Nhà máy của những giấc mơ: Hậu trường lò đào tạo M.U

Marcus Rashford và Jesse Lingard vẫn đều đặn trở lại học viện Manchester United (M.U) ở Carrington để tập luyện các bài tập sút trúng mục tiêu.
 - Bóng Đá

 

Scott McTominay vẫn đỗ xe quanh sân trước ở Carrington, thay vì ở bãi đỗ xe sân sau dành cho các cầu thủ đội một. Những niềm hy vọng của học viện nhìn vào hành động đó để noi theo. Họ cũng nhìn thấy Paul Pogba đi loanh quanh chào hỏi những người thầy cũ. Họ hiểu rằng ở M.U, tinh thần cống hiến và khiêm tốn bắt buộc phải có.

Nối dài kỷ lục có một không hai

Ở học viện M.U ngày hôm ấy, sự chú ý của các cầu thủ trẻ được dành cho trận derby thành Manchester. Nhưng với người đứng đầu học viện, Nicky Butt, và người đứng đầu khâu đào tạo trẻ, John Murtagh, họ vẫn đang miệt mài tập trung chuẩn bị cho thế hệ cầu thủ kế tiếp ở câu lạc bộ, và nối dài một kỷ lục có một không hai. “Tháng 10 năm 1937,” Murtagh tự hào nói về thời điểm gần nhất United không có lấy một cầu thủ cây nhà lá vườn nào hiện diện trong đội hình một trận đấu.

Những tài năng tuổi teen ở MU vẫn tiếp tục được sản sinh, như Angel Gomes, cầu thủ đã có màn ra mắt ở FA Cup trước Yeovil Town; Aliou Traore, người được mang về từ PSG; Jim Garner, tiền vệ sinh ra ở Birkenhead (New Zealand) với tố chất thủ lĩnh; và viên ngọc thô Mason Greenwood, chàng trai mới 16 tuổi nhưng thích đá penalty bằng chân phải lẫn chân trái.

“Tháng 10 năm 1937 là thời điểm gần nhất Manchester United không có cầu thủ cây nhà lá vườn nào hiện diện trên sân”

Vào một buổi sáng đẹp trời thứ Năm nào đó ở Carrington, người ta có thể nhìn thấy Garner vẽ nên những đường cong mềm mại và đầy chính xác. Dưới cái vẻ nhìn chằm chằm đầy hài lòng của Butt, Garner còn thực hiện các pha tắc bóng chuẩn xác và đầy dũng mãnh.

Butt dạo quanh trên sân tập, trò chuyện cùng Kieran McKenna, huấn luyện viên đội U18 được đánh giá rất cao của học viện. Thế rồi anh dừng lại, sút một quả bóng trôi dạt đến chân mình, bóng cuộn vào lưới từ góc sút không tưởng. Bọn trẻ trố mắt nhìn theo. Đến lúc giải lao, Garner cố thử thực hiện cú sút tương tự.

 - Bóng Đá

 Nicky Butt giờ là giám đốc Học viện đào tạo trẻ của Manchester United. Ảnh: Times.

Trở về phòng thay đồ của mình, Garner và các đồng đội bước đi trên một hành lang được trang hoàng bởi các bức ảnh của Butt và những gương mặt nổi bật nhất từng trưởng thành từ học viện câu lạc bộ, từ Best đến Beckham, từ Charlton đến Giggs và Rashford. “Các em ấy hiển nhiên là có biết Marcus và Jesse, cũng như những ‘hàng khủng’ khác như tôi hay các cựu cầu thủ của câu lạc bộ. Bọn trẻ biết rõ lịch sử United,” Butt chia sẻ.

Trong một dịp tình cờ, đội U19 của United đến Belgrade thi đấu đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa hàng không Munich. “Chúng tôi đến khách sạn nơi những huyền thoại ngày đó từng có bữa ăn cuối cùng,” Butt bồi hồi kể lại. “Trong đầu tôi nghĩ, ‘Chắc bọn trẻ không biết gì đâu, chúng còn quá nhỏ mà.’ Nhưng không, ở khách sạn, họ vẫn còn lưu giữ thực đơn hồi năm 1958, thậm chí còn có cả những đoạn băng ghi hình vào ngày đó. Thật xúc động!”

“Ngay cả những đứa 15, 16 tuổi cũng đến khu vực tưởng niệm, một vài đứa còn đến thăm mộ và đặt vòng hoa trên đó. Các em cần phải biết về lịch sử câu lạc bộ. Điều đó vô cùng quan trọng. Tôi còn nhớ hồi mình đến Old Trafford ít nhất mỗi tuần một lần để lấy trải nghiệm. Chúng tôi đi ngang qua phòng của Sir Matt Busby thời ông ấy còn sống. Cứ đi tới là chúng tôi biết rõ Sir Matt là ai. Chính Sir Alex là người đã nói cho chúng tôi biết về ông ấy.”

“Các em cần phải biết về lịch sử câu lạc bộ. Điều đó vô cùng quan trọng”

Từ những “babes” cho đến “fledgelings” (những cậu nhóc của Busby và những cậu nhóc của Fergie), lịch sử M.U được định hình và viết nên bởi công tác đào tạo trẻ. “Học viện câu lạc bộ vẫn đang cực kỳ phát triển,” Butt nói. “Nếu không, tôi làm gì có việc ở đây.”

Còn học viện là còn câu lạc bộ

Cũng vì lẽ đó mà Butt mới có thể tiêu hóa được nỗi thất vọng khi đội U23 của United đang phải chịu đựng một mùa giải thảm hại. “Có ba nơi đào tạo cầu thủ trẻ lớn nhất ở Anh, là Southampton, Tottenham và United. Southampton không góp mặt ở giải đấu. Tottenham đang gần đáy bảng xếp hạng và chúng tôi thì ở vị trí đó. Điều này đã tự nói lên tất cả.” Butt hết sức không hài lòng với mô hình bóng đá dành cho lứa U23 hiện tại. “Nếu các cầu thủ trẻ không được vào đội một hoặc tập luyện cùng đội một ở tuổi 20, 21, họ sẽ không tài nào gặt hái thành công ở đây.”

Pogba có lúc đã từng là một ví dụ cho điều đó. Anh không đủ xuất sắc để vào đội một dưới thời Ferguson, nhưng lại quá vượt trội so với đội dự bị. “Khi cậu ấy còn ở đây, hàng tiền vệ đội một là Paul Scholes, Michael Carrick và Darren Fletcher. Đấy rõ ràng không phải là những cầu thủ dạng vừa.”

“Vậy là cậu ấy ra đi, vì tiền bạc hay gì đó không quan trọng, và trở thành một trong những tiền vệ hay nhất thế giới thời điểm đó ở Juve. Nếu Pogba ở lại đây và tù hãm ở đội dự bị, cậu ấy có lẽ sẽ không bao giờ có tên trên bức tường ở học viện. Chúng tôi may mắn khi mang được Pogba trở lại. Cậu ấy là niềm tự hào của chúng tôi.”

 - Bóng Đá

 Pogba, Lingard và Rashford, những niềm tự hào của lò đào tạo Manchester Unied.

Còn niềm tự hào của học viện. “Những nền tảng của chúng tôi luôn được đảm bảo, cho dù đó là David Moyes, Louis van Gaal hay Jose Mourinho làm huấn luyện viên trưởng đội một,” Butt tiếp tục. “Ban lãnh đạo, những ông chủ và phó chủ tịch điều hành Ed Woodward từng nói với chúng tôi thế này ‘học viện câu lạc bộ hết sức quý giá, đó là nguồn dự trữ quan trọng của đội bóng, hãy điều hành nó như cách các anh ước ao’.”

Butt cũng hết sức quan tâm đến những sự đầu tư của Manchester City dành cho công tác đào tạo trẻ, phát triển tài năng, như Phil Foden, và sự đóng góp cho các lứa trẻ của tuyển Anh. Nhưng đã có bao nhiêu gương mặt trong số đó góp mặt vào đội hình cho trận derby thành Manchester? Trận đấu vừa qua, United có bốn cầu thủ trưởng thành từ học viện đào tạo của câu lạc bộ trong đội hình – hai người đá chính, hai người vào sân trong hiệp hai và một cầu thủ khác ngồi dự bị. City ngược lại,không có bất kỳ cầu thủ nào.

“Chúng tôi không biết rõ động cơ của City là gì. Nhưng với United, điều quan trọng mà chúng tôi hướng tới luôn là mang những cầu thủ đến với đội một, ai hay ai dở thì hãy cứ nhìn vào trận derby vậy.”

“Tôi không rõ động cơ của City là gì, và tôi cũng không muốn quan tâm tới,” Butt phản hồi. “Tôi biết là họ có một cơ sở vật chất rất hoành tráng, tôi cũng biết họ đã làm được gì trong khoảng thời gian 10 năm qua và không ai có thể phủ nhận những thành tựu của họ. Phải, những gì họ đạt được hết sức tuyệt vời. Nhưng với United, điều quan trọng mà chúng tôi hướng tới luôn là mang những cầu thủ đến với đội một, ai hay ai dở thì hãy cứ nhìn vào trận derby vậy, nhìn vào đội hình xuất phát. Các ông chủ và ban lãnh đạo luôn đặt ra yêu cầu cho chúng tôi, ‘Các anh phải cung cấp cầu thủ cho đội một.’ Và chúng tôi đang làm như vậy.”

Mourinho không phải Sir Alex

Nicky Butt cũng thích cách Mourinho đang sử dụng nguồn tài nguyên của học viện. “Chúng tôi có nguồn tài chính lớn nhất thế giới và chúng tôi có thể đến bất kỳ đâu để mang về bất kỳ cầu thủ nào mình muốn. Chúng tôi còn là nơi có trình độ đào tạo cầu thủ tốt nhất và làm việc ở câu lạc bộ mà tôi đoán chừng có ngân sách chuyển nhượng lớn nhất.”

 - Bóng Đá

 Sir Alex Ferguson và Jose Mourinho từng đối đầu nhiều lần trên sân cỏ.

“Mourinho đến gặp tôi và nói, ‘Tôi là huấn luyện trưởng đội một. Cậu là huấn luyện viên trưởng ở học viện. Tôi vốn ích kỷ. Tôi muốn đưa các cầu thủ đi trên con đường chiến thắng. Chúng ta sẽ nói về những cầu thủ có cơ hội ở đội một.’ Tôi không thể đòi hỏi gì hơn ở ông ấy. Tôi nhìn vào những gì Jose đã làm với Scott. Cũng như những cầu thủ trẻ khác. Ông ấy gọi điện cho tôi sáng nay và nhờ tôi gửi một cầu thủ từ học viện đến cho ông ấy.”

“Jose Mourinho vốn được dán cái mác rằng ông ấy không trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ, nhưng nếu bọn trẻ giỏi thật sự, Mourinho sẽ làm, vì điều đó cơ bản là chỉ mang đến lợi ích cho ông ấy. Ông ấy trò chuyện với chúng tôi về học viện của câu lạc bộ. Thỉnh thoảng, ông ấy có tính khí thất thường, nhưng đó là khi Mourinho đang bận rộn với công việc của mình.”

“Mourinho từng ngồi nói chuyện với các cầu thủ U14 nửa giờ đồng hồ trước khi các em lên đường sang Bồ Đào Nha cho một tour du đấu. Với tôi, những gì Mourinho đã làm với các cầu thủ trẻ là quá đủ so với chúng tôi mong muốn.”

“Ông ấy từng ngồi nói chuyện với các cầu thủ U14 nửa giờ đồng hồ trước khi các em lên đường sang Bồ Đào Nha cho một tour du đấu. Mourinho hỏi bọn trẻ về những kỳ vọng của chúng. Ông ấy là huấn luyện viên trưởng của câu lạc bộ lớn nhất thế giới. Với tôi, những gì Mourinho đã làm với các cầu thủ trẻ là quá đủ so với chúng tôi mong muốn.”

“Mourinho không phải Sir Alex. Sir Alex có một tầm nhìn dài hạn. Ông ấy biết đến tôi khi tôi mới chỉ 13 tuổi. Ông ấy có kế hoạch 10 đến 15 năm vạch ra cùng ban lãnh đạo và ngài Martin Edwards. Còn Mourinho hiện tại thì có thể không như vậy. Mourinho phải bận rộn với việc giúp đội bóng chen vào tốp 4, đưa United trở lại với chiến thắng, và thêm vào đó, ông ấy lúc nào cũng phải nghe văng vẳng bên tai câu nói, ‘Ông cần phải mang các cầu thủ ở học viện lên đội một, huấn luyện viên nào ở đây xưa giờ cũng làm như thế cả’.”

 - Bóng Đá

 McTominay là một trong những phát hiện của M.U mùa này.

“Điều đó thật tuyệt với chúng tôi, nhưng với Mourinho thì lại là cơn ác mộng. Niềm vui của đội ngũ huấn luyện viên chúng tôi ở học viện là chứng kiến những cầu thủ như Scott hay Marcus được gọi vào đội một, và chúng tôi không còn huấn luyện họ nữa. Những cầu thủ giỏi được gửi đến Mourinho là phụ thuộc vào chúng tôi. Khi Scott lên đội một, Mourinho có lẽ cảm thấy chút không an tâm. Và thành thật mà nói, đến ngay cả chúng tôi cũng cảm thấy như vậy.” Điểm mạnh của McTominay nằm ở cá tính, sự năng nổ hoạt động và chiều cao (một điểm Mourinho ưa thích), những điều đó đã chiếm được cảm tình của vị huấn luyện viên người Bồ Đào Nha. “Scott không hề bối rối chút nào, cậu ấy hoàn toàn là một sản phẩm của United.”

“Tôi có thể không ngừng kêu than về việc đội U23 đang đứng ở đáy bảng xếp hạng, nhưng rốt cục, điều gì là tốt nhất? Đội U23 ở đáy bảng xếp hạng và có 4 cầu thủ góp mặt trong trận derby hay ngược lại? Tôi đã biết câu trả lời của mình sẽ là như thế nào và câu trả lời mà câu lạc bộ sẽ chọn là gì. Chúng tôi đào tạo những cầu thủ cho đội một giỏi hơn bất kỳ ai. Chúng tôi thậm chí còn đào tạo cầu thủ đội một cho cả những câu lạc bộ khác giỏi hơn bất kỳ ai.”

Giúp cầu thủ trẻ trở thành con người

“Có 64 cầu thủ do chúng tôi đào tạo thi đấu ở hai giải đấu cao nhất nước Anh. Nhiều gương mặt không thể có được cơ hội ở đây, như Danny Drinkwater và Michael Keane. Nhưng không có gì phải tiếc nuối hay xấu hổ cả, vì số lượng thành công ở đây là rất ít. Vấn đề là chúng tôi trao cho những cầu thủ này những công cụ để họ có thể tạo lập được sự nghiệp ở một câu lạc bộ khác, cũng như giúp họ trở thành một con người đúng nghĩa. Chúng tôi dạy họ phải trở thành những công dân tốt. Dạy họ biết tự tìm đến và nói chuyện với quý cô Sarah ở căng-tin; tự mang đĩa thức ăn của mình lại, và từ đó họ có thể bước đi trên bất cứ ngã rẽ nào của dòng đời và trở thành những con người thành công.”

Trên bức tường của học viện có một bức ảnh nhỏ chụp cảnh Lionel Messi sau trận đấu giữa Argentina và Croatia ở Upton Park vào năm 2014. Messi đang tự lau chùi đôi giày của anh. Và thông điệp hết sức rõ ràng, như đôi giày được Messi vệ sinh bóng loáng: những cầu thủ vĩ đại không quên những nền tảng căn bản, gồm cả sự khiêm tốn.

 - Bóng Đá

 Bức ảnh lau giày ở sân Upton Park năm 2014 nói lên rất nhiều điều.

Murtagh thì miêu tả: “Chúng tôi có những giá trị bóng đá ở đây – tấn công, khoáng đạt, hấp dẫn, và xét ở khía cạnh con người, chúng tôi muốn những cầu thủ có đức độ, khiêm tốn, thật thà, chăm chỉ và được nể trọng.”

“Chúng tôi là những người trông coi màu cờ sắc áo CLB và chúng tôi muốn các cầu thủ trẻ phải ý thức được trách nhiệm của họ một khi trở thành cầu thủ của M.U. Trong chuyến đi đến Hong Kong với một nhóm các cầu thủ 15, 16 tuổi, bọn trẻ của chúng tôi được giao nhiệm vụ chỉ dạy, hướng dẫn cho những đứa trẻ sống ở khu vực có các tòa nhà cao tầng. Tất cả những trải nghiệm này là một phần trong việc giúp những cầu thủ trẻ của chúng tôi trưởng thành hơn. Sau đó, chúng tôi nhận được email khen ngợi các em.”

“Tôi từng nói chuyện với một phụ huynh, ông ấy tâm sự rằng ngay cả khi cậu con trai của mình không thể trở thành một cầu thủ của đội một M.U, thì ít nhiều thằng bé cũng đã đi đến 8 quốc gia, nhiều hơn so với chính ông ấy. Tuần trước, chúng tôi có sáu đội khác cũng ra nước ngoài: hai đến Tây Ban Nha, một đến LA, một đến Italy, một đến Dallas và một đến Scotland. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng nếu may mắn, những cầu thủ trẻ được trao cơ hội để đến với Jose, các em sẽ không cảm thấy sốc.”

Butt tiếp tục: “Chúng tôi cố gắng không để các em chịu quá nhiều áp lực. Một cậu nhóc 13 tuổi đi đến trường học, áp lực sẽ ngay lập tức xuất hiện vì mọi người sẽ nhìn vào em ấy và nói, ‘Xem kìa, nó đang chơi cho M.U đó, rồi nó sẽ thành cầu thủ và có thu nhập như triệu phú cho mà xem.’”

Để có thể giúp các cầu thủ trẻ đương đầu trước áp lực, Chris McCready, trước từng là người của Tranmere Rovers, và nhà tâm lý học thể thao Dan Ransom cùng nhau có mặt trên lầu của một lớp học. Họ yêu cầu các cầu thủ U13 và U14 viết ra “ba khoảnh khắc mà các em cảm thấy phải chịu nhiều áp lực nhất”, từ đó cùng nhau thảo luận và giúp các em khắc phục vấn đề.

 - Bóng Đá

 

Sau khi theo dõi các đoạn băng video về trận chung kết Champions League 1999 và 2008, cũng như chung kết FA Cup 2016, những cầu thủ trẻ này được cho vào vai của những cầu thủ như Ole Gunnar Solskjaer, Carrick và Lingard xuất hiện trong một cuộc họp báo. Cậu nhóc đóng vai Carrick xử lý một cách khéo léo với câu hỏi rằng liệu em có cảm thấy thông cảm cho người đồng đội ở tuyển Anh là John Terry, sau khi anh ta trượt chân ở Moskva. Nhà ngoại giao nhí đó mới 13 tuổi.

Một vài cầu thủ trẻ nơi học viện của M.U có xuất thân từ những gia đình thiếu thốn. Một người mẹ của cậu con trai đang theo học ở học viện lặng lẽ thu gom những chiếc bánh sandwich còn để lại trong khu vực dành cho các phụ huynh vào thăm con, bà mang về nhà cho những người anh em ruột đang đói của cậu con trai tài năng.

Một cầu thủ trẻ thường phải chứng kiến những xung đột gia đình giữa ba và mẹ của em. Một vài cầu thủ trẻ nữa thì ngây thơ đăng những dòng nội dung nguy hiểm trên Instagram. Đó là lúc Butt nói về vai trò của mình: Làm công tác xã hội

Một cầu thủ trẻ khác thì thường phải chứng kiến những xung đột gia đình giữa ba và mẹ của em. Một vài cầu thủ trẻ nữa thì ngây thơ đăng những dòng nội dung nguy hiểm trên Instagram. Đó là lúc Butt nói về vai trò của mình: “Anh có thể gọi việc làm của chúng tôi một phần nào đó là công tác xã hội. Chúng tôi trò chuyện với bọn trẻ về cách để các em trở thành cầu thủ của MU. Chúng tôi nói với các em rằng sẽ phải có những sự hy sinh, đánh đổi, rằng các em sẽ phải thật chăm chỉ học tập. Có một cầu thủ nọ lơ đễnh một chút trong buổi tập với đội một. Tôi liền tỏ ra cáu giận với em ấy. Tôi nói, ‘Đó rất có thể sẽ là lần cuối cùng em được đứng trước huấn luyện viên Mourinho.’”

“Tôi nói tiếp, ‘Buổi tập đó còn quan trọng hơn bất kỳ trận đấu nào em sẽ chơi ở mùa giải này, từ U23, U19 đến U18. Có được cơ hội tập luyện trước sự chứng kiến của huấn luyện viên và thể hiện cho ông ấy thấy được tài năng của bản thân là một điều vô giá, em biết không.’ Thế là trong lần tiếp theo em ấy được dịp tập luyện cùng đội một lần nữa, Mourinho tắm tắc khen lấy khen để.”

Không phải ai cũng là Messi

Butt cũng lo lắng về những yếu tố ảnh hưởng đến hệ thống của học viện lúc này. “Cầu thủ trẻ nào cũng muốn trở thành một số 10, như Messi. Điều đó tốt thôi, vì nó có nghĩa là các em muốn được chơi thứ bóng đá chất lượng và đúng đắn, nhưng đồng thời các em cũng không được quên rằng Roy Keane và Steven Gerrard từng xuất sắc ra sao; những mẫu cầu thủ box-to-box này giờ đây không còn là những sản phẩm hiện đại của học viện nữa. Các học viện bóng đá ngày nay đang sản sinh ra quá nhiều những cầu thủ tương đồng nhau.”

Đó chính là một lý do vì sao United lại mang những cầu thủ trẻ của họ ra khỏi chương trình thi đấu của bóng đá Anh, từ đó phát triển các em ở nước ngoài. “Tôi từng trò chuyện với Kieran về Dallas Cup,” Murtagh nhớ lại. “Cậu ấy kể với tôi, ‘Liệu có còn nơi nào khác để tôi tạo ra được hoàn cảnh mà một phút trước bọn trẻ đang chơi bóng trước 20.000 người ở Dallas Bowl, thì sang đến vòng tiếp theo lại thi đấu ở một khu đất mà sân đấu như ruộng, trọng tài thì bắt tệ kinh khủng và đối thủ Mexico thì chỉ chăm chăm đá chân đá cẳng, thọc mắt đội bạn, và vờ ngã trên sân?’”

“Đấy chính là một trong những thứ chống lại chúng tôi trong hệ thống học viện. Liệu nó có quá thuần túy không? Dù lúc này hay lúc khác, việc phải chơi trên một mặt sân tệ không hẳn đã là điều dở. Biết đâu đấy ở vòng ba của FA Cup, chúng tôi bốc phải lá thăm đưa đội bóng đến một sân đấu tạp nham nào đó. Khi ấy, chắc chắn các cầu thủ sẽ ghi nhớ.”

Bằng nền giáo dục và đào tạo của mình, United chuẩn bị hết mọi tình huống cho các cầu thủ trẻ của mình. “Chúng tôi truyền đạt niềm tin cho các em,” Butt đúc kết. “Các em sẽ phải có khả năng bộc lộ và phát huy bản thân ở một sân khấu lớn. Nếu không thể, các em ấy sẽ không thể trở thành một cầu thủ của M.U.”

 - Bóng Đá

 Thế hệ 1992 huyền thoại trưởng thành từ lò đào tạo Manchester United.

Những cầu thủ trưởng thành từ học viện của M.U

Kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên Premier League, đã có 68 cầu thủ trưởng thành từ học viện MU và từ đó có màn ra mắt giải đấu tại câu lạc bộ.

Ngày ra mắt của những cầu thủ này được liệt kê bên dưới (những cầu thủ bôi đậm hiện vẫn đang còn hợp đồng với M.U):

  • Nicky Butt - 21/11/1992 - 270 lần ra sân
  • Ben Thornley - 26/2/1994 - 9 lần ra sân
  • Colin McKee - 8/5/1994 - 1 lần ra sân
  • Gary Neville - 8/5/1994 - 400 lần ra sân
  • Paul Scholes - 24/9/1994 - 499 lần ra sân
  • Keith Gillespie - 8/10/1994 - 9 lần ra sân
  • Simon Davies - 19/11/1994 - 11 lần ra sân
  • Kevin Pilkington - 19/11/1994 - 6 lần ra sân
  • Phil Neville - 11/2/1995 - 263 lần ra sân
  • David Beckham - 2/4/1995 - 265 lần ra sân
  • John O’Kane - 19/8/1995 - 2 lần ra sân
  • Terry Cooke - 16/9/1995 - 4 lần ra sân
  • Michael Clegg - 23/11/1996 - 9 lần ra sân
  • Chris Casper - 12/1/1997 - 2 lần ra sân
  • Ronnie Wallwork - 25/10/1997 - 19 lần ra sân
  • John Curtis - 25/10/1997 - 14 lần ra sân
  • Wes Brown - 4/5/1998 - 232 lần ra sân
  • Philip Mulryne - 10/5/1998 - 1 lần ra sân
  • Danny Higginbotham - 10/5/1998 - 4 lần ra sân
  • Nick Culkin - 22/8/1999 - 1 lần ra sân
  • Mark Wilson - 3/10/1999 - 3 lần ra sân
  • David Healy - 23/10/2000 - 1 lần ra sân
  • Luke Chadwick - 11/11/2000 - 25 lần ra sân
  • Paul Rachubka - 17/3/2001 - 1 lần ra sân
  • John O’Shea - 4/11/2001 - 256 lần ra sân
  • Danny Pugh - 21/9/2002 - 1 lần ra sân
  • Lee Roche - 23/11/2002 - 1 lần ra sân
  • Kieran Richardson - 23/11/2002 - 41 lần ra sân
  • Darren Fletcher – 27/9/2003 - 223 lần ra sân
  • Phil Bardsley - 24/9/2005 - 8 lần ra sân
  • Gerard Pique - 15/10/2005 - 12 lần ra sân
  • Giuseppe Rossi - 15/10/2005 - 5 lần ra sân
  • Chris Eagles - 28/4/2007 - 6 lần ra sân
  • Kieran Lee - 9/5/2007 - 1 lần ra sân
  • Frazer Campbell - 19/8/2007 - 2 lần ra sân
  • Danny Simpson - 6/10/2007 - 3 lần ra sân
  • Rodrigo Possebon - 17/8/2008 - 3 lần ra sân
  • Jonny Evans - 21/8/2008 - 131 lần ra sân
  • Darron Gibson - 15/11/2008 - 31 lần ra sân
  • Danny Welbeck - 15/11/2008 - 92 lần ra sân
  • Richard Eckersley - 27/1/2009 - 2 lần ra sân
  • Federico Macheda - 5/4/2009 - 19 lần ra sân
  • Lee Martin - 24/5/2009 - 1 lần ra sân
  • Tom Cleverley - 14/8/2011 - 55 lần ra sân
  • Zeki Fryers - 10/12/2011 - 2 lần ra sân
  • Will Keane - 31/12/2011 - 2 lần ra sân
  • Paul Pogba - 31/1/2012 - 53 lần ra sân
  • Ben Amos - 31/1/2012 - 1 lần ra sân
  • Adnan Januzaj - 14/9/2013 - 50 lần ra sân
  • Tom Lawrence - 6/5/2014 - 1 lần ra sân
  • Tyler Blackett - 6/5/2014 - 11 lần ra sân
  • James Wilson - 6/5/2014 - 15 lần ra sân
  • Jesse Lingard - 16/8/2014 - 78 lần ra sân
  • Michael Keane - 24/8/2014 - 1 lần ra sân
  • Tom Thorpe - 27/9/2014 - 1 lần ra sân
  • Paddy McNair - 27/9/2014 - 24 lần ra sân
  • Andreas Pereira - 15/3/2015 - 5 lần ra sân
  • Cameron Borthwick-Jackson - 7/11/2015 - 10 lần ra sân
  • Timothy Fosu-Mensah - 28/2/2016 - 12 lần ra sân
  • James Weir - 28/2/2016 - 1 lần ra sân
  • Marcus Rashford - 28/2/2016 - 71 lần ra sân
  • Axel Tuanzebe - 07/5/2017 - 5 lần ra sân
  • Donald Love - 07/5/2017 - 1 lần ra sân
  • Demetri Mitchell - 21/5/2017 - 1 lần ra sân
  • Scott McTominay - 07/5/2017 - 11 lần ra sân
  • Josh Harrop - 21/5/2017 - 1 lần ra sân
  • Joel Castro Pereira - 21/5/2017 - 1 lần ra sân
  • Angel Gomes - 21/5/2017 - 1 lần ra sân

Dịch từ bài viết của tác giả Henry Winter đăng trên tờ Times (Vương quốc Anh)

Nguồn: VietnamPlus
    Bình Luận