Không cần đợi tới khi Iago Aspas sút hỏng quả luân lưu quyết định trước Igor Akinfeev thì giới mộ điệu mới biết Tây Ban Nha sẽ thất bại tại World Cup 2018. Thực tế, La Roja đã tự tay “giết” chính mình với những quyết định sai lầm nghiêm trọng ở cấp thượng tầng từ trước khi giải đấu bắt đầu.
Tất cả điều ấy được bắt đầu bởi mâu thuẫn kinh điển của bóng đá xứ sở đấu bò: Real Madrid-Barcelona.
Cú tố cáo quyết định số phận La Roja
24 tiếng trước giờ World Cup khai màn, LĐBĐ Tây Ban Nha (RFEF) quyết định sa thải HLV Julen Lopetegui, hệ quả của việc nhà cầm quân này đã nhận lời dẫn dắt Real Madrid bắt đầu từ mùa giải tới, bất chấp việc hợp đồng với RFEF còn thời hạn tới 2020.
Đằng sau câu chuyện tốn nhiều giấy mực ấy là gì? Chủ tịch Real, Florentino Perez sau sự ra đi đột ngột của Zinedine Zidane trên ghế chỉ đạo đã ngay lập tức đi tìm một người mới thay thế Zizou ngồi vào ghế nóng. Lopetegui là người được chọn. Perez nhanh chóng tiếp xúc, đặt vấn đề và có được cái gật đầu của nhà cầm quân sinh năm 1966.
Song Lopetegui muốn chi tiết bản hợp đồng sẽ được công bố sau khi World Cup kết thúc, một hành động trọn vẹn đạo nghĩa với LĐBĐ Tây Ban Nha. Song biến cố đã xảy ra, khiến mọi kế hoạch của Lopetegui và Perez đổ bể.
Cụ thể đã có 6 cầu thủ biết chuyện Lopetegui đồng ý dẫn dắt Real, 5 trong số này là người Real Madrid và hiểu rằng nếu để lộ thông tin này ra ngoài, hành trình chinh phục World Cup của La Roja sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng “người còn lại” không nghĩ vậy. Anh ta tuồn thông tin cho báo chí Tây Ban Nha.
Và ngay khi Lopetegui biết được tin mình đồng ý dẫn dắt Real Madrid đã bị lộ, ông gọi điện lập tức yêu cầu Real Madrid công bố thông tin trên trang chủ. Điều này dẫn tới cuộc gọi chớp nhoáng giữa Perez và chủ tich LĐBĐ Tây Ban Nha, Luis Rubiales khi đó đang ở Moscow tham dự hội nghị của FIFA.
Ông Rubiales yêu cầu Perez hoãn quyết định tới sau World Cup hoặc sẽ không đồng ý “nhả” Lopetegui. Perez dập máy. 5 phút sau, thông tin Lopetegui nận lời dẫn dắt Real tràn ngập trên các mặt báo.
Kể lại chuyện diễn ra mới chỉ chưa đầy 3 tuần trước để thấy nhân vật có vai trò quan trọng nhất trong việc Tây Ban Nha sa thải HLV chỉ 48 tiếng trước khi ra quân gặp Bồ Đào Nha không phải Lopetegui, không phải Perez, lại càng chẳng phải là Rubiales.
Đó chính là “người còn lại” kia. Không mất quá nhiều thời gian, báo chí Tây Ban Nha đã vạch mặt nhân vật này. Đó là Gerard Pique.
Tới lúc này thì mọi chuyện bắt đầu sáng tỏ. Pique ngay khi biết Lopetegui nhận lời dẫn dắt Real đã muốn “chơi” ngược lại ông thầy, người không giấu diếm ý định gạt anh ra khỏi đội hình chính để sử dụng bộ đôi của Real Madrid, Ramos và Nacho tại trung tâm hàng phòng ngự Tây Ban Nha.
Đứng trên góc độ của Pique, âm mưu của hậu vệ Barca đã thành công mỹ mãn. Lopetegui bị sa thải, còn Pique có suất đá chính bên cạnh Ramos. Đứng trên góc độ LĐBĐ Tây Ban Nha, cú “tố cáo” của trung vệ Barca đã trực tiếp đẩy toàn bộ những công lao của Lopetegui xuống sông xuống biển, khiến La Roja đứng trước nguy cơ thảm bại tại World Cup 2018.
Mâu thuẫn Real - Barca hủy hoại Tây Ban Nha
Sau thất bại của Tây Ban Nha trước Nga trên chấm phạt đền, cả thế giới đang đổ xô đi chê La Roja cứ mãi bấu víu lấy tiki-taka để rồi nhận thất bại thảm hại. Quan điểm này được củng cố bởi những con số như 1.200 đường chuyền cả trận, cầm bóng 80%...
Đây là quan điểm sai lầm. Vì Tây Ban Nha sau khi sa thải Lopetegui chẳng có lựa chọn nào khác ngoài bấu víu vào tiki-taka. Fernando Hierro không phải huấn luyện viên. Cựu huyền thoại Real chỉ là người chữa cháy.
Và trên cương vị một người chữa cháy, trong 48 tiếng, việc Hierro đưa La Roja quay lại với công thức cũ kỹ tiki-taka, vốn đã chết tại World Cup 2014 dưới tay Vicente Del Bosque chẳng có gì khó hiểu.
Dưới thời Lopetegui, Tây Ban Nha đã xây dựng được lối đá hiện đại, gần như không liên quan gì tới thứ gọi là tiki-taka dù không ít con người mà HLV này sử dụng vẫn tới từ Barca. Đỉnh cao của Tây Ban Nha dưới thời Lopetegui là chiến thắng 3-0 trước Italy tại vòng loại World Cup khu vực châu Âu.
Tây Ban Nha chỉ cầm bóng 48% trong trận đấu đó nhưng áp đảo hoàn toàn các vị khách về thế trận lẫn những cơ hội ăn bàn. Người tỏa sáng rực rỡ trong trận cầu đó là Isco với vai trò của một số 9 ảo. Chơi dưới anh là 3 cầu thủ Real (Ramos, Carvajal, Asensio), 3 cầu thủ Barca (Busquest, Iniesta, Alba).
Một chiến quả ấn tượng khác của Tây Ban Nha-Lopetegui là chiến thắng 6-1 trước Argentina trong trận giao hữu hồi tháng 3/2018. Isco vẫn là người tỏa sáng với một cú hat-trick, nhưng trong vai trò cầu thủ tấn công lệch trái. Người đá cao nhất trên hàng công TBN là Diego Costa. Một hình mẫu rõ ràng của La Roja tại World Cup 2018.
Thử đoán xem chuyện gì đã xảy ra trong trận cầu đó? Tây Ban Nha kiểm soát bóng 50%, bằng Argentina nhưng hủy diệt đối thủ với 6 bàn/6 cú sút trúng đích. TBN thậm chí còn phạm lỗi nhiều hơn đối thủ với 20 lỗi (so với 13 của Argentina).
Chẳng có thứ gì là tiki-taka. Đó là Tây Ban Nha của Lopetegui bất bại 20 trận với 14 chiến thắng và bước vào World Cup với tư cách ứng viên không phải bàn cãi cho chức vô địch.
Nhưng đội TBN ấy đã chết yểu sau những mâu thuẫn về lợi ích giữa phe Real và Barca chỉ có vài chục tiếng trước giờ khởi tranh. Để rồi sau cùng những gì người hâm mộ thấy chỉ là Tây Ban Nha bấu víu vào thứ bóng đá cổ lỗ sĩ có tên tiki-taka, thứ bóng đá mà bất kỳ cầu thủ TBN nào cũng nằm lòng, cũng có thể triển khai ở dạng sơ khai nhất (là chuyền qua chuyền lại).
Sẽ thật là lố bịch nếu nói rằng Lopetegui có thể dẫn dắt Tây Ban Nha vô địch World Cup nếu còn tại vị. Song điều rõ ràng rất ngớ ngẩn ấy vẫn còn có lý hơn hẳn việc tin vào chuyện La Roja có thể đi tới một chiến quả nào đó tại World Cup lần với mâu thuẫn Real-Barca trong đội hình cùng thứ bóng đá chuyền qua chuyền loại tẻ nhạt đó.
Lopetegui đã quy phục, cân bằng được những lợi ích nhóm ấy. Nhưng Perez, đại diện của Real đã tới và quyết rũ ông. Để rồi, Pique, đại diện của Barca quyết định đạp đổ mọi thứ với quyết định tố cáo với truyền thông đầy ích kỷ.
Tây Ban Nha đã tự thất bại tại World Cup 2018 theo cách đó.
Bình Luận