Âu - Mỹ đua giành cúp vàng

Cuộc chiến cho chiếc cúp vàng danh giá có lẽ vẫn chỉ của những đội bóng châu Âu và Nam Mỹ dù đại diện châu Á tiến bộ và châu Phi thỉnh thoảng lóe sáng.

16 đội tuyển mạnh nhất đã lộ diện và dù Nhật Bản hay Senegal có thể góp mặt vào danh sách này thì trước mắt họ cũng sẽ là 2 ngọn núi mang tên Anh và Bỉ, một thách thức khổng lồ xét theo màn trình diễn của 2 "ông lớn" ở các trận đấu vừa qua.

Cuộc chiến cho chiếc cúp vàng danh giá có lẽ vẫn chỉ là của những đội bóng châu Âu và Nam Mỹ (không tính đến "kẻ thách thức" quen thuộc Mexico đến từ Bắc Mỹ).

Chiến tích vào đến bán kết của Hàn Quốc năm 2002 và Mỹ năm 1930 (khi World Cup lần đầu được tổ chức), hiện là thành tích tốt nhất của các đội tuyển ngoài châu Âu hay Nam Mỹ trong lịch sử 80 năm của giải đấu này.

Không thể phủ nhận, khoảng cách trình độ giữa các nền bóng đá đã được thu hẹp đáng kể bằng những màn trình diễn hết sức ấn tượng, đặc biệt của các đại diện châu Á, nhưng có lẽ ngay cả những người lạc quan nhất cũng không nghĩ kỷ lục này sẽ được lặp lại ở VCK năm nay.

Những nhà đương kim vô địch có thể bị loại ngay từ vòng bảng trong 3 kỳ World Cup liên tiếp, bảng xếp hạng FIFA có thể có những xáo trộn, điều đó tưởng như là cơ hội cho các đội bóng Á - Phi hay CONCACAF chen chân, nhưng thực tế sự thay thế vẫn chỉ đến từ các đội bóng châu Âu hay Nam Mỹ khác.

Âu - Mỹ đua giành cúp vàng - Bóng Đá

 

Khoảng cách trình độ được thu hẹp nhưng điều đó chỉ phản ánh phong độ trong vài trận đấu cụ thể, nhìn rộng ra các nền bóng đá ở các châu lục thì khoảng cách vẫn còn khá mênh mông. Để dự báo một đội tuyển châu Phi vô địch World Cup trước năm 2000 như Pelé hay ngay cả trong 10-20 năm tới thì có phần quá... hão huyền, chắc chắn cần nhiều hơn một, hai thế hệ cầu thủ để các đội bóng ngoài Âu - Mỹ hướng đến mục tiêu to lớn trên.

Thật ra điều này cũng không có gì quá ngạc nhiên.

40 năm qua, tiến bộ đáng kể nhất lại thuộc về những đội bóng được xem là "chiếu dưới" ở châu Âu và Nam Mỹ, phản ánh qua mức tăng trung bình trên bảng xếp hạng FIFA. Trong khi đó, chỉ số xếp hạng trung bình của các đội đến từ châu Phi và CONCACAF lại sụt giảm, còn châu Á thì giậm chân tại chỗ.

Trong khi lợi thế đặc thù của các đội bóng Nam Mỹ là tố chất nghệ sĩ thoáng đạt, thứ bóng đá đường phố ngẫu hứng đầy sáng tạo có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu thì châu Âu lại đang hưởng lợi từ việc tập trung các cầu thủ và HLV hàng đầu thế giới vào những giải vô địch được "bơm tiền tấn" và qua đó, thế hệ cầu thủ trẻ của họ có cơ hội tiếp cận và học hỏi từ những người giỏi nhất.

Châu Âu, bên cạnh đó, còn có những liên đoàn được tổ chức tốt, sở hữu tiềm lực kinh tế khổng lồ mang đến lợi thế cạnh tranh không nhỏ trong bối cảnh bóng đá ngày càng trở nên "siêu chuyên nghiệp". Khi có những liên đoàn mạnh, các đội bóng cửa dưới tại đây lại được hưởng lợi từ việc cọ xát với những đối thủ hàng đầu và từ đó phát triển thêm.

Ở chiều ngược lại, châu Phi nhìn chung vẫn bị hạn chế ở điều kiện cơ sở vật chất, họ có nhiều "viên ngọc thô" nhưng lại không biết cách khai phá và dễ dàng đánh mất vào tay các "ông lớn" châu Âu, như trường hợp của Patrick Vieira. Vieira rời Dakar (Senegal) từ năm 8 tuổi và trở thành nhà vô địch thế giới cùng tuyển Pháp ở World Cup 1998.

Những gì đang diễn ra tại VCK lần này đã mang đến những tín hiệu đáng mừng cho các đại diện châu Á. Tuy nhiên, với tính phổ biến toàn cầu của một bộ môn như bóng đá, vẫn còn khoảng cách khá xa để sự cạnh tranh có thể mang tính toàn cầu trọn vẹn và tương xứng ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. 

Nguồn: NLD.com.vn
    Bình Luận