jack Wilshere rồi Theo Walcott. Chỉ cần thuộc dàng tiềm năng, nhưng cứ có quốc tịch Anh trên người thì giá trị chuyển nhượng của cầu thủ đó luôn ở mức rất cao.
Nếu bạn cần dẫn chứng cho điều ấy, thì hãy nhìn vào trường hợp của David De Gea và Pickford. De Gea được M.U đem về với con số chỉ vọn vẹn 20 triệu euro, còn Pickford thì Everton mua về với cái giá gần gấp đôi De Gea (35 triệu euro), chỉ vì cựu thủ thành Sunderland là một người Anh.
Cùng với việc thổi phồng quá mức đội tuyển của mình, truyền thông Anh cũng đã vô tình khiến người hâm mộ lẫn các cầu thủ ảo tưởng quá mức về sức mạnh của họ. Hãy nhìn vào thế hệ Vàng gần nhất của bóng đá Anh với hàng loạt tên tuổi ở mọi ví trí. Hậu vệ có Terry, Ferdinand, Ashley Cole, tiền vệ thì là Lampard, Beckham, Gerrard, tiền đạo Rooney, Michael Owen. Thế nhưng thành tích cao nhất của thế hệ được cho là "Vàng" đấy chỉ là lọt tới tứ kết World Cup 2006 trước khi thất bại ngay ở vòng loại EURO 2008.
Sau quá nhiều bài học đau thương từ quá khứ, truyền thông Anh ở World Cup lần này có vẻ khá dè dặt với đội tuyển của họ. Không còn những bài tâng bốc đến khiên cưỡng nữa mà thay vào đó là nốt trầm đáng ngạc nhiên. Và điều này hoàn toàn có lợi với thầy trò Gareth Southgate, nhất là khi họ đang sở hữu một lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng với hi vọng thoát kiếp "hổ giấy" trên đất Nga.
Bình Luận