Vòng đấu bảng World Cup 2018 khép lại với đầy sự bất ngờ. Còn những cuộc tranh cãi, nhiều cuộc bàn luận sôi nổi về thất bại của tuyển Đức, sự toan tính “fair-play” nhưng không fair-play của tuyển Nhật, hay màn trình diễn như “chết đi sống lại” đến từ các ứng viên Argentina và Tây Ban Nha.
Trên phương diện cá nhân, các từ ngữ hoa mỹ nhất được gửi đến Cristiano Ronaldo, Lionel Messi, Paul Pogba, Luis Suarez, … những ngôi sao biết cách tỏa sáng đúng thời điểm đội bóng cần nhất. Trái ngược là nhiều lời chê bai, sự hoài nghi về phong độ đến từ nhiều tên tuổi như Mesut Oezil, Neymar và De Gea vốn thi đấu đầy thất vọng.
Với đầy cung bậc cảm xúc khác nhau, tuy nhiên, có một điểm chung dễ nhận thấy trong 48 trận đã qua, các đội tuyển mạnh không còn dễ đánh bại các đối thủ bị đánh giá yếu hơn nữa.
Phòng ngự luôn dễ hơn tấn công
Môn thể thao vua luôn tồn tại chân lý “đội chơi hay chưa chắc sẽ giành chiến thắng”. Bóng đá hiện đại với đầy sự khoa học và tính toán đến từng sai số dù chỉ nhỏ nhất, các đội bóng không nhất thiết phải chọn lối chơi thiên về tấn công làm chủ đạo.
Đặc biệt khi chạm trán với đối thủ được đánh giá cao hơn, đội bóng “cửa dưới” luôn chọn phương án phòng ngự phản công để tìm kiếm kết quả tốt nhất. Nên nhớ rằng phòng ngự lúc nào cũng dễ hơn tấn công, bởi không bị thủng lưới mới là yếu tố tiên quyết đảm bảo cho chiến thắng.
“Tôi bất ngờ với màn trình diễn của các đội tuyển chiếu dưới. Họ chơi quá kỷ luật, có độ tập trung cao. Hiện trình độ khoảng cách giữa các đội tuyển không lớn. Các đội bóng mạnh với đầy ngôi sao khi gặp đối thủ yếu nhưng có đội hình đồng đều, chơi đoàn kết và bọc lót tốt cho nhau thì khó có thể đánh bại được họ”, cựu tuyển thủ Việt Nam Vũ Như Thành mở đầu cuộc chia sẻ với PV.
Nhà vô địch AFF Cup 2008 lấy dẫn chứng về thất bại 0-1 của ĐT Đức trước ĐT Mexico. Số lần dứt điểm đến từ “Die Mannschaft” là 26, gấp đôi con số 13 của đối thủ. Nhưng độ hiệu quả thì ĐT Mexico lại hơn với bàn thắng quyết định. Nếu các học trò HLV Juan Carlos tận dụng tốt các đường phản công nhanh thì bàn thắng đến với “El Tri” không phải con số 1.
Lionel Messi là điểm tối trong trận hòa 1-1 của ĐT Argentina với ĐT Iceland. Bởi khi thuyền trưởng Hallgrimsson bố trí hai cầu thủ theo “Leo” như hình với bóng thì chân sút này không còn chính mình. Như Thành tiếc vì ĐT Iceland không phản công tốt như ĐT Mexico để có thể kết liễu á quân World Cup 2016.
Đừng gọi phòng ngự tiêu cực
Tại World Cup 2018, hầu hết đội bóng lớn đều muốn sớm đánh phủ đầu đối thủ thấp hơn để kiếm tìm lợi thế nhất định. Họ nhập cuộc đầy khí thế và tấn công ào ạt với những đường triển khai bóng liên tục. Nhưng lại vấp phải một lối đá “tử” thủ đầy khó chịu đến từ các đội bóng cửa dưới.
Nhiều người bảo rằng đó là phản bóng đá, nhưng với trình độ không cho phép nên họ không có nhiều sự lựa chọn. Các đội tuyển xây dựng hệ thống phòng thủ phù hợp với con người sẵn có, và tất cả sẽ bật ra nếu có cơ hội phản công. Đó là một cự ly đội hình được đảm bảo giữa ba tuyến và các vị trí trong cùng một tuyến.
“Phòng ngự tiêu cực chỉ đúng dưới một góc độ nào đó thôi. Các đội bóng không có khả năng chơi tấn công tốt, họ buộc chọn phương án phòng thủ với lối đá thực dụng. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ vì mục đích cuối cùng là giành kết quả tốt nhất có thể”, trung vệ hàng đầu bóng đá Việt Nam nói tiếp.
Như Thành ví lối chơi phòng ngự phản công này có nét tương đồng với sơ đồ 4-5-1 của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Henrique Calisto. Tức ưu tiên phòng ngự tập trung, trước khi có cơ hội phản công thì thoát ra và bung nhanh nhằm “hạ gục” đối thủ. Chính cách đá ấy giúp thầy trò Calisto xưng vương Đông Nam Á năm 2008.
Lối đá tấn công đẹp mắt lỗi thời?
“Nói lối đá tấn công đẹp mắt với sự hoa mỹ đã lỗi thời thì cũng hợp lý. Bóng đá thế giới sau nhiều năm thiên về lối chơi kiểm soát bóng của ĐT Tây Ban Nha hay ĐT Đức, thì người ta cũng tìm được cách khắc chế. Ở World Cup 2018, khi các đội yếu đã quen với cách đá của họ thì dễ dàng làm phá sản lối chơi ấy”, Như Thành nhận định.
Nhiều đội tuyển hiện nay có xu hướng thiên về bóng đá phòng ngự và có sự thành công nhất định. Cựu đội trưởng ĐT Việt Nam lấy ví dụ về thành công của ĐT Bồ Đào Nha với chức vô địch EURO 2016, hay mới đây là ngôi á quân châu Á đến từ U23 Việt Nam.
Trong bối cảnh nhiều thế lực mới đang trỗi dậy với những cách chơi mới mẻ hơn, thì phải thừa nhận lối đá tấn công đẹp mắt của ĐT Tây Ban Nha hay ĐT Đức đang dần suy yếu. Sau thời kỳ đỉnh cao, nền bóng đá của những quốc gia này đang đối mặt với thử thách đến từ cuộc chuyển giao thế hệ. Thất bại của tuyển Đức vừa qua là ví dụ điển hình nhất.
“Khi lối chơi phòng ngự tốt và gặt hái những hiệu quả, thì bóng đá tấn công đang gặp vấn đề hoặc đang đi xuống. Rõ ràng, nếu các đội tuyển biết cách xuyên thủng mảnh lưới đối phương, cách chơi phòng ngự phản công chơi không bao giờ hiệu quả”, Như Thành kết luận.
Người yêu cái đẹp luôn chọn bóng đá hoa mỹ với tấn công làm phương thức chủ đạo để thưởng thức. Thế nhưng, đẹp phải đi đôi với hiệu quả, và tất cả muốn làm mọi cách để đạt được mục đích đề ra. Rõ ràng, có nhiều cuộc bàn luận, tranh cãi về vấn đề này. Nhưng đó mới là cảm xúc thật mà bóng đá đem lại.
Bình Luận