Việc Arsenal nêu cụ thể về cách thức lẫn vị trí một cầu thủ sẽ được sử dụng ngay trong buổi ra mắt là điều tương đối bất thường, đặc biệt khi nhân vật chính lại là một cầu thủ đa năng như Havertz. Dù vậy, tuyển thủ Đức cũng được xếp thẳng vào "nhóm tiền vệ" trong đội hình trên trang web của Arsenal.
Nó có vẻ giống như một cuộc tái xây dựng thương hiệu, một nỗ lực để tách Havertz khỏi cái mác "tiền đạo phòng ngự" ở Chelsea. Tuy nhiên, khi Arteta tìm cách đưa Havertz vào hàng tiền vệ với diện mạo mới, anh lại giống với thứ mà ở Đức người ta gọi là "Fremdkorper" (tạm dịch: Người ngoài hành tinh đi lạc).
Chiến thắng 1-0 trước Arsenal trước Man City tại Premier League vừa qua mang lại cả sự khích lệ và lo lắng. Havertz vào sân từ băng ghế dự bị rồi kiến tạo cho Gabriel Martinelli ghi "bàn thắng vàng" mang về 3 điểm quý giá. Đây chắc chắn là khoảnh khắc quan trọng nhất của cựu sao Leverkusen trong màu áo Arsenal cho đến nay. Thế nhưng, nhìn theo góc độ khác, việc Havertz không được đá chính trong một trận cầu đỉnh cao như vậy, bất chấp nhiều đồng đội chấn thương, đã nói lên vị thế của anh tại Pháo thủ.
Trước Man City, Havertz tất nhiên đá tiền đạo thay vì tiền vệ. Đó cũng là vai trò mà anh đã đảm nhận trước Man xanh trong trận tranh Siêu cúp Anh hồi tháng 8. Cầu thủ 24 tuổi rời Chelsea với hi vọng có thể thoát khỏi vai trò mà anh bị coi như "bóng ma". Dẫu vậy, chính vị trí tiền đạo lại là nơi Havertz có lẽ đang cảm thấy thoải mái nhất tại Arsenal. Đơn giản chỉ vì nó quen thuộc hơn so với việc anh bị "ốp" vào tuyến giữa một cách khiên cưỡng.
Đó là điều đáng được đón nhận. Đối với một cầu thủ đang gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới, sự quen thuộc là vô giá. Arsenal có thể đã mua Havertz ở vị trí "số 8", nhưng cách sử dụng anh tốt nhất lúc này là ở vị trí "số 9", hoặc... "9 rưỡi". Arsenal không có xu hướng chơi với một tay săn bàn trong vòng cấm như Erling Haaland. Công việc của tiền đạo cắm phía Pháo thủ là liên kết lối chơi và di chuyển không bóng. Khi làm như vậy, họ tạo khoảng trống cho những cầu thủ như Bukayo Saka và Martinelli khai thác xuống phía sau hàng thủ.
Havertz sẽ không bao giờ trở thành Didier Drogba của Chelsea, song liệu anh có mang phong cách tương tự Robin van Persie? Đôi khi, Arsenal thiếu sự đa dạng ở hàng tiền đạo: một cầu thủ có chiều cao tốt để đón được những đường chuyền dài và tạo ra mối đe dọa từ bóng bổng, một người cảm thấy thoải mái khi chơi quay lưng lại với khung thành đối phương. Ở Havertz, Arsenal đã có thứ gì đó gần như thế. Chân sút này mang đến một động lực khác.
Vấn đề là Arsenal thường xuyên gặp phải hàng phòng ngự lùi sâu khiến Havertz gần như không thể thực hiện những pha chạy chỗ vốn là thế mạnh. Thay vào đó, tuyển thủ Đức bị mắc kẹt. Dù vậy khi đá trên cao, Havertz lại biết cách giữ bóng trước khi mở ra cơ hội cho đồng đội hoặc giúp Pháo thủ tiếp tục nắm quyền kiểm soát.
Ví dụ như ở trận gặp PSV tại Champions League, Havertz lùi xuống giữa sân nhận cú phất bóng của thủ thành David Raya. Martin Odegaard chạy nhanh vào trong để tìm một phương án chuyền bóng tiềm năng, nhưng khi Arsenal đang dẫn trước, Havertz vẫn cố gắng giữ bóng trong chân, cầm thêm vài nhịp rồi chuyền ngắn cho Jorginho. Đó là một minh chứng hiệu quả về khả năng đảm bảo bóng mà Havertz có thể mang lại ở vị trí tiền đạo. Trong những trận đấu mà Arsenal muốn kéo dài và giữ được thế trận, Havertz là một phương án hấp dẫn.
Có ý kiến cho rằng việc sử dụng Havertz trên hàng công có thể là một bước thụt lùi. Nhưng nhìn theo hướng tích cực, đó có thể là điều cần thiết để giúp anh tìm thấy mình ở Arsenal.
Bình Luận