Chelsea không lo vi phạm luật công bằng tài chính

Chelsea hiện chỉ đứng thứ 10 trên BXH Premier League 2022/23, nhưng xét độ chịu chơi trên thị trường chuyển nhượng thì họ phải xếp thứ nhất.
Chelsea không lo vi phạm luật công bằng tài chính

MUA HÀNG GIÁ CAO THEO CÁCH TRẢ GÓP

Với việc vừa chiêu mộ tiền vệ Enzo Fernandez từ Benfica với giá 107 triệu bảng, tính ra Chelsea kể từ khi đổi chủ đã chi ra tới hơn 500 triệu bảng cho việc mua sắm chỉ trong 2 kỳ chuyển nhượng gần đây.

Riêng trong “phiên chợ” mùa Đông, đội bóng của Todd Boehly đã tiêu tốn 288 triệu bảng cho việc nâng cấp đội hình. Đây thực sự là con số khổng lồ. Nó thậm chí còn cao hơn 190 triệu bảng là tổng số tiền mà 78 CLB ở Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Italia vừa dùng để mua cầu thủ trong tháng đầu năm mới.

Theo lẽ thường, việc Chelsea chi tiêu bạt mạng rất dễ khiến họ phải đối mặt với nguy cơ vi phạm luật công bằng tài chính của UEFA. Tuy nhiên, đang có hàng loạt lý do FFP không phải là vấn đề với Chelsea.

Đầu tiên, Chelsea khi mua cầu thủ thay vì thanh toán hết một lượt đã thuyết phục các đối tác cho họ trả góp. Đơn cử như ở thương vụ “bom tấn” Enzo Fernandez, Chelsea không phải “chồng” ngay cho Benfica 107 triệu bảng.

Đúng là Benfica cuối cùng vẫn nhận đủ số tiền trên, nhưng Chelsea sẽ trả dần từng phần trong 6 đợt. Điều này cho phép đại diện phía Tây thành London lách được một số quy định của FFP.

KÝ HỢP ĐỒNG DÀI HẠN

Dưới sự điều hành của Boehly và cộng sự, Chelsea có xu hướng ký những hợp đồng có thời hạn dài. Đơn cử như tân binh trị giá 88 triệu bảng Mykhaylo Mudryk cam kết đá cho Chelsea trong 8 năm rưỡi. Trong khi đó, hậu vệ mới chuyển tới từ Monaco là Benoit Badiashile cũng gắn bó với Chelsea trong 7 năm rưỡi.

Kế hoạch dài hơi giúp Chelsea có đủ thời gian và điều kiện để cân đối thu chi. Bên cạnh đó, họ cũng xem những cầu thủ mà mình tậu được như những khoản đầu tư có tiềm năng sinh lời theo năm tháng. Nếu mọi thứ đi đúng hướng, Chelsea hoàn toàn có thể hưởng lợi khi đẩy Mudryk hay Fernandez cho đối tác khác trong tương lai.

Có thể nói, những bản hợp đồng dài hạn cũng chẳng khác gì hàng loạt sản phẩm dạng “cây nhà lá vườn” (home-grown) của Chelsea như Tammy Abraham và Fikayo Tomori. Việc Chelsea mới bán được Abraham và Tomori để thu về hơn 60 triệu bảng cho thấy họ “mát tay” thế nào khi biến thời gian thành lợi nhuận.

NHỮNG LÝ DO KHÁC

Trong năm 2021, Chelsea rất thành công ở đấu trường châu lục khi đoạt cả chức vô địch Champions League lẫn Siêu Cúp châu Âu. Hai danh hiệu này đã mang về cho Chelsea số tiền tổng cộng 119 triệu bảng.

Nhờ vậy, bản báo cáo tài chính trong giai đoạn 3 năm của Chelsea đã đẹp lên đáng kể. Một lý do khác khiến Chelsea không lo bị “sờ gáy” là UEFA mới đây đã nới lỏng những quy định trong chi tiêu cho các CLB.

Cụ thể, trước đây các đội bóng chỉ được sử dụng 70% doanh thu cho việc mua sắm và trả lương cầu thủ. Bây giờ con số đó được nâng lên tới 90%. Như vậy cũng có nghĩa, UEFA đã tạo ra “lỗ hổng” cho phép những CLB khôn khéo như Chelsea lách luật. 

    Bình Luận