Lịch thi đấu, Kết quả, BXH Premier League
Thật ra, khái niệm “mạnh, yếu” chỉ mang tính ước lệ. Nhìn vào vị thứ trong bảng xếp hạng, may ra vẫn còn có lý, dù không hẳn đội nào đứng thấp cũng là đội yếu, hoặc đội nào đứng cao cũng là đội mạnh. Đội số 5 Sheffield United mạnh hơn các đội đang đứng dưới họ ở Premier League?
Còn nếu đánh đồng việc giữ bóng nhiều với tư cách đội mạnh, e không hợp lý. Đội tuyển Pháp chỉ giữ bóng 49,6% (đứng thứ 18 trong toàn giải) khi họ vô địch World Cup 2018. Bồ Đào Nha thì đứng thứ 11 về tỷ lệ giữ bóng khi họ vô địch EURO 2016.
Nhưng tóm lại, khi M.U chỉ thắng trong 8% số trận mà họ giữ bóng nhiều hơn, thì đấy là một vấn đề. Vấn đề này càng đáng quan tâm khi chúng ta nhìn sang các đội khác và thấy rằng ai cũng có tỷ lệ thắng cao khi giữ bóng nhiều hơn. Liverpool thắng đến 93%. Ngay cả Leicester (nhiều người cho rằng đội này thích đá phòng ngự - phản công) cũng thắng đến 77% trong những trận đấu mà họ giữ bóng nhiều hơn.
Vì sao M.U lại cứ thất bại trong các trận đấu mà họ giữ bóng nhiều hơn? Có một điều không thể thống kê, đó là thái độ khinh địch!
Nhìn vào bề mặt, có vẻ như các cầu thủ M.U... không biết làm gì khi họ “phải” giữ bóng. Một phần nguyên nhân là thiếu sáng tạo. Suy cho cùng, khả năng sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quy luật tấn công luôn khó hơn phòng ngự, trong môn bóng đá. Sự sáng tạo, thông minh trong lối chơi và kỹ thuật cá nhân điêu luyện làm nên đẳng cấp của một ngôi sao tấn công. Còn trong phòng ngự, bạn chỉ cần chơi kín kẽ, tập trung và giữ vững kỷ luật.
Vấn đề đặt ra là nếu M.U không đủ sáng tạo để phát huy ưu thế về tỷ lệ giữ bóng, không biết làm gì với quả bóng trong chân, không đủ khả năng xuyên thủng những hàng phòng ngự chặt chẽ, sao họ không giữ mãi quả bóng và can tâm chia điểm?
Trong bóng đá, chẳng phải đội nào hay hơn thì cũng phải thắng. Biết cách chấp nhận kết quả hòa cũng là một “cái biết” quan trọng. Không đủ tài để chiến thắng nhưng lại cố phân thắng bại bằng mọi cách, thì dễ chuốc lấy hậu quả: thất bại vì khinh địch.
Về mặt tâm lý, các nhà chuyên môn đã chỉ ra rằng khi giữ bóng nhiều mà không có tính sáng tạo cùng đẳng cấp kỹ thuật tương xứng, bạn rất dễ nảy sinh tâm lý thể hiện cái hơn của mình bằng những đường chuyền có độ khó cao, dù là vô ích. Tần suất chuyền hỏng tăng cao, và hậu quả sẽ đến!
Cứ phải thắng ư? Bóng đá (và cả cuộc sống) đâu phải là như vậy!
XEM THÊM
Solskjaer, M.U không cần một ông thầy chỉ giỏi đá đại chiến
Bình Luận