World Cup 2018 đang khởi đầu hấp dẫn và bất ngờ, nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video. Đội hưởng lợi từ VAR khá nhiều, kẻ ức chế không ít. Mọi cung bậc cảm xúc về phương pháp mang tính đột phá này có đủ.
"VAR chống lại bản chất bóng đá"
Bóng đá thời đại số đang giết chết những cảm xúc chỉ có ở môn thể thao vua. Công bằng chưa thấy đâu, điều hiện hữu rõ nhất là sự chán ngắt, những phút giây bùng nổ bỗng trở nên bị cắt đứt đột ngột. Khi một cầu thủ ghi bàn, anh ta cũng không dám ăn mừng hết cỡ bởi còn chờ VAR phán quyết.
Vì điều này, HLV Steve Darby, người từng dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games, không hề thích thú với thứ công nghệ mới này.
"VAR chống lại bản chất tự nhiên của bóng đá. Hiệu quả phương pháp này là giảm thiểu tình trạng dàn xếp tỷ số ở trọng tài", chiến lược gia người Anh nói.
Nhiều tên tuổi nổi tiếng cũng không ấn tượng với VAR. Huyền thoại Zinedine Zidane dùng từ "chán ngắt" để mô tả công nghệ này. "Phải mất đến 3 hay 4 phút sau trọng tài mới đưa ra quyết định. Điều đó làm mất đi những cảm xúc", Zidane chia sẻ. Tiền vệ Luka Modric có chung quan điểm, cho rằng "VAR không phải là bóng đá".
Ở trận Tây Ban Nha thắng Iran 1-0 hôm 21/6, VAR lên tiếng khi không công nhận bàn thắng của cầu thủ Iran. Người ghi bàn và cả đội trước đó đã chạy tới góc cờ, tất cả ăn mừng cuồng nhiệt.
Dễ hiểu cho cảm xúc của Iran. Họ đã ghi bàn vào lưới một trong những thủ môn hay nhất thế giới và trước Tây Ban Nha hùng mạnh. Sau cùng, VAR làm thay đổi tất cả.
Người Tây Ban Nha thở phào, để lại điều hiện hữu là những gương mặt ngán ngẩm của Iran. Họ không phản ứng quá dữ dội với trọng tài, bởi làm sao cãi được sự chính xác của công nghệ. VAR đã phán quyết, đồng nghĩa tất cả đều đúng. Thực chất cầu thủ Iran đã rơi vào thế việt vị.
Có người bảo rằng VAR mang đến công bằng, như tình huống kể trên. Nhưng ông Darby không hề bị thuyết phục bởi điều đó. "VAR vẫn có thể mắc sai lầm. Tình huống Harry Kane bị cầu thủ Tunisia phạm lỗi, VAR làm gì ở pha bóng đó. Rồi quả penalty ở trận Pháp gặp Australia cũng vậy", nhà cầm quân người Anh nói.
Ông Darby bình luận tiếp bóng đá chỉ cần đơn giản gói gọn trong hai khái niệm, "có" hoặc "không có" bàn thắng. Người ta có thể áp dụng công nghệ "Goal-Line" để xác định bóng đã qua vạch vôi hay chưa, tuy nhiên VAR đang khiến mọi thứ đi ngược với bản chất tự nhiên của bóng đá vốn đã tồn tại hàng chục năm qua.
Bóng đá là phải có tranh cãi. Điều đó mang đến sự hấp dẫn cho người xem. Thật tẻ nhạt nếu sau tiếng còi mãn cuộc của trọng tài không có giọt nước mắt, phản ứng mạnh mẽ hay những màn đấu đá trên truyền thông giữa hai đội.
Những khoảnh khắc lịch sử trên sân đấu làm tăng sự hấp dẫn của bóng đá. Nhưng nay, VAR triệt tiêu tất cả.
Cầu thủ trở thành nô lệ của công nghệ
Tờ Telegraph thống kê sau lượt trận vòng 1 của World Cup 2018, số lượng thẻ đỏ và việt vị giảm đáng kể. Chỉ có trung bình 0,06 thẻ đỏ trung bình mỗi trận được trọng tài rút ra hè này, thấp nhất kể từ năm 1986.
Trong khi đó, số pha việt vị trung bình mỗi trận dừng lại ở mức 2,81, thấp nhất kể từ năm 1966 (trung bình 3,13 pha việt vị).
Trong khi đó, tỷ lệ penalty ở World Cup 2018 tăng vọt đáng kể lên trung bình 0,56 quả phạt đền/trận. So với cùng kỳ này ở World Cup 2006 và 2010 chỉ có 0,06 quả penalty/trận. Ngoài ra, số bàn thắng từ các tình huống cố định cũng lên tới 55,3%, tăng 25% so với 4 năm trước. Nhờ có VAR, penalty giờ xuất hiện nhiều hơn trong các trận đấu.
Theo BBC, World Cup 2018 đã chứng kiến 10 quả penalty trong 17 trận. Kỷ lục về số quả penalty ở một kỳ World Cup là 18.
Liên quan đến những con số vừa nêu, cựu trọng tài FIFA và Premier League Keith Hackett không quá bất ngờ.
Ông giải thích với The Daily Telegraph: "Các đội đã được cảnh báo về hành vi thi đấu. Họ cũng có chút sợ hãi về phương pháp VAR bởi 33 máy quay lúc này được đặt trên sân sẽ theo dõi từng chi tiết nhỏ nhất".
Còn theo HLV Martin O'Neill của tuyển Ireland, VAR làm cầu thủ yếu đuối hơn, chỉ biết trông chờ vào trọng tài. Hễ một cầu thủ té ngã trong vùng cấm địa, cả đội đòi VAR. Sự mạnh mẽ của từng cá nhân cũng mất đi vì biết rằng công nghệ hỗ trợ họ. Theo thời gian, cầu thủ trở thành nô lệ của công nghệ.
Bóng đá sẽ phải thích nghi dần với VAR
Có rất nhiều lập luận để phản đối VAR. Những đội chịu thiệt thòi ở World Cup 2018 như Australia, Anh.. sẽ viện đủ mọi lý do để bài trừ phương pháp này. VAR cũng rất tốn kém nếu áp dụng trên toàn cầu và không phải quốc gia nào cũng có đủ kinh phí để chạy phương pháp này.
Nhưng theo HLV Martin O'Neill, bóng đá sẽ phải thích nghi dần với VAR. Công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video chưa hoàn hảo, nhưng không vô nghĩa. Thích hay không thích VAR, FIFA vẫn đang miệt mài mang đến sự công bằng cho các trận đấu từng vấp phải rất nhiều hoài nghi.
VAR cũng trở thành chỗ dựa cho FIFA, tổ chức đang chịu nhiều tai tiếng vì tham nhũng và hối lộ trong thời gian qua. Nhìn chung, đưa công nghệ trận đấu sẽ luôn vấp phản ứng trái chiều. Như một chiếc mề-đay luôn có hai mặt. Sự hữu ích của VAR giúp các trận đấu công bằng hơn.
Trọng tài giờ đây cũng không còn phải chịu nhiều áp lực nữa. Và tấn bi kịch như trọng tài biên Bogdan Dochev, chứng kiến khoảnh khắc Diego Maradona dùng tay ghi bàn vào lưới tuyển Anh ở World Cup 1986, chịu đựng sẽ giảm thiểu. Mọi oan ức và bí ẩn trong bóng đá sẽ được sáng tỏ nhờ VAR.
Dù bạn yêu hay ghét VAR, làng túc cầu có lẽ nên thích nghi dần với phương pháp này. Sau cùng, chào mừng đến một một thế giới bóng của công nghệ, với "Goal-Line" và VAR!
Bình Luận