“Cỗ xe tăng” - biệt danh của đội tuyển Đức mà báo chí Việt Nam thường dùng. Trên thực tế, truyền thông quốc tế thỉnh thoảng cũng sử dụng từ “Der Panzer”, nhưng nickname chính thức của nhà vô địch World Cup 2014 là “Die Mannschaft”.
Biệt danh “Cỗ xe tăng” thực ra mang hàm ý khen ít mà chê thì nhiều. Ý của nó là tuyển Đức lầm lỳ, rắn chắc như một cỗ xe tăng, hiệu quả tàn phá rất cao nhưng khô cứng, vô cảm xúc, chẳng có chút uyển chuyển hay nghệ thuật nào cả.
“Vua bóng đá” Pele từng mô tả đội tuyển Đức năm 1982 là “Karl-Heinz Rummenigge và 10 người máy”. Quả thật, thời kỳ đó "Die Mannschaft" chơi thứ bóng đá rất xù xì, thiên về sức mạnh cơ bắp với miếng đòn quen thuộc là tạt cánh đánh đầu.
Vũ khí bóng chết lợi hại
Nhìn cách chơi bóng của tuyển Anh ở World Cup 2018, có lẽ cũng có thể gán cho họ cái biệt danh đầy châm biếm ấy. Bởi các học trò của HLV Gareth Southgate cũng chỉ biết sử dụng sức mạnh cơ bắp, dùng vũ khí “bóng chết” để vượt qua các đối thủ.
Theo thống kê của FIFA, “Tam sư” đã ghi được 5 bàn thắng từ các pha đá phạt góc và phạt trực tiếp, 3 từ penalty. Anh là đội bóng đầu tiên ghi được 8 bàn thắng từ các pha bóng chết tại một kỳ World Cup kể từ khi Bồ Đào Nha lập thành tích tương tự hồi năm 1966.
Các cầu thủ Anh chiến thắng trong 59,7% các pha không chiến, cao hơn bất kỳ đội bóng nào ở World Cup 2018. Trung vệ Harry Maguire phòng thủ hiệu quả và cũng rất biết cách tạo sự khác biệt ở khung thành đối phương nhờ chiều cao và sức bật, như những gì anh đã thể hiện trước Thụy Điển.
Kieran Trippier được truyền thông quốc tế đánh giá cầu thủ tạt bóng tốt nhất đội tuyển Anh từng có kể từ David Beckham.
Ngược lại, tính đến trước trận bán kết, Anh mới chỉ ghi vỏn vẹn 3 bàn từ các pha triển khai không phải là bóng chết. Hai trong số đó là những bàn thắng vào lưới một Panama yếu ớt. Thậm chí một trong 2 bàn là một pha bóng chạm người hậu vệ đối phương văng vào lưới.
Điều đó cho thấy tuyển Anh thiếu trầm trọng sự sáng tạo và đột biến. Ở giữa sân, “Tam sư” không có những kỹ thuật gia có khả năng tổ chức và điều phối như Toni Kroos (Đức) hay Luka Modric (Croatia). Jordan Henderson hay Eric Dyer chỉ là những công nhân cần cù, thiếu sự sáng tạo và trí tưởng tượng.
Tại Manchester City, Raheem Sterling có 2 tiền vệ tài hoa là David Silva và Kevin De Bruyne hỗ trợ phía sau. Ở Tottenham Hotspur, Harry Kane và Dele Alli được nhạc trưởng Christian Eriksen cung cấp bóng rất hiệu quả.
Các cầu thủ tấn công của Anh như Alli hay Jesse Lingard có sức mạnh và tốc độ, nhưng ở họ người ta cũng không thấy được những pha bóng tinh tế. Cả tuyển Anh chỉ có duy nhất Sterling biết và dám cầm bóng đột phá, nhưng tiền đạo Manchester City tỏ ra rất vô duyên cho đến lúc này.
Croatia coi chừng
Thiếu vắng những kỹ thuật gia, Anh chỉ có thể dựa vào những pha tạt cánh đánh đầu và bóng chết. Vì vậy, thật khó để tìm thấy sự hào hứng và chất nghệ thuật trong những pha tấn công của tuyển Anh ở World Cup 2018.
Trang Eurosport từng mô tả chiến thắng của Anh trước Colombia ở vòng 16 đội là “trận đấu xấu xí nhất của World Cup, hoàn toàn không có chút trí tưởng tượng nào.”
Nhưng có lẽ sự thiếu hụt ấy cũng không ảnh hưởng nhiều đến cơ hội lọt vào chung kết World Cup của “Tam sư”. Bởi bóng chết là thứ vũ khí rất đáng sợ. Ba đội bóng gần đây nhất từng ghi 4 bàn trở lên từ các quả phạt góc tại một kỳ World Cup là Đức năm 2014, Italy năm 2006 và Pháp năm 1998. Tất cả đều trở thành nhà vô địch.
Và Croatia chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn với những pha bóng bổng của Anh. Ở vòng 16 đội, Đan Mạch mở tỷ số từ rất sớm trước Croatia sau một quả phạt góc. Trong trận tứ kết trước Nga, Croatia bị gỡ hòa 2-2 sau cú đánh đầu của Mario Fernandes ở phút 115.
Cú đá phạt trực tiếp của Alan Dzagoev khi đó khá nguy hiểm, nhưng hàng phòng ngự Croatia kèm người thiếu quyết liệt và hậu quả là để thủng lưới. Đó chắc chắn sẽ là điểm yếu để thầy trò HLV Southgate tận dụng tối đa trong trận bán kết tới, dù Modric mới tuyên bố Croatia sẽ luyện tập chống bóng bổng và bóng chết để đối phó với Anh.
Sức mạnh cơ bắp có thể là đủ để đưa Anh vượt qua Croatia, tiến vào trận chung kết World Cup 2018, thậm chí là giành cúp vàng danh giá sau 52 năm chờ đợi mỏi mòn kể từ chiến thắng năm 1966.
Nhưng chiến thắng của một đội tuyển Anh xù xì, xấu xí sẽ là cú đòn giáng mạnh vào bóng đá đẹp, nghệ thuật, uyển chuyển đã từng đưa Brazil, Pháp, Tây Ban Nha, thậm chí cả Italy và Đức lên đỉnh vinh quang.
Bởi với những người yêu bóng đá đẹp, pha đảo chân tinh tế của Zinedine Zidane, pha động tác giả khéo léo của Rivaldo để Ronaldo sút tung lưới Oliver Kahn, hay cú đỡ ngực và volley ngoạn mục của Mario Goetze… mới thực sự là những khoảnh khắc không thể nào quên.
Bình Luận