Dân Anh chơi bóng không giỏi (so sánh trong hàng ngũ những siêu cường bóng đá). Nhưng họ là những người nghĩ ra trò chơi bóng đá. Không phải là chuyện ngẫu nhiên khi cả thế giới rút cuộc đã phải học theo không biết bao nhiêu ý tưởng tuyệt vời của bóng đá Anh.
Cũng không phải nói đâu xa: đẳng cấp chuyên môn của các cầu thủ hoặc đội bóng Anh càng tầm thường, thì điều đó lại càng cho thấy người Anh giỏi như thế nào trong việc khai thác trò chơi bóng đá, khi giải VĐQG của họ - Premier League - ngày càng bỏ xa mọi giải đấu khác về giá trị tiền bạc.
Ngay bây giờ, không ít người trong cuộc đang chỉ trích Premier League vì cái quy định “ngược đời” do chính giải này áp dụng: tự đóng cửa mùa chuyển nhượng trước khi Premier League khai mạc.
Nói nôm na thì không ai cấm mua bán gì. Chẳng qua, Premier League sẽ “khóa sổ” danh sách đăng ký cầu thủ trước khi bóng lăn trong trận đầu tiên (vậy nếu bạn có mua thêm cầu thủ, cũng không dùng được). Trong khi đó, các đội bên ngoài nước Anh vẫn thoải mái mua cầu thủ từ Premier League cho đến trước khi bóng đá châu Âu “khóa sổ” vào ngày 31/8. Nghĩa là từ ngày 11/8 đến ngày 31/8 thì các đội ở Premier League chỉ có thể bán chứ không thể mua (chính xác là đăng ký thêm) cầu thủ. Từ đâu ra cái quy định”kỳ khôi” ấy? Xin thưa: đấy là kết quả biểu quyết của... chính các đội bóng ở Premier League.
Tất nhiên, đã là biểu quyết thì đa số thắng thiểu số thôi. Không phải đội bóng nào ở Premier League cũng tán thành quy định này. Vấn đề là nếu như hơn 2/3 số đội đồng ý, tất phải có cái lý do của nó. Và, trong mọi tình huống, hãy cứ nhớ lại cái thực tế rành rành trước mắt: Premier League là giải đấu đắt giá nhất, thu hút nhất, giàu nhất thế giới.
Ngày xưa, giới bóng đá Anh nghĩ ra thang điểm 3 cho mỗi trận thắng, trong thể thức thi đấu vòng tròn. Từ chỗ chê cười, chuyển sang ngờ vực, rồi cuối cùng thì cả thế giới cũng đành rập khuôn cách tính điểm của bóng đá Anh. Còn có một quy định kỳ lạ mà chẳng nơi nào can đảm học theo. Đó là quy định cấm truyền hình trực tiếp bóng đá - bất kể là giải bóng đá nào - trong giờ cao điểm của ngày thứ Bảy hàng tuần. Quy định đã đứng vững suốt nửa thế kỷ ấy chỉ làm cho bóng đá Anh giàu mạnh lên, chứ đâu có nghèo đi - dù ai cũng thấy bóng đá sống nhờ truyền hình. Có lúc, người ta tính rằng giải hạng Nhì (Championship) của Anh là giải đấu đứng thứ 4 ở châu Âu về số lượng khán giả đến sân (và nguồn thu đi kèm, dĩ nhiên). Chỉ sau đúng 3 giải lớn là Premier League, Bundesliga và La Liga!
Có một câu chuyện không phải là bóng đá thuần túy, nhưng cũng liên quan khá nhiều đến bóng đá, đã và đang diễn ra ngay trước mắt. Đúng những ngày này cách đây 2 năm, khối người tỏ ra “rành rẽ” một cách thiển cận pha lẫn ngông cuồng: bóng đá Anh sẽ “chết”, hoặc nhẹ hơn thì cũng là suy yếu, vì... Brexit. Kết quả trước mắt hẳn nhiên là chẳng suy yếu chút nào.
Cho nên, đừng vội kết luận rằng Premier League đã tự “chặt tay”, làm khó mình khi tự... cấm chuyển nhượng trước ngày giải đấu khai mạc. Mà cũng chẳng riêng gì Premier League. Toàn bộ 72 đội bóng chuyên nghiệp ở 3 đẳng cấp thấp hơn cũng đã biểu quyết và thông qua quy định tương tự. Chắc chắn một điều: kết quả biểu quyết để có cái quy định “ngược đời” về chuyển nhượng trong làng bóng Anh chính là suy nghĩ chung của giới bóng đá Anh. Phàm là bóng đá chuyên nghiệp, hãy học người Anh, trước khi chỉ trích họ. Dĩ nhiên, cũng chính người Anh đi đầu, nếu không muốn nói là “dạy” thế giới, về khái niệm chuyển nhượng. Cầu thủ chuyên nghiệp tại Anh đã được chuyển nhượng cách nay những hàng trăm năm.
Bình Luận