Sau hiệu ứng thành công của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á, V-League 2018 đã có một sự khởi đầu không thể tuyệt vời hơn khi trong 5 vòng đấu đầu tiên, giải đấu cao nhất Việt Nam đã thu hút tới 325.300 người (trung bình 9286 người/ trận).
Làm một phép so sánh với mùa trước, chúng ta sẽ thấy những con số trên ấn tượng đến thế nào. Cụ thể, sau 5 vòng đầu tiên ở V-League 2017, lượng khán giả đến sân chỉ là 191.000 người (trung bình 5457 người/ trận).
Tuy nhiên, những vòng đấu gần đây lại đang chứng kiến sự suy giảm đáng kể trên các khán đài V-League 2018. Nếu như trong 5 vòng đầu tiên, vòng cao nhất có đến 80.000 CĐV đến sân, thì từ vòng 6 đến vòng 10, vòng cao nhất cũng chỉ có 52.000 người đến sân là vòng 6.
Thậm chí, 3 vòng gần nhất lượng khán giả đến sân còn có xu hướng giảm dần. Vòng 8 là 50.000 người, vòng 9 là 46.000 và đến vòng 10 thì chỉ còn 42.500 CĐV đến sân. Nếu không có những biện pháp kịp thời để kéo khán giả đến sân thì e rằng, những con số trên sẽ còn tiếp tục tụt xuống ở những vòng đấu tới.
Vậy vì sao V-League 2018 lại rơi vào tình trạng này? Đó là vì hiệu ứng U23 Việt Nam đã bắt đầu hạ nhiệt. Sức tác động từ hiệu ứng ấy chỉ mang tính nhất thời, thời giản trôi đi, mọi thứ sẽ nhạt dần và điều quan trọng nhất để hút khán giả đến sân chính là ở chất lượng của V-League.
Thế nhưng, V-League năm nay vẫn chưa thể nâng cao được chất lượng, để có thể kéo khán giả đến sân nhiều hơn, nhất là khi những vấn đề cũ còn tồn tại. Vẫn còn đó những tiếng còi gây tranh cãi, những xử lý sai lầm của các vị 'vua áo đen' trên sân cỏ cả nước.
Bên cạnh đó, những hành vi bạo lực vẫn tiếp tục xuất hiện, pha bỏ bóng đạp người của Tăng Tiến (HAGL) hay pha vào bóng khiến đối phương gãy xương sườn của Hải Huy (Than Quảng Ninh) là những ví dụ như thế.
Khi chất lượng trên sân chưa được nâng cao, thì những gì diễn ra ở thượng tầng càng khiến nhiều CĐV ngao ngán. Những tranh cãi của các ông bầu hay những scandal của các quan chức trong Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khiến cho người hâm mộ mất dần hứng thú đến sân.
U23 Việt Nam đã tạo ra một hiệu ứng tích cực, một sức sống mới cho V-League 2018. Nhưng “cơn sốt” ấy rồi sẽ “nguội” đi, và thứ duy nhất để giúp V-League phát triển bền vững chính là chất lượng của giải đấu được nâng cao. Khi ấy, chưa cần những hiệu ứng như U23 Việt Nam thì các CĐV cũng sẽ lấp đầy những khán đài trên sân cỏ cả nước.
(Bạn đọc: Ngọc Hoàng)
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về [email protected]. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam
Bình Luận