Theo quan điểm của cây viết Martin Samuel trên tờ Daily Mail, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì bóng đá chắc chắn sẽ không còn được như xưa. Đó là điều sẽ diễn ra không chỉ ở kỳ chuyển nhượng hay mùa giải sắp tới, mà còn ảnh hưởng tới cả những thế hệ sau này.
Tuy cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra chưa có biểu hiện thực sự rõ rệt, song nó hứa hẹn sẽ làm đảo lộn thị trường chuyển nhượng, giá trị của các cầu thủ hay sự ổn định về mặt tài chính. Có thể khẳng định, bất cứ ai từng trải qua đại dịch Covid-19 sau này sẽ luôn phải sống trong trạng thái đề phòng. Đơn giản, thực tế đã chứng minh khi dịch bệnh xảy ra thì không có thứ gì được xem là an toàn cả.
Cũng giống như nền kinh tế châu Âu phải mất cả thập kỷ mới mong có thể phục hồi, niềm tin với bóng đá cũng không còn và chẳng biết đến bao giờ mới lại trở về trạng thái cũ. Đây là chuyện không cần phải bàn cãi, bởi các trận đấu ở khắp nơi, từ Newcastle cho đến Nou Camp đều phải đối mặt với sự điều chỉnh và không có sự lựa chọn nào khác.
Nếu bạn thắc mắc rằng tại sao bóng đá không có cơ chế phòng thủ cho những cuộc khủng hoảng ập đến bất ngờ thì đây là câu hỏi hoàn toàn vô nghĩa. Trong bối cảnh Covid-19 buộc mọi người phải ở nhà, đồng thời chú trọng đến sức khỏe và túi tiền của mình hơn, bóng đá từ chỗ là môn thể thao vua phải nhường chỗ cho những mối bận tâm khác cũng là chuyện dễ hiểu.
Suy cho cùng, bóng đá cũng chỉ là một ngành kinh doanh. Giống như một nhà hàng đang làm ăn phát đạt bỗng trở nên vắng khách chỉ sau 1 đêm, các SVĐ bây giờ cũng không còn là nơi thích hợp để đám đông CĐV ham vui tụ tập như trước.
Khi các hãng hàng không thi nhau sụp đổ vì không có hành khách, các cửa hàng, công ty đóng cửa do mất nguồn thu, còn người dân bị hạn chế ra đường và đối mặt nguy cơ thất nghiệp, chẳng có gì ngạc nhiên khi không mấy ai còn thiết tha với bóng đá. Nên biết rằng, khán giả cũng chính là lực lượng nuôi sống cầu thủ và những người làm bóng đá mỗi ngày. Không có họ thì các đội đâu thể bán vé, thu tiền bản quyền truyền hình hay kiếm được những bản hợp đồng tài trợ béo bở.
Vâng! Chúng ta có thể tranh luận về chuyện có vài CLB từng vượt qua giai đoạn khó khăn nhờ những kế hoạch và chính sách hợp lý. Tuy nhiên, khi thảm họa xảy ra trên diện rộng thì không ai đủ sức làm được như thế. Hãy thử tưởng tượng, một quán cafe ở Hiroshima vào năm 1945 liệu có thể làm gì nếu bỗng dưng thành phố lãnh trọn cả một quả bom nguyên tử?
Virus Corona tất nhiên không phải là chiến tranh, nhưng sức hủy diệt của nó khủng khiếp thế nào thì ai cũng thấy. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, chẳng có fan nào cảm thấy thoải mái khi đứng giữa đám đông, hay chẳng đội bóng nào dám mạo hiểm chi tiêu những khoản tiền vô lý như trước. Về phần mình, những nhà tài trợ cũng không thấy có lý do gì để đầu tư cho môn thể thao vua ít nhất là trong ngắn hạn.
Hệ quả kéo theo là thị trường chuyển nhượng bỗng dưng sẽ trở nên rất khác. Đơn cử như chuyện đang có thông tin kiểu như Hè này vẫn có những đội sẵn sàng trả Dortmund 150 triệu bảng để đổi lấy Jason Sancho. Nhưng nếu dịch Covid-19 vẫn cứ diễn biến phức tạp thì trong tương lai mức giá trên quả là một con số vô lý.
Xin được nhấn mạnh, Barca vốn là một trong những CLB giàu có nhất thế giới đang phải giảm lương cầu thủ từ 50% đến 70%. Đây chỉ là một ví dụ nho nhỏ cho thấy Covid-19 ảnh hưởng tới bóng đá ghê gớm đến mức nào.
Một ví dụ khác là ở Đức, 4 CLB được dự Champions League là Bayern Munich, RB Leipzig, Borussia Dortmund và Bayer Leverkusen mới quyên góp 20 triệu euro cho chiến dịch chống Covid-19. Đó là những nỗ lực cần thiết và nó cũng cho thấy các đội đã nhìn thấy trước những nguy cơ mà mình phải đối mặt nếu dịch không sớm được khống chế.
Tóm lại, Covid-19 là một thảm kịch mà cách đây 12 tháng không ai có thể tưởng tượng ra. Bây giờ người ta mới thấy rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của luật công bằng tài chính, nhưng mọi thứ đã trở nên quá muộn màng. Tuy nhiên, sẽ là không công bằng nếu đổ lỗi và phán xét các CLB đã quá hào phóng trong việc chi tiêu, bởi biến cố là thứ đâu ai có thể lường trước được.
Chỉ có một điều chắc chắn là bây giờ Covid-19 đã buộc các CLB phải tính toán chi ly hơn. Ai biết được đến bao giờ dịch bệnh mới hết. Ngay cả khi Hè này các giải đấu có thể mở cửa trở lại thì cũng chẳng ai dám chắc sau đó 9 tháng Covid-19 không bùng phát trở lại.
Nếu sống sót qua cuộc khủng hoảng, rất có thể sẽ không còn đội nào sẵn sàng mua cầu thủ với giá 100 triệu bảng hay trả cho các tay "cò" 20% con số nói trên. Đó là một trong những điều thể hiện việc bóng đá đang dần thay đổi.
Với những người lạc quan, họ vẫn hy vọng các trận đấu bóng đá sẽ trở lại vào mùa Hè. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thống nhất với nhau là sau mùa Hè thì mùa Đông chắc chắn sẽ đến sớm thôi. Việc thế giới bóng đá sắp bước vào giai đoạn khó khăn, ảm đạm và lạnh lẽo như mùa Đông đơn giản là kịch bản không thể đảo ngược trong một sớm một chiều.
XEM THÊM
David De Gea, Marco Reus 'ghi điểm' giữa đại dịch Covid-19
Học Martial, Pogba và Hazard cũng 'biến hình' giữa mùa Covid-19
Cách ly ở nhà vì dịch Covid-19, Martial ngứa tay... cạo đầu trọc lốc
Bình Luận