Quá nhiều mật ngọt lẫn ảo tưởng từ cúp vàng World Cup có thể khiến những đôi chân lạc nhịp. Người Anh nên hiểu điều đó. Đây mới chỉ là vòng tứ kết, chặng đường mang cúp vàng World Cup “trở về nhà” vẫn còn dài với Tam sư. Và đừng quên, Thụy Điển không phải đối thủ dễ chơi.
Thụy Điển chẳng việc gì phải sợ Anh
Tin hay không thì Thụy Điển mới là đội tuyển lọt vào bán kết World Cup gần nhất trong cặp đấu tứ kết này thay vì Anh. World Cup 1994 trên đất Mỹ, Anh vắng mặt vì thành tích tệ hại trong giai đoạn vòng loại mà kết thúc là trận thua Hà Lan ở trận play-off.
Trong khi đó Thụy Điển tiếp đà thăng tiến từ Euro 1992 (lọt vào bán kết) để có được kỳ World Cup thành công nhất kể từ năm 1958 (thời điểm Thụy Điển tổ chức World Cup ẵm luôn ngôi Á quân).
Thế hệ của những ngôi sao như Henrik Larsson, Tomas Brolin, Martin Dahlin hay Thomas Ravelli đã giành lấy chiếc huy chương đồng trên đất Mỹ.
Nói lại chuyện cũ không phải để suy luận rằng Thụy Điển sẽ chắc chắn vượt qua Anh trong trận chiến đêm nay. Kể lại năm tháng hoàng kim của những Brolin, Dahlin, Ravelli là để chỉ ra rằng Thụy Điển không phải đối thủ ở tầm quá thấp so với Anh như nhiều người nghĩ.
Sức mạnh lớn nhất của Thụy Điển tại World Cup lần này là tinh thần tập thể. Họ đã thắng Hàn Quốc, Mexico và Thụy Sĩ đều nhờ sự đồng lòng trên dưới như một ấy của các cầu thủ.
Việc bỏ ngôi sao và cũng là cái tôi lớn nhất Zlatan Ibrahimovic ra khỏi đội hình tham dự World Cup sau cùng là quyết định sáng suốt nhất mà LĐBĐ Thụy Điển từng thực hiện.
Không còn “ông kễnh” Ibra, Thụy Điển thoải mái thi triển lối đá phòng ngự phản công tuy không hấp dẫn nhưng đầy hiệu quả. Đội bóng Bắc Âu chẳng cần chơi đẹp, mục tiêu lớn nhất của họ là chiến thắng.
Chính tư tưởng này sẽ là thách thức lớn nhất của ĐT Anh trong trận chiến đêm nay. Trước khi cuộc đấu với Colombia diễn ra, Michael Owen có thừa nhận về sức mạnh của Anh trên kênh truyền hình BT Sport.
“Chúng ta đã trầy trật vượt qua Tunisia ở phút cuối, đánh bại một đội bóng nghiệp dư và thua đội duy nhất xứng đáng được coi là đối thủ. Thế mà cả đất nước vẫn tin chúng ta có thể vô địch World Cup”, Owen cảnh báo.
Tuyên bố này của Owen dĩ nhiên nằm lọt thỏm trong những lời tán dương lẫn ca tụng của truyền thông Anh với Tam Sư sau khi Anh vượt qua Colombia trên chấm luân lưu.
Dẫu vậy thì nhận xét của cựu tiền đạo Liverpool cũng trực tiếp khẳng định kỳ vọng của người Anh tới Tam sư tại World Cup là rất lớn, và thậm chí có phần lạc quan quá đáng.
Không thể nói ĐT Anh không bị ảnh hưởng bởi áp lực này. Trước Colombia, các cầu thủ Anh đã chơi trận tệ nhất World Cup lần này nhưng vẫn thắng cuộc (vì Colombia chơi còn tệ hơn!).
Truyền thông Anh tô son hồng lên chiến công lọt vào tứ kết của người Anh cứ như thể Tam Sư chuẩn bị vô địch World Cup. Chính điều này sẽ giáng thêm một đòn vào tâm lý của các tuyển thủ Anh trước trận chiến với Thụy Điển.
Với Thụy Điển, tứ kết World Cup đã là thành công. Nhưng giờ với người Anh, tứ kết dứt khoát sẽ là thất bại. Áp lực vô hình này rồi sẽ khiến người Anh "lành ít dữ nhiều" trước đối thủ tới từ xứ Scandinavia.
120 phút và cái chết bất ngờ?
Có lý do nhất định để tin rằng Thụy Điển cũng như Anh sẽ biến trận đấu trên sân Samara Arena trở thành cuộc chiến khô hạn bàn thắng và chỉ được giải quyết trong hai hiệp phụ.
2/3 lần gần nhất Tam Sư chơi tại vòng tứ kết, những trận đấu đều kết thúc trên chấm luân lưu (trước Argentina tại World Cup 1998 và trước Bồ Đào Nha tại World Cup 2006).
Trên hết đó vẫn là việc tuyển Anh hiện tại chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào chứng minh rằng họ đủ khả năng knock-out Thụy Điển trong 90 phút. Hệ thống khá trơn tru (về cách vận hành) của HLV Gareth Southgate đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của Colombia, đội tuyển có tổ chức tốt cùng nền tảng thể lực sung mãn giống hệt Thụy Điển tại giải lần này.
Những cầu thủ chơi tốt trong giai đoạn vòng bảng như Jese Lingard hay Jordan Henderson đã chơi không tốt dưới áp lực knock-out. Những cá nhân cá biệt tâm lý yếu như Raheem Sterling thì chơi thực sự tệ.
Dẫu vậy thì nói đi cũng phải nói lại, bản thân Thụy Điển cũng chẳng phải đối thủ ưa tấn công. Sức mạnh có hạn cùng tư tưởng chơi phòng ngự phản công chiếu dưới điển hình khiến đội bóng Bắc Âu sẵn sàng kéo trận đấu đi xa nhất có thể.
Kịch bản hai đội cầm chân nhau trong 120 phút trước khi giải quyết số phận trên chấm luân lưu là khá lý tưởng trong trường hợp này.
Và rất có thể, Anh với áp lực tâm lý nặng hơn sẽ là bên thua cuộc.
Bình Luận