Chỉ còn không quá 2 tháng nữa thì giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh World Cup sẽ diễn ra tại Nga. Chắc chắn, cổ động viên đang nóng lòng được thưởng thức những trận cầu đỉnh cao, những lần tái đấu duyên nợ và hơn hết đợi chờ tân vương xứng đáng nâng cao cúp vàng 2018.
Không những vậy, kỳ World Cup này tiếp tục chứng kiến sự góp mặt của các tân binh Iceland và Panama. 2 đại diện của châu Âu và châu Phi sẽ có bước chạy đầu tiên trên sàn đấu thế giới. Không những mang lại luồng gió mới mà họ còn là nguồn cảm hứng cho những đội tuyển chưa bao giờ dự Cúp thế giới có động lực vươn lên.
Nhìn lại chặng đường đã qua, lịch sử ghi nhận không ít đội bóng lần đầu tham dự World Cup. Luôn trong tâm thế của những đội lót đường, họ vẫn thi đấu xuất sắc và viết lên câu chuyện cổ tích cho riêng mình.
World Cup 1966: Màn ra mắt đáng nhớ của Bồ Đào Nha
Với những cổ động viên yêu mến và theo dấu đội tuyển Bồ Đào Nha, World Cup 1966 trở thành dấu mốc đang nhớ trong tâm trí họ. Dù lần đầu tiên ra mắt tại đấu trường thế giới, đội bóng được dẫn dắt bởi Otto Gloria đã ghi tên vào bán kết. Trên đất nước Anh, cái nôi khai sinh ra môn túc cầu, Bồ Đào Nha tạo nên lịch sử cho riêng mình.
Luôn để lại dấu ấn sâu đậm ngay lần đầu tiên dự một giải lớn, đấy là đặc điểm đáng nể của đội tuyển Bồ Đào Nha. Không chỉ có màn lội ngược dòng ấn tượng trước CHND Triều Tiên, họ còn khiến Tam sư chiến đấu bầm dập tới phút cuối cùng. Chơi hay hơn, nổi trội hơn, song theo Eusebio thì Bồ Đào Nha phải dừng bước ở vòng bán kết chẳng qua vì FIFA cố làm mọi cách để tạo thuận lợi cho đội chủ nhà Anh.
World Cup 1986: "Thùng thuốc nổ" Đan Mạch và bóng đá vị nghệ thuật
Nhắc đến 1986 là nhắc đến kỳ World Cup cảm xúc ấn tượng và cảm xúc nhất. Sẽ chẳng ai quên được bàn thắng bằng tay của Diego Maradona vào lưới đội tuyển Anh. Sau này, giới túc cầu vẫn gọi đó là "bàn tay của Chúa".
Giải đấu năm ấy hội đủ niềm vui lẫn nước mắt. Có sự tỏa sáng của những gương mặt mới và cả sự lụi tàn của những ngôi sao cũ. Hơn hết, hiện tượng Đan Mạch vụt lên như chùm sao sáng với những cái tên Soren Lerby, Preben Elkjaer-Larsen, Michael Laudrup… Điều đáng nói ở đây, không phải đội bóng tiến được bao xa mà nằm ở chính lối đá của họ. “Những chú lính chì” đã chơi thứ bóng đá phối hợp ở tốc độ cao, gợi lại đội tuyển huyền thoại Hà Lan của những năm 1970.
Chơi bóng bằng tư duy, liên tục di chuyển và chuyền bóng ở tuyến giữa, phối hợp nhịp nhàng, Đan Mạch đè bẹp cả 3 đối thủ đáng gờm Tây Đức, Uruguay và Scotland cùng để thẳng tiến vào vòng 1/8. Dẫu thất bại trước Tây Ban Nha với tỉ số 1-5, “Thùng thuốc nổ” Đan Mạch vẫn kịp để lại phong cách chơi bóng đầy cảm xúc trong lòng giới hâm mộ túc cầu.
World Cup 1998: Cổ tích đến từ Croatia.
Kỳ World Cup diễn ra tại Pháp có 4 đội bóng lần đầu tiên góp mặt tại đấu trường thế giới. Một lần nữa, lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh chứng kiến “ngựa ô” Croatia tạo nên cơn địa chấn tại đất nước hình lục lăng.
Nằm cùng bảng H với Argentina, Jamaica và Nhật Bản, Croatia giành 6 điểm sau 3 loạt trận. Qua đó đội bóng thuộc bán đảo Balkan cùng các vũ công Tango dắt tay nhau vào vòng sau. Tại vòng 1/16, Croatia đã hạ gục Romania bằng bàn thắng duy nhất của Davor Suker thực hiện trên chấm phạt đền. Thách thức thực sự đến với “Vatreni” khi họ đụng độ Đức tại tứ kết. Song đây lại là trận đấu tôn vinh Suker và đồng đội khi Croatia nghiền nát “Cỗ xe tăng Đức” với tỉ số không tưởng 0-3.
Gặp đúng chủ nhà Pháp tại bán kết, "Vatreni" vươn lên dẫn trước nhờ bàn thắng của Suler. Dẫu vậy, Croatia lại để Les Bleus lội ngược dòng thành công với chiến thắng chung cuộc 2-1. Dừng chân trước thềm chung kết, đoàn quân áo caro vẫn hoàn tất câu chuyện cổ tích của mình bằng việc vượt qua Hà Lan (2-1) để cán đích vị trí thứ 3.
World Cup 2002: Tiếng gầm của Senegal
Lần đầu tiên đăng cai đồng thời tại 2 quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc, World Cup 2002 chứng kiến nhiều bất ngờ từ các đội bóng không thuộc hạt giống. Ngoài sự trở lại ấn tượng của Thổ Nhĩ Kỳ sau 48 năm vắng bóng, một Senegal lần đầu ra mắt cũng biết cách làm nên lịch sử.
Ngay trận mở màn, đội bóng châu Phi bất ngờ tạo nên địa chấn khi hạ đương kim vô địch Pháp với tỉ số 1-0. Chưa dừng lại ở đó, Senegal còn thủ hòa Đan Mạch và Uruguay ở vòng bảng, đánh bại Thụy Điển tại vòng 1/8. Đồng thời, họ trở thành đội bóng thứ hai của châu Phi đến được trận tứ kết của World Cup sau Cameroon.
Dẫu cho thất bại trước Thổ Nhĩ Kỳ bởi luật bàn thắng vàng, Senegal vẫn để lại ấn tượng sâu sắc bởi lối đá phản công máu lửa và nhiệt huyết. Bóng đá luôn mang lại những câu chuyện đời thực và Senegal đã trở thành nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích của mình.
Bình Luận